Các đức tính của sự thánh thiện – Tiếng gọi yêu thương

SUY NIỆM 12 – CÁC ĐẶC TÍNH CỦA SỰ THÁNH THIỆN

“Khi bố thí, anh em đừng cho tay trái biết việc tay phải làm” (Mt 6,3).

Đức bác ái có đặc tính nào thì hạnh phúc và sự thánh thiện cũng thế. Bạn không thể tuyên bố mình hạnh phúc, vì khi bạn cho rằng mình hạnh phúc thì lúc ấy bạn không còn hạnh phúc nữa.

Cái mà bạn gọi là kinh nghiệm hạnh phúc không hề là sự hạnh phúc, mà chỉ là sự hào hứng và lôi cuốn do ai đó, vật nào đó hay biến cố nào đó gây ra.

Còn hạnh phúc thật thì không do ai hay điều gì gây ra. Bạn hạnh phúc không do một lí do nào hết.

Hạnh phúc thật cũng là điều không thể trải nghiệm. Vì nó không nằm trong thế giới của ý thức. Sự thánh thiện cũng thế.

1. Sự thánh thiện vốn là điều tự mình không cảm thấy.

Khi bạn nhận thức mình thánh thiện, thì sự thánh thiện ấy sẽ lập tức trở nên lố bịch và đó chỉ là việc tự cho mình là công chính.

Một việc tốt sẽ không bao giờ tốt bằng khi bạn không biết nó là tốt – bạn yêu quí việc làm ấy tới mức bạn chẳng tự cảm thấy mình tốt lành và đức độ. Bàn tay trái của bạn không hề biết bàn tay phải của bạn đang làm một điều tốt hay một điều đáng khen nào đó. Bạn làm điều đó, giản dị chỉ vì đó là điều tự nhiên bạn cảm thấy phải làm thôi.

Hãy dành một ít thời gian để nhận thức sự kiện này: mọi nhân đức bạn có thể khám phá thấy nơi mình đều không phải là nhân đức, mà chỉ là những điều bạn đã khôn khéo vun trồng, tạo ra và áp đặt cho mình. Nếu đó đúng là các nhân đức thì bạn đã hết lòng tận hưởng và đã cho là hết sức tự nhiên khi thấy mình không coi đó là các nhân đức. Như thế, đặc tính đầu tiên của sự thánh thiện là không tự mình ý thức điều đó.

2. Đặc tính thứ hai là không phải nỗ lực vất vả.

Nỗ lực vất vả có thể giúp làm thay đổi phong cách, nhưng không thể làm thay đổi chính con người mình.

Thử nghĩ xem người ta có thể nỗ lực đưa thức ăn vào mồm, nhưng không thể gây ra cảm giác ăn ngon: có thể giữ mình trên giường, nhưng không thể khiến mình ngủ; có thể khiến bạn tiết lộ bí mật với người khác, nhưng không thể tạo ra sự tín nhiệm; có thể bắt bạn phải nói lời khen ngợi, nhưng không thể khiến bạn thật sự ngưỡng mộ.

Nhờ nỗ lực cố gắng, ta có thể làm một việc phục vụ, nhưng không thể nào tạo ra tình yêu hay sự thánh thiện. Tất cả những gì bạn có thể có được nhờ nỗ lực cố gắng là sự o ép, chứ không phải là sự thay đổi và lớn lên thực sự. Người ta chỉ có thể tạo ra sự thay đổi nhờ sự nhận thức và am hiểu.  Hãy hiểu cho ra sự bất hạnh thì bất hạnh sẽ không còn – và kết quả sau cùng là hạnh phúc.

Hiểu cho ra sự tự phụ thì không còn tự phụ nữa, và kết quả là khiêm tốn. Hiểu cho ra sự bất hạnh thì không còn bất hạnh nữa, và kết quả là hạnh phúc.  Hiểu cho ra những nỗi lo sợ của mình thì sẽ hết lo sợ, và kết quả là yêu thương. Hiểu cho ra những quyến luyến của mình thì sẽ không còn quyến luyến nữa, và kết quả là được tự do.

