SUY NIỆM 11 – NHỮNG TẦNG NHỮNG LỚP TRONG ÓC MÌNH
“Khi các môn đệ đến chỉ cho Đức Giêsu xem các kiến trúc của đền thờ, Ngài liền nói: “Anh em nhìn tất cả các điều ấy chứ? Thầy nói thật cho anh em biết: sẽ không còn hòn đá nào trên hòn đá nào, đền thờ sẽ bị đổ nhào” (Mt 24, 1-2).
Thử nhìn một người xệ xuống vì biết bao lớp mỡ. Tâm trí bạn cũng có thể trở thành như thế – chảy xệ xuống, hết lớp mỡ này đến lớp mỡ khác cho tới khi đầu óc bạn trở nên đần độn, lười suy nghĩ, lười quan sát, lười tìm kiếm và khám phá. Nó mất hết sự nhanh nhẹn, linh hoạt, uyển chuyển, và lúc nào cũng ngủ li bì.
Hãy nhìn ra chung quanh, bạn sẽ thấy hầu như người nào cũng mang đầu óc như thế: đần độn, ngủ gà ngủ gật vì chỉ toàn mỡ, chẳng muốn bị đánh thức, chẳng muốn bị tra hỏi cho tới khi tỉnh hẳn.
Những lớp mỡ ấy là gì?
Là tất cả những điều bạn tin tưởng, là tất cả những gì bạn kết luận về con người và sự vật, là tất cả những thói quen và tất cả những quyến luyến của bạn.
Trong những năm được đào tạo lẽ ra bạn phải được giúp gỡ các lớp mỡ ấy và giải thoát tâm trí mình. Thay vào đó, xã hội và văn hoá của bạn – những chủ nhân đã đặt các lớp ấy lên đầu óc bạn – lại dạy bạn đừng để ý đến chúng, cứ đi ngủ và để người khác – những chuyên viên như các nhà chính trị, các nhà lãnh đạo tôn giáo và văn hoá – làm công việc suy tư thay bạn.
Thế là càng ngày đầu óc bạn càng nặng nề với đống quyến luyến và truyền thống không một lần bị xét lại hay bị tra vấn ấy.
Nay chúng ta hãy xem xét từng lớp một.
1. Trước hết là các tin tưởng của bạn
Bạn có trải nghiệm cuộc đời như một chiến sĩ cộng sản hay một nhà tư bản, như một tín đồ Hồi Giáo hay một người Do Thái Giáo, bạn cũng chỉ trải nghiệm theo một hướng đã ấn định trước, đã bị thiên lệch. Đã có một rào chắn, đã có một lớp mỡ ngăn cách bạn với Thực Tại, và bạn không còn thấy, không còn sờ trực tiếp thực tại ấy nữa.
2. Lớp thứ hai là các ý kiến của bạn
Nếu bạn bám vào ý kiến về ai đó, bạn không còn yêu thương người ấy nữa mà chỉ yêu thương cái ý nghĩ của bạn về người ấy.
Bạn sẽ nhìn lại người ấy và nói một điều gì đó hoặc xử sự một cách nào đó, rồi bạn dán lên đó một nhãn hiệu: “Cô nàng rất khờ khạo, hay anh chàng rất đần độn, hay cô nàng rất dịu dàng, anh chàng rất dữ tợn”, v.v…
Thế là giữa bạn với người ấy đã có một lớp mỡ; lần sau khi gặp người ấy, bạn sẽ nhìn người ấy theo ý kiến đó, cho dù người ấy đã thay đổi rồi.
Thử nhìn xem bạn đã làm như vậy với hầu hết những người mình quen biết không.
3. Lớp thứ ba là các thói quen của bạn
Thói quen là điều rất thiết yếu với đời sống con người. Làm sao chúng ta có thể bước đi hay lái x e hoặc nói năng mà không nhờ vào các thói quen? Nhưng thói quen chỉ được có đối với những gì máy móc, chứ không áp dụng cho tình yêu và kiến giải. Có ai lại muốn mình được người khác yêu chỉ do thói quen?
Có bao giờ bạn ngồi trên bờ biển ngây ngất vì vẻ hùng vĩ và huyền bí của đại dương? Một người đánh cá ngày nào cũng nhìn đại dương nhưng chẳng hề chú ý tới sự vĩ đại ấy. Tại sao? Đó là tác dụng gây chán ngán do lớp mỡ nơi người ấy tạo ra, hay do thói quen tạo ra.
Bạn đã hình thành nơi mình những ý kiến cố định về mọi sự mình trông thấy và khi gặp chúng, bạn không nhìn chúng trong tất cả vẻ tươi mát luôn thay đổi của chúng, mà là chỉ nhìn thấy cái ý kiến cũ mèm, dày cộm, đáng chán bạn đã có được do thói quen. Đó chính là cách bạn cư xử với con người và sự vật, là cách bạn quan hệ với con người và sự vật: không còn chút gì là tươi mát, là mới mẻ, mà chỉ đều đều, tẻ nhạt do đã quen.
