SÁNG LẬP DÒNG CÁC TU SĨ PHỤC VỤ BỆNH NHÂN
BỔN MẠNG CÁC BỆNH VIỆN VÀ BỆNH NHÂN
Dòng họ Lelli là một dòng họ quí phái ở Napôli. Dòng họ này đã đào tạo cho nước Ý nhiều tướng tá lỗi lạc cũng như nhiều văn sĩ thi sĩ nổi danh. Nhưng cái vinh dự lớn lao hơn cả của dòng họ này là đã cung hiến cho Giáo hội một vị thánh sáng lập dòng các tu sĩ phục vụ bệnh nhân: Thánh Camillô Lelli
Khi sinh hạ thánh nhân, mẹ ngài đã ngoài 60 tuổi. Vì thế, người đương thời tặng cho bà cái danh hiệu: “Thánh Isave”. Trong lúc còn mang thai, bà mơ thấy mình sinh hạ một cậu con trai có thánh giá trên ngực. Ngoài ra bà còn thấy một đoàn trẻ cũng đeo thánh giá và theo sau con mình. Phải chăng sự kiện đó báo trước sau này Camillô sẽ lập một dòng mới?
Thánh Camillô Lelli cất tiếng khóc chào đời ngày 25 tháng 5 năm 1550. mồ côi mẹ từ nhỏ, năm 19 tuổi Camillô cùng với cha trở về Venitia. Nhưng chưa tới nơi thì cha ngài ngã bệnh nặng và qua đời gần Lorettô.
Mất cha rồi, Camillô không còn nghĩ đến chuyện trở về xứ sở nữa. Thánh nhân xung vào quân đội. Khi đi ngang qua tỉnh Fermo, gặp hai thầy dòng thánh Phanxicô, Camillô liền nảy ra ý định muốn đi tu dòng họ Phan. Ngài liên đi gặp người cậu, hiện đang sống trong tu viện, để xin cậu bầu cử cho vào dòng. Để thử lòng cháu, đầu tiên ông cậu từ chối. Không hiểu ý cậu, Camillô buồn rầu ra đi, lòng còn vấn vương với những ý tưởng tu dòng.
Camillô đến Rôma, xin vào chữa chân ở bệnh viện thánh Giacôbê. Sau đó ngài trở về Venitia phục vụ trong quân đội. Trong thời gian ở trong quân ngũ, Camillô gặp liên tiếp nhiều tai nại. Lần kia, khi vượt biển về Napôli, Ngài gặp bão tố dữ dội hòng đắm tàu. Trong lúc nguy ngập, Camillô sực nhờ lời mình đã hứa vào dòng Phanxicô trước đây. Nhưng khi tàu cập bến bình an vô sự, Camillô lại quên bẵng lời đã khấn hứa. Ngài bắt đầu chơi bời phóng túng, tiêu hết tiền lương, phải bán cả áo, rồi lại phải đi ăn xin ở cửa các nhà thờ. May có một lãnh chúa kia đang cần người để xây cất một tu viện. Thấy Camillô khỏe mạnh, ông liền mượn làm những việc lặt vặt trong nhà. Làm được ít lâu, Camillô lại bỏ nhà chủ ra đi lang thang đây đó. Đang đi lang thang trên đường, bỗng một tia sáng chói chiếu vào chính giữa ngực, khiến Camillô nhìn thấy rõ những lỗi lầm quá khứ. Ngài liền quỳ xuống giữa đường khóc lóc than van: “Khốn thân con! Lạy Chúa Trời con, sao con biết Chúa quá muộn thế này? Sao con lại có thể làm ngơ giả điếc trước biết bao lời mời gọi của Chúa? Tội ác con nhiều biết bao? Thà con đừng sinh ra thì hơn! Lạy Chúa, xin tha thứ cho đứa con tội lỗi khốn nạn này, xin Chúa cho nó có đủ thời giờ lo thống hối ăn năn”. Camillô vừa đấm ngực thống hối vừa nói: “Tôi không muốn ở thế gian nữa, tôi sẽ từ bỏ thế gian”.
Từ khi trở lại, Camillô cố gắng sống trung thành với ơn Chúa, không bao giờ dám phạm tội trọng nữa. Thánh nhân vào tu trong một nhà dòng, bắt chước gương các thầy dòng, ăn chay đánh tội rất nhiệm nhặt để đền tội. Ngài vui vẻ hòa mình vào cuộc sống dòng tu như một thầy dòng. Đặc biệt, thánh nhân ưa thích làm những việc hèn hạ nhất như quét nhà, rửa bát.
Ít lâu sau, bề trên tu viện gởi thánh nhân tới tập sự tại tu viện Triventô. Dọc đường, ngài đã được thiên thần bản mệnh cứu thoát khỏi một tai nạn. Số là chiều kia, ngài đi qua một con sông mà không biết là nông hay sâu. Vừa tới sông, thánh nhân nghe có tiếng nói tự trên núi gần đó vọng xuống: “Đừng đi xa hơn nữa! Đừng đi xa hơn nữa! Đừng đi qua sông!”. Nhìn trước nhìn sau không thấy bóng ai hết, thánh nhân định tiếp tục đi, nhưng lại có tiếng can ngăn như trước. Thấy thế, thánh nhân không dám đi nữa. Lúc đó, trời đã sẫm tối, ngài nằm vật dưới một gốc cây và ngủ thiếp đi. Sáng hôm sau, thánh nhân gặp một thầy dòng cùng đi về tu viện Triventô, và được tu sĩ ấy, cho biết khúc sông chỗ đó rất sâu và chảy xiết, nếu lội qua đó thế nào cũng bị chết đuối.
Suốt năm sống trong nhà tập, thánh nhân luôn tỏ ra mình là một tập sinh gương mẫu; ngài ăn chay đánh tội rất nhiệm nhặt. Ngài thường mặc một áo nhặm cọ xát vào da thịt làm lở loét cả thân xác, thuốc thang mấy cũng không chữa khỏi: Ngoài ra thánh nhân còn có lòng khiêm tốn đặc biệt, nên các thầy đã tặng ngài danh hiệu: “Thầy dòng khiêm tốn”.
Đã đến giờ Thiên Chúa tỏ ra thánh ý Người. Lần kia, thánh Camillô đến phục vụ trong một bệnh viện, thánh nhân thấy các người làm trong bệnh viện đều thiếu tinh thần phục vụ, làm việc cẩu thả. Thánh nhân tự nhủ: “Chính ra ở đây phải có những người làm việc không phải vì tiền, nhưng vì lòng yêu Chúa. Đối với bệnh nhân, họ phải là những người mẹ đầy tình thương chứ không phải là những người làm thuê. Nhưng tìm đâu được những người biết hy sinh như thế?”. Để trả lời những câu hỏi đó, thánh nhân nghĩ ngay tới thánh giá và nói: “Nếu những con người lý tưởng ấy đeo thánh giá ở ngực, chắc chắn họ sẽ tìm được ở đó những nguồn nâng đỡ, khích lệ và an ủi”.
Từ đó thánh Camillô bắt đầu đi chiêu mộ các chiến sĩ Chúa Kitô. Đầu tiên thánh nhân chọn năm người. Ngài mua một căn nhà nhỏ, chọn một phòng sạch sẽ nhất làm nhà nguyện để các thầy cầu nguyện suy ngắm, đọc sách thiêng liêng, ăn chay đánh tội. Mầm non mới mọc đã bị ngay những trận bão phũ phàng phá hoại: các nhân viên tại các bệnh viện hùa nhau vu cáo thánh Camillô định lập một tổ chức phá hoại bệnh viện, từ đó tu viện nhỏ bé của thánh nhân bị đóng cửa.
Buồn rầu, thánh nhân ôm tượng chuộc tội khóc nức nở. Đêm đến, ngài nằm mơ thấy Chúa Giêsu chịu nạn hiện đến an ủi: “Con yêu dấu, con đừng sợ, Cha sẽ giúp con và sẽ luôn ở với con”. Được Chúa khích lệ, Camillô lại hăng hái bắt tay vào việc, nhưng công việc của thánh nhân lại bị đả đảo. Ngài buồn rầu đến quỳ trước ảnh chuộc tội cầu nguyện, tự nhiên thấy Chúa giang tay ra ôm lấy thánh nhân và nói: “Con yêu dấu, sao con buồn phiền? Con cứ tiếp tục công việc của con đi, rồi Cha sẽ giúp. Đây không phải là việc riêng tư của con, nhưng là việc của Cha”. Tượng ảnh chuộc tội đó hiện còn giữ tại nhà thờ thánh nữ Mađalêna.
Mùa hạ năm 1584, thánh Camillô được chịu chức linh mục. Sau đó thánh nhân trở về Rôma. Tại đây, ngài bắt đầu lập lại dòng của mình. Đầu tiên Ngài chỉ chiêu mộ được hai đồng chí. Các Ngài sống rất nghèo nàn, nhưng luôn sung sướng vì được chịu khó cho Chúa Giêsu. Ngày ngày các ngài tới làm việc tại bệnh viện Chúa Thánh Thần, yên ủi bệnh nhân, dọn giường chiếu, quét nhà, băng bó vết thương, phân phát thuốc men mà bác sĩ đã cho đơn. Vì lo lắng cho phần hồn các bệnh nhân, các ngài giúp cho họ cầu nguyện chịu các phép bí tích, nhất là giúp họ trong giờ hấp hối.
Dòng thánh nhân mỗi ngày một phát triển mạnh mẽ, số tu sĩ mỗi ngày một đông, đến nỗi không còn chỗ dung nạp nữa. Đức Hồng y Mondovi rất có cảm tình với dòng mới này, nên ngài hứa sẽ xin Đức Giáo Hoàng sớm châu phê luật dòng. Đức Thánh Cha châu phê bộ y phục của dòng gồm có áo dài đen với thánh giá đỏ trước ngực. Từ đó dân chúng thường gọi các thầy dòng là những người mang thánh giá. Sau đó, Đức Giáo Hoàng cũng châu phê luôn cả bộ luật dòng với bốn lời khấn: khó nghèo, thanh tịnh, vâng lời, và phục vụ các bệnh nhân, ngay cả khi có nạn dịch.
Số tu sĩ quá đông, thành thử nhà dòng phải đi vay ăn. Các thầy dòng hết sức lo lắng, nhưng thánh Camillô vẫn bình tĩnh phó thác trong tay Chúa Quan phòng. Thánh nhân thường nói với các thầy: “Anh em thân mến, chúng ta không nên nghi ngờ quyền năng Chúa quan phòng. Trong vòng một tháng nữa, Chúa quan phòng sẽ giúp chúng ta trả hết nợ”.
Việc xảy ra y như Cha tiên đoán. Lần kia các chủ nợ kéo đến nói với thánh nhân: “Thưa Cha, đến bao giờ Cha mới trả hết nợ cho chúng con”. Thánh nhân bình tĩnh trả lời: “Các ông đừng lo, phải chăng Thiên Chúa không đủ quyền năng gửi cho chúng tôi mấy túi bạc để trả nợ cho các ông sao?”. Các chủ nợ mỉm cười nói: “Thưa Cha thời đại phép lạ đã qua rồi”.
Quả nhiên, hôm sau thánh nhân nhận được một món tiền lớn đủ trả hết nợ.
Thánh nhân lo lập chi nhánh dòng ở Pháp, rồi ở Tây Ban Nha. Đâu đâu người ta cũng đều được chứng kiến lòng bác ái bao la như trời bể của ngài. Năm 1690, nạn đói lan tràn khắp nước Ý. Dân chúng ăn thịt loài vật chết với rau sống. Nhà dòng có bao của cải, thánh nhân đều đem phân phát cho dân chúng hết.
Thánh nhân còn tiếp tục đi lập các chi nhánh dòng lần cuối cùng. Khi đi qua quê nhà, ngài nói với các bạn hữu: “Các bạn thân mến, tôi đi về chết ở Rôma đây, chào vĩnh biệt các bạn vì chúng ta sẽ không còn gặp nhau nữa”. Thánh nhân tiên đoán mình sẽ chết vào ngày lễ thánh Bonaventura. Trở về Rôma, thánh Camillô đi viếng mộ thánh Phêrô lần cuối cùng. Tuy nhiên, thánh nhân vẫn tiếp tục vào các bệnh viện săn sóc bệnh nhân.
Mùa hạ năm 1614, thánh nhân ngã bệnh nặng, uống thuốc gì cũng không thuyên giảm. Đêm ngày 14 tháng 7, ngài xin lỗi các thầy dòng đang đứng vây quanh giường, giang hai tay theo hình thánh gía, kêu tên cực trọng Chúa Giêsu và Đức Mẹ, rồi tắt thở êm ái, hưởng thọ 65 tuổi.
Năm 1746, Đức Giáo Hoàng Bênêdictô XIV đã tôn phong thánh nhân lên bậc hiển thánh. Giáo hội mừng lễ kính thánh nhân ngày 14.7.
Kính xin thánh Camillô giúp chúng tôi biết theo gương Ngài bằng cách hy sinh xả kỷ nghiêng mình an ủi, săn sóc những người đau khổ bệnh tật, để xoa dịu một phần nào những đau thương của họ, nhưng đồng thời cũng để sắm cho chúng tôi những công phúc đời sau, vì: phúc cho người có lòng thương xót, vì sẽ được Chúa thương xót vậy.
(nguồn: tinmung.net)
Hạnh Các Thánh tháng 7
- Ngày 03/07. Thánh Tô-ma Tông đồ.
- Ngày 05/07. Thánh An-tôn Ma-ri-a Da-ca-ri-a, (St. Anthony Mary Zacaria) Linh mục
- Ngày 06/07. Thánh Ma-ri-a Gô-rét-ti, Trinh nữ, Tử đạo – Hạnh Tích Các Thánh.
- Ngày 11/07. Thánh Bênêđictô Viện phụ.
- Ngày 12/07. Thánh Gioan Gualbetô, Tu viện trưởng.
- Ngày 13/07. Thánh Henricô II, Hoàng đế Hiên
- Ngày 14/07. Thánh Camillô Lelli, Linh mục.