Những phẩm chất của tình yêu – Tiếng gọi yêu thương

SUY NIỆM 18 – NHỮNG PHẨM CHÁT CỦA TÌNH YÊU

“Đây là giới răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15, 12).

Tình yêu là gì? Hãy xem một đoá hoa hồng. Có hoa hồng nào dám nói rằng: “tôi sẽ chỉ toả hương thơm cho những người tốt, còn với người xấu thì tôi giữ lại hương thơm ấy”? Hay bạn có thể hình dung một ngọn đèn giữ lại ánh sáng không cho người xấu đang lần bước trong ánh sáng? Ngọn đèn chỉ có thể làm điều ấy bằng cách chấm dứt luôn vai trò làm ngọn đèn.

Hãy xem cây cối che bóng mát cho mọi người, không phân biệt và một cách hết sức tự nhiên: che bóng mát cho người tốt lẫn người xấu, người già lẫn người trẻ, người cao lẫn người thấp; che bóng mát cho người lẫn vật, thậm chí cho cả những người đang tìm cách đốn cây.

1. Đặc tính đầu tiên của tình yêu: không phân biệt đối xử.

Đó cũng là lí do chúng ta được mời gọi hãy hành động giống như Thiên Chúa, “đấng đã cho nắng chiếu xuống trên người tốt lẫn người xấu, cho mưa đổ xuống trên người thánh thiện lẫn người tội lỗi; anh em cũng phải tốt như thế để giống với Cha anh em trên trời là đấng tốt lành”;

a. Hãy ngắm nghía một cách ngỡ ngàng vẻ tốt lành tuyệt vời của một đoá hoa, của ngọn đèn, của một cây cao, để nhờ đó có thể hình dung ra thế nào là tình yêu.

Làm sao có thể có được đặc tính ấy của tình yêu? Bạn có làm gì thì cũng chỉ cưỡng ép, chế tạo và bởi đó hoàn toàn giả tạo, đang khi tình yêu thì không thể bị cưỡng ép. Trong việc này bạn không thể làm gì hết. Nhưng có thể dẹp bỏ một đôi điều.

b. Hãy xem mình thay đổi tuyệt vời như thế nào khi không còn nhìn người khác là người tốt hay người xầu, người thánh thiện hay người tội lỗi, mà chỉ nhìn người khác như những người vô tình hay không biết mới hành động như thế.

Phải dẹp bỏ sự tin tưởng sai lầm này: con người có thể phạm tội với tất cả sự tỉnh ngộ. Không ai có thể phạm tội khi đã tỉnh ngộ. Không như chúng ta hay lầm tưởng, tội có thể nảy sinh với ác ý, chứ không với sự tỉnh ngộ. “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết điều mình đang làm”. Nhận ra được điều này là đã có được tính không phân biệt đối xử mà ta đã ngỡ ngàng khi nhìn đoá hoa, ngọn đèn hay cây cao.

2. Còn đây là đặc tính thứ hai của tình yêu: sự vô cầu. Cũng giống như cây cao, đoá hoa và ngọn đèn, tình yêu cho đi mà không đòi gì trở lại.

Chúng ta sẽ khinh bỉ biết bao người đàn ông chọn vợ không phải vì đức tính nào người phụ nữ ấy có, mà chỉ vì món tiền hồi môn cô ấy có. Và chúng ta có lí để nói rằng người đàn ông ấy không yêu người đàn bà kia mà chỉ yêu lợi nhuận tài chính cô ấy mang lại. Thế nhưng, tình yêu của bạn có khác tình yêu ấy hay không, khi bạn cũng chỉ thích bầu bạn với người nào làm bạn thoả mãn và mặt tình cảm, và xa tránh những người nào không làm như thế; hoặc khi bạn hết sức sẵn sàng với những người cho bạn cái bạn cần và vô tình đối với những người không được như thế?

Đây cũng là điều duy nhất bạn cần làm để có được tính vô cầu đặc thù của tình yêu. Bạn có thể mở to mắt thì sẽ thấy. Chỉ cần nhìn thấy, chỉ cần phơi trần cái mà bạn cho là tình yêu đúng như sự thật của nó – đó chỉ là sự nguỵ trang ích kỉ và tham lam – là bạn đã bước được một bước lớn để có được đặc tính thứ hai này của tình yêu.

3. Đặc tính thứ ba của tình yêu là không ý thức về bản thân mình. Khi yêu, người ta sung sướng yêu thương tới mức không ý thức điều ấy.

Tương tự như thế, ngọn đèn bận bịu chiếu sáng cho người ta đến nỗi không mảy may ý thức làm như thế có lợi cho người khác hay không. Hay như đoá hoa toả hương thơm chỉ vì nó không thể làm gì khác hơn, không cần biết có người thưởng thức hương thơm ấy hay không. Cây chiếu bóng mát cũng tương tự như thế.

Đèn không toả sáng, hoa không toả hương, cây không chiếu bóng mát vì có người bước tới, rồi tắt đi khi không có người. Cũng như tình yêu, ánh sáng, hương thơm và bóng mát có mặt hoàn toàn không có mục tiêu như thế. Chúng có sao thì làm vậy, bất kể có người tận hưởng hay không. Chúng không ý thức mình đã làm điều tốt hay đã lập nên công trạng nào đó. Tay trái của chúng không hề hay biết những gì tay phải làm. “Lạy Chúa, có khi nào chúng con thấy Chúa đói khát để giúp đỡ Chúa?”

4. Đặc tính cuối cùng của tình yêu là sự tự do. Khi nào có cưỡng bách, kiểm soát hay xung đột thì không còn tình yêu. Hãy xem đoá hoa, cây cao, ngọn đèn đã cho bạn được tự do như thế nào.

Cây cao không nỗ lực để kéo bạn vào bóng mát của nó khi bạn có nguy cơ bị trúng nắng. Ngọn đèn cũng không ép ánh sáng chiếu lên bạn để bạn khỏi bị vấp chân khi bước trong bóng tối.

a. Thử suy nghĩ về tất cả sự cưỡng ép và kiểm soát của người khác mà bạn phải tuân theo, khi bạn áy náy sống cho hợp với sự chờ đợi của họ để giành lấy tình yêu, sự tán đồng của họ hay vì sợ sẽ mất họ. Mỗi khi tuân theo sự cưỡng ép và kiểm soát ấy là bạn đã làm mất khả năng yêu thương vốn là bản tính của mình, vì lúc ấy bạn chẳng làm được gì hết ngoài việc làm cho họ những gì bạn muốn   người khác làm cho mình.

b. Sau đó, hãy xem tất cả sự cưỡng ép và kiểm soát đã xảy ra trong cuộc đời mình, và hi vọng rằng chỉ nhờ nhìn cho kĩ, những sự cưỡng ép và kiểm soát ấy sẽ biến mất. Khi nào tất cả những điều ấy biến mất thì tự do sẽ xuất hiện. Và tự do là một tên gọi khác của tình yêu.

Tác giả: Anthony de Mello, dòng Tên
Dịch giả: Lm. Phêrô Đặng Xuân Thành 

Advertisement

One thought on “Những phẩm chất của tình yêu – Tiếng gọi yêu thương

  1. Pingback: Tiếng gọi yêu thương – 30 bài suy niệm cho 30 ngày « Nguyên Thoại

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s