Bạn không còn khả năng nhìn một cách khác, sáng tạo hơn vì đã có thói quen xử sự với con người và thế giới như thế, đầu óc bạn đã bị cài bay ở chế độ tự động để bạn có thể ngủ trong lúc đang bay.
4. Lớp thứ tư là những sự quyến luyến và sợ hãi của bạn.
Lớp mỡ này là lớp mỡ thứ nhất. Thử phết một lớp mỡ dày của sự quyến luyến hay sợ hãi (và vì thế cũng không thích) lên bất cứ sự gì hay bất cứ người nào. Chính lúc ấy bạn sẽ không còn nhìn người ấy hay vật ấy đúng với sự thật của chúng.
Cứ thử nhớ lại một số người bạn không thích hoặc sợ, hay một số người bạn quyến luyến. Bạn sẽ thấy điều vừa nói thật đúng.
Bây giờ bạn có thấy đúng là mình đang ở trong nhà tù do các niềm tin và truyền thống của xã hội và văn hoá mình tạo ra, do các ý kiến, thành kiến, các quyến luyến và sợ hãi của mình trong quá khứ tạo ra không?
Hết bức tường này đến bức tường kia bọc quanh nhà tù ấy, đến nỗi hầu chắc bạn không bao giờ có thể phá vỡ để tiếp xúc với cuộc sống, tình yêu và sự tự do vô cùng phong phú ở bên ngoài nhà tù. Thế nhưng, chẳng những có thể, mà việc phá vỡ này còn thú vị nữa.
Bạn có thể làm gì để phá vỡ nhà tù ấy? Có bốn việc:
1. Trước hết là ý thức rằng mình đang bị các bức tường tù ngục bao quanh và đầu óc mình bắt đầu ngủ. Rất nhiều người không nhận thức cả điều này, và vì thế họ cứ sống cứ chết như những tù nhân.
Phần đông cuối cùng trở thành những kẻ bảo thủ, tìm cách thích nghi với đời sống ngục tù. Một số người đòi cải cách, họ chiến đấu để đòi cải thiện điều kiện sống trong nhà tù, hệ thống chiếu sáng tốt hơn, hệ thống gió tốt hơn. Nhưng hầu như không ai làm người phản loạn, làm nhà cách mạng phá vỡ tù ngục.
Bạn chỉ có thể làm nhà cách mạng, một khi biết nhìn thẳng vào bức tường nhà tù.
2. Thứ hai là ngắm xem các bức tường, để nhiều giờ xem lại các ý kiến, thói quen, sự quyến luyến và sợ hãi của mình, nhưng không vội phê phán và kết tội. Cứ nhìn thật lâu cho tới khi các bức tường ấy đổ xuống.
3. Thứ ba là dành thời giờ quan sát các sự việc và con người chung quanh mình. Hãy nhìn, nhưng nhìn thật sự, như thể đó là lần đầu tiên mình nhìn mặt một người bạn, một chiếc lá, một cây cao, một cánh chim bay, một cách cư xử và phong thái của những người chung quanh.
Hãy nhìn các điều ấy cách thực sự và hi vọng rằng mình sẽ nhìn họ cách mới mẻ đúng như sự thật của họ, không để cho các ý kiến và thói quen của mình làm mờ mắt mình hay làm mình ngờ nghệch ra.
4. Bước thứ tư cũng là bước quan trọng nhất: hãy lặng lẽ ngồi xuống và quan sát xem đầu óc mình làm việc thế nào. Sẽ có một dòng tư tưởng, tình cảm và phản ứng chầm chậm chạy qua. Hãy theo dõi dòng chảy ấy như khi bạn theo dõi một dòng sông hay môt khúc phim. Bạn sẽ sớm nhận ra nó còn lôi cuốn mình hơn cả dòng sông và khúc phim. Nó còn gây hứng khởi và giải thoát mình hơn nhiều .
Dù sao, bạn có dám nói bạn đang sống nếu không ý thức chính suy nghĩ và phản ứng của mình?
Người ta thường nói: một cuộc sống mà không ý thức thì chẳng đáng sống. Cũng không thể gọi là sống. Đó chỉ là sự hiện hữu máy móc, tự động, một giấc ngủ, một tình trạng vô thức, một cái chết. Thế nhưng, đó lại là điều mà thiên hạ gọi là sống đấy!
Hãy theo dõi, quan sát, chất vấn, tìm kiếm. Đầu óc bạn sẽ sống lại, chảy bớt mỡ, trở nên sắc sảo, nhanh nhẹn và linh hoạt. Các bức tường giam hãm bạn sẽ đổ xuống cho tới khi không còn hòn đá nào trên hòn đá nào, và bạn sẽ sung sướng được phóng tầm nhìn không bị gì ngăn cản để thấy sự vật đúng như bản chất của nó, bạn sẽ cảm nghiệm trực tiêp thế nào là Thực Tại.
Tác giả: Anthony de Mello, dòng Tên
Dịch giả: Lm. Phêrô Đặng Xuân Thành
Pingback: Tiếng gọi yêu thương – 30 bài suy niệm cho 30 ngày « Nguyên Thoại