Chiếc cặp sách kỳ quặc của bé Nguyên Nguyên.

*Thương Huyền tuyển dịch

Nghe tiếng khúc khích, tôi quay người lại nhìn xuống lớp. Bé Nguyên Nguyên cắm cúi viết, giả tảng như không nghe thấy những tiếng cười hướng về phía nó. Đã mấy hôm kể từ ngày khai trường, bọn học sinh trong lớp 1 do tôi phụ trách xúm vào chế nhạo Nguyên Nguyên. Chẳng là trong khi các bạn đứa nào cũng xúng xính với một chiếc cặp da mới tinh, Nguyên Nguyên bỏ mấy cuốn tập vào một chiếc túi vải cũ đã sờn. Nói cho đúng, nó chẳng ra hồn một cái túi có quai xách đàng hoàng mà trông giống cái ống quần cột hai đầu bằng hai sợi dây vải lòng thòng. Vì Nguyên Nguyên là học trò mới nên tôi không rõ về cậu bé này. Tôi đằng hắng để lũ trẻ im lặng. Suốt buổi học, bóng dáng nhẫn nại của Nguyên Nguyên và những tiếng cười chế nhạo của lũ trẻ cứ luẩn quẩn trong đầu tôi.

Mấy hôm sau, trong giờ học vẽ, tôi ra đề tài: Hãy vẽ về người em yêu nhất đời. Tối đó về nhà chấm bài, tôi cứ lưỡng lự mãi trước bức vẽ của Nguyên Nguyên. Thoạt tiên, tôi không hiểu cậu bé vẽ gì. Một chiếc xe lu lăn đường đang thả dốc, hai hình người (nếu tôi không nhầm) nguệch ngoạc, ngay trước mũi xe lăn. Một nằm trên đường, một đứng dạng giơ hai tay. Họ là ai, đang làm gì? Ai trong số ba người này là người Nguyên Nguyên yêu nhất?

Xem đi xem lại, chợt trong đầu tôi nảy ra một ý nghĩ. Trong đời dạy học nhiều năm của mình, tôi chưa bao giờ gặp một bức vẽ tương tự như thế. Điều gì đã khiến một cậu bé lớp 1 vẽ nên những cảnh rùng rợn như vậy? Tôi không nỡ cho điểm bức họa của Nguyên Nguyên. Hết giờ học, tôi đề nghị cậu bé ở lại và gặng hỏi thêm về bức vẽ. Nhưng Nguyên Nguyên chỉ im lặng cúi mặt nhìn xuống đất, mấy ngón tay vân vê gấu áo bông đã cũ. Tôi chỉ biết thