Ngày 13/07. Thánh Henricô II, Hoàng đế Hiên

Thánh Henricô thuộc gia đình quí phái: Cậu Ngài là hoàng đế Ôthôn Cả (Othon le Grand), vị Hoàng đế sáng lập đế quốc La- Đức (Empire Romain Germanique). Cha Ngài cũng tên là Henricô, làm quận công miền Bavaria, và sau lên làm vua, được dân chúng tôn xưng là “Henricô Hòa Bình”. Bà thân mẫu là Hoàng hậu Gisela, một bà mẹ rất mực nhân đức, đã có ảnh hưởng nhiều, không những đối với con cái, mà ngay cả với nhà vua nữa. Hoàng đế Henricô và Hoàng hậu Gisela, sinh hạ tất cả bốn mặt con: Henricô là trưởng nam, sau kế vị cha. Brunô em Henricô, làm Giám mục địa phận Augsboug. Người con thứ ba, trùng tên với mẹ, là công chúa Gisela, sau kết bạn với vua thánh Têphanô nước Hungari. Sau cùng là công chúa Brigitta, lớn lên đi tu dòng, và làm bề trên nữ tu viện thánh Phaolô thành Ratisbonna.

Quả là một gia đình tốt phúc đáng làm gương. Phương ngôn có câu: “Cha mẹ hiền lành để đức cho con”, lời đó áp dụng vào đây thật rất đúng! Thực vậy, trong khi hoàng đế tận tâm lo việc triều chính, thì Hoàng hậu Gisela hết sức chu toàn công việc nội trợ và giáo dục các con. Ngay khi còn là một thiếu nữ, bà đã sắm được cho mình những đức tính của một người mẹ công giáo gương mẫu. Người ta kể, ngoài cuốn Phúc âm, bà còn thuộc lòng cuốn truyện thánh nữ Monica. Cũng như nhiều bà mẹ đạo đức khác, mỗi khi mang thai và sinh con, Hoàng hậu Gisela đọc kinh khấn và dâng con cho Trinh Nữ Maria ba lần mỗi ngày. Vì thế, bà có thể hãnh diện, nói được với chị em rằng: “Tôi đã dạy đạo cho con tôi, ngay khi chúng còn là thai nhi”.

Riêng Henricô, vừa lên sáu tuổi đã được mẹ gửi vào tu viện các cha kinh sĩ địa phận Hildeshiem. Bốn năm sau; cậu trở về nhà thụ giáo với thánh Wolfgang, một thầy dòng Biển Đức rất thông minh và thánh thiện. Chính vị tu sĩ này đã có công đào tạo các hoàng tử và các công chúa dưới triều vua. Ngài đã gieo vào tâm trí Henricô nhiều ý tưởng đạo đức. Ngài đã làm phát triển lòng tin sống động và làm nẩy nở mọi đức tính cao cả của người thiếu niên số một xứ Bavaria.

Nhưng rủi thay, trong một năm, Henricô đã phải chịu hai cái tang đau đớn: người cha khả ái và người thầy đáng kính đã lần lượt theo nhau từ trần. Thánh Walfgang tạ thế ngày 31.10.994 và hoàng đế Henricô Hòa Bình băng hà ngày 28.12.994. Tuy về trời, cả hai vị tôn sư, và thân phụ còn ghi khắc trong tâm hồn Henricô những bài học đáng quý về nhân đức và chí khí làm việc của các ngài.

Hai năm sau, Henricô được người kế vị cha, Hoàng đế Ôthôn III, và các lãnh chúa xứ Bavaria đặt làm Quận công. Bấy giờ Ngài mới 22 tuổi. Một trong những nhiệm vụ Quận công là tháp tùng hoàng đế đi tham chiến. Vì thế, cuối năm 996, Quận công Henricô cùng với hoàng đế sang Ý, dẹp quân Rôma đang nổi dậy chống lại Đức Giáo Hoàng.

Chiến thẳng trở về, Henricô vâng lời mẹ thành hôn với trưởng nữ Bá tước Siegfrid xứ Lục Xâm Bảo là cô Cunêgonđa. Mặc dầu không thuộc dòng dõi đế vương, nhưng với đức tính trổi vượt và một duyên sắc kiều diễm, Cunêgonđa thật đã xứng đáng sánh duyên với Henricô để đóng vai: nội tướng Quận công Bavaria và rồi, hoàng hậu của đế quốc La- Đức.

Hoàng đế Ôthôn III băng hà lúc chưa đầy 24 tuổi xuân. Ngài là vị hoàng đế trẻ tuổi, được dân chúng yêu mến, các lãnh chúa thần phục và các Đức Giáo Hoàng Grêgôriô V và Silvestrê II kính nể. Nhưng ngài không có con thừa kế. Vì thế sau hai tháng trống ngôi. Quận công xứ Bavaria được chọn lên ngôi Hoàng đế, kế vị vua Ôthôn, lấy hiệu là Henricô II. Thánh Hoàng đế chịu xức dầu và nhận triều thiên do tay Đức giám mục thành Mayence ngày 10.8.1002. Mấy hôm sau, tại giáo đường thành Paderbonne Hoàng hậu Cunêgonđa cũng được Đức giám mục bản quyền tấn phong và ban triều thiên. Sau đó, hoàng đế bắt đầu cuộc kinh lý các tỉnh và thăm viếng các Quận công, bá tước… với tính tình vui vẻ, bình dân và bác ái, hoàng đế đã được lòng mọi người ngay buổi đầu. Ngài đi đến đâu, dân chúng chen nhau đón rước và hoan hô vang trời; các vương hầu lãnh chúa đều tuyên thệ trung thành.

Tuy nhiên, chúng ta đừng tưởng vội hoàng đế Henricô không có những kẻ thù, những sự việc phải lo nghĩ và chiến đấu! Đế quốc của Ngài rộng lớn nhưng rối loạn, vì nhiều bè phái. Nó gồm tất cả các nước Đức, Bỉ, Thụy sĩ, Áo, Ý và Hòa Lan ngày nay. Ngoài sự suy tàn của đế quốc mỗi ngày một trầm trọng, Ngài còn phải chịu cả những lầm lỗi của hai vị tiên đế, nhất là Hoàng đế Ôthôn III. Trong triều đình, vua lại phải khôn khéo đối phó với những quần thần khác chính kiến mà phần nhiều là người bà con thân thuộc. Vì thế, việc đầu tiên của hoàng đế là lo giải hòa những tranh chấp và hiềm khích tại Đức quốc và Ý. Để lấy lòng dân Đức, Hoàng đế nhường quyền Quận công xứ Bavaria cho một người anh họ, cũng tên là Henricô, gốc người Lục Xâm Bảo. Tình thế ở Đức được tạm yên, Hoàng đế Henricô quay sang Ý. Ở đây, sau khi hoàng đế Ôthôn III từ trần, các lãnh chúa đã tôn Hầu tước miền Ivrées tên là Arduin lên làm vua, cai trị nước Ý độc lập, tách biệt khỏi đế quốc. Bởi thế, khi sang chinh phục đất Ý, hoàng đế Henricô bị quân vua Arduin đón đánh ở ngay biên giới, gần núi Alpes. Nhưng dù chỉ còn một mình với đoàn quân hộ tống, hoàng đế đã đánh tan đối phương, dân chúng thần phục và tưng bừng đón rước nhà vua. Đức tổng giám mục Milanô chủ tọa lễ phong vương cho Hoàng để tại Pavia. Trước khi trở về Đức, hoàng đế không quên đến cầu nguyện tại mồ thánh Ambrôsiô, vị giáo chủ danh tiếng của thành phố Milanô. Tuy nhiên hoàng đế Henricô vẫn chưa được nghỉ ngơi, mà còn phải lo đối phó với Boleslaw, quận công xứ Ba lan, một kẻ thù nguy hại nhất. Ông này đã xưng vương từ khi hoàng đế Henricô lên ngôi, và tuyên bố thiết lập một nước Ba lan tự trị. Nhờ dịp hoàng đế chinh phạt nước Ý. Boleslau kéo quân chiếm miền Bohême đặt thành cứ điểm dụng binh. Nhưng mấy năm sau, Boleslau bị quân nhà vua đánh tan và quận công Jaromia lên quản trị xứ Ba lan.

Có thể nói được rằng: suốt đời, hoàng đế Henricô luôn lo lắng thu hồi trật tự trong toàn đế quốc, nhất là dẹp những phiến loạn ở bắc Ý. Vì thế năm 1014, hoàng đế và cả hoàng hậu lại có dịp sang Ý. Lần này vua và hoàng hậu được Đức Giáo Hoàng Biển Đức VIII đội triều thiên tại đại Giáo đường thánh Phêrô. Hoàng đế lưu lại Rôma một thời gian ngắn, giúp Đức Giáo Hoàng chỉnh đốn công việc Giáo hội. Trên đường về Đức quốc, hoàng đế còn ghé qua Cluny thăm người bạn chí thân là thánh Ôđilônê.

Tất cả những cuộc chinh phạt ấy cũng như công việc trị nước và cải tiến đời sống dân chúng cả về tinh thần lẫn vật chất đã làm cho sinh lực hoàng đế mau sút kém. Ngoài ra nhà vua còn bị bệnh sốt rét kinh niên từ năm 1019. Dầu vậy vua vẫn kiên nhẫn chịu cơn bệnh âm ỷ phá hoại sinh lực cho đến ngày 24.8.1024 thì bị kiệt lực và ngã bệnh nặng. Ngài xin chịu các phép bí tích sau hết rồi êm ái trút hơi thở cuối cùng, thọ 72 tuổi. Xác ngài được mai táng trong nhà thờ chính toà thành Bamberg, thánh đường chính Hoàng đế đã xây cất dâng kính Trinh nữ Maria và Thánh Phêrô. Trên mộ ngài, Chúa đã làm nhiều phép lạ cứu chữa những người bệnh tật và đau yếu. Mười năm năm sau, cũng tại thánh đường này, Hoàng hậu Cunêgonđa được an nghỉ bên mộ hoàng đế! Đức Giáo Hoàng Eugiêniô III đã phong Hoàng đế Henricô lên bậc hiển thánh. Và Đức Giáo Hoàng Innôxentê III lại truyền ghi tên Hoàng hậu Cunêgonđa vào sổ các vị thánh của Giáo hội.

Đời sống và việc làm của hoàng đế Henricô phải chăng có gì minh chứng sự thánh thiện đáng Giáo hội truy phong Ngài lên bậc hiển thánh? Qua những nét phác họa trên đây, chúng ta chỉ thấy Henricô là người ít được may mắn và thành công trên đường chính trị. Tuy nhiên theo tài liệu của những nhà chép thời sự và biên niên sự đương thời, người ta có thể họa lại bức chân dung của Henricô với những nét đạo đức như sau: Hoàng đế Henricô vốn có một lòng mến Chúa sâu xa và nhiệt thành với Giáo hội. Ngay khi còn bé, Ngài đã nhận nơi mẹ nguồn phong phú của lòng yêu mến của tinh thần bác ái và của đức tin sống động. Ngài đã lãnh nhận nơi thân phụ lòng trung thành Giáo hội, với tổ quốc và với nhiệm vụ. Nhà vua đã từ trần trong khi còn đang mơ ước một cuộc cải cách lớn lao hầu đem lại cho bạn trăm năm của Chúa Kitô vẻ huy hoàng rực rỡ và nét mặt tươi sáng, không vương tỳ ố. Nhưng ngay lúc còn sinh thời, nhà vua cũng đã cố gắng thực hiện được một phần nào mục tiêu đó. Mỗi năm vua tới dự một hay nhiều công đồng để sau đó chăm lo cho mọi người triệt để tuân hành giáo luật và quyết định của các Đức Giám mục. Mối tận tâm săn sóc của vua đối với Giáo hội còn được biểu lộ trong việc vua cấp dưỡng cho các giám mục hiệu toà để các ngài có thể sống xứng đáng với chức vụ của mình. Cũng vì yêu Chúa yêu Giáo hội, Hoàng đế Henricô đã kính trọng các Đức Giám mục như tôn sư, đã sống với các vị ẩn sĩ như bạn thân, và yêu mọi người như dân như con cái. Tuy không rao giảng Phúc âm, nhưng đời sống và việc làm của ngài thực đã vun xới, bảo toàn và mở rộng vườn nho của Chúa không ít.

Đối với quần thần, vua Henricô đã treo gương thanh liêm, chính trực, mà ngay đối với hàng giáo sĩ, ngài cũng là một gương mẫu sống động. Giữa lúc đời sống đạo đức của giáo sĩ xuống dốc một cách đáng buồn vì tội buôn bán bổng lộc và đa mang thê thiếp một cách công khai, thì thánh Henricô không những đã giữ đức khiết trinh của bậc vợ chồng mà còn thoả thuận với người yêu để kiêng lánh hoàn toàn những thú vui chính đáng của bậc hôn nhân, và luôn luôn tỏ ra là một người không tham lam cầu lợi.

Những nét nhân đức ấy, những hành động tốt đẹp kia chính là những yếu tố khiến Giáo hội truy phong ngài lên bậc hiển thánh hiển tu; và Thiên Chúa cũng đã chứng nhận việc suy tôn đó bằng ít nhiều phép lạ thực hiện trên mộ ngài.

Tóm lại, nếu vua thánh Henricô chưa hẳn là người có tài thao lược hoàn toàn và làmột nhà chính trị lỗi lạc, thì ít ra nhờ những nhân đức và ý thức chăm lo chu toàn bổn phận của một vị đế vương, ngài cũng xứng đáng là tấm gương muôn đời cho hậu lai tôn kính và bắt chước.

(nguồn: tinmung.net)

Hạnh Các Thánh tháng 7

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s