Yêu thương, tự do và hạnh phúc không phải là những điều bạn có thể vun trồng và tạo ra. Thậm chí bạn cũng không thể nào biết chúng là gì. Bạn chỉ cần quan sát các điều trái ngược và, qua sự quan sát ấy, bạn làm cho các điều trái ngược ấy biến mất.

3. Đặc tính thứ ba của thánh thiện:

Thánh thiện là điều không thể ao ước. Nếu ao ước hạnh phúc thái quá, bạn sẽ áy náy không biết mình có thể đạt được điều ấy không.

Lúc nào bạn cũng cảm thấy bất mãn; chính sự bất mãn và áy náy này sẽ giết chết niềm hạnh phúc đích thực mà bạn đã ra công tìm kiếm.

Khi bạn ao ước sự thánh thiện cho bản thân mình là bạn đã tiếp sức cho lòng tham và tham vọng của mình, khiến bạn trở nên vô cùng ích kỉ, hão huyền và thiếu thánh thiện.

Đây là sự thật bạn phải hiểu: có hai nguồn có thể tạo ra sự thay đổi nơi bản thân mình.

1. Một là sự khôn khéo ma mãnh của bản thân mình, khiến bạn phải ra sức trở thành một người nào đó vượt xa sự thật của mình, để nhờ đó có thể tạo ra một đà rướn cho bạn được vẻ vang.

2. Hai là sự khôn ngoan của chính thiên nhiên. Nhờ sự khôn ngoan này, bạn sẽ tỉnh ngộ, sẽ hiểu ra sự khôn ngoan ấy. Đó là khi bạn chỉ làm mỗi một việc là để cho thực tại và thiên nhiên tự chúng thay đổi tất cả – từ kiểu thay đổi, cung cách thay đổi, tốc độ thay đổi, thời gian thay đổi…

Bản thân bạn đúng là một chuyên viên kĩ thuật giỏi, chứ không phải là nhà sáng tạo. Nó rất giỏi các phương pháp, các kĩ thuật, và có thể sản sinh ra những con người được cho là thánh thiện, rất cứng ngắc, bền bỉ, máy móc, hầu như không có sức sống, không khoan dung với bất cứ ai cũng như chưa từng độ lượng với chính mình, những con người bạo tàn – hoàn toàn khác hẳn sự thánh thiện và tình yêu. Đó là những người “thiêng liêng” rất nhạy cảm với sự thiêng liêng của mình và vì thế đã đóng đinh Chúa Cứu Thế.

Thiên nhiên không phải là một chuyên viên kĩ thuật. Thiên nhiên thích sáng tạo. Bạn sẽ trở thành nhà sáng tạo, chứ không phải là chuyên viên kĩ thuật  ma mãnh, khi bạn buông bỏ mọi sự – không tham lam, không tham vọng, không lo âu, không lo lắng phấn đấu, giành giật, tiến thủ, nắm lấy. Mà chỉ làm mỗi một việc là ý thức một cách tỉnh táo, nhanh nhạy, sắc sảo, làm tan đi tất cả mọi sự ngu ngốc, ích kỉ, quyến luyến và sợ hãi nơi mình.

Mọi thay đổi xảy ra nơi bạn không phải là kết quả của những tính toán hoạch định kĩ lưỡng, mà chỉ là hoa trái do thiên nhiên mang đến – chính thiên nhiên ấy đã dẹp qua mọi hoạch định và nỗ lực của bạn để bạn không còn lí do nào cho rằng đó là công trạng của bạn, là thành quả của bạn, như thể tay trái của bạn không hề biết những gì mà thực tại đã dùng tay phải của bạn làm nên.

Tác giả: Anthony de Mello, dòng Tên
Dịch giả: Lm. Phêrô Đặng Xuân Thành 

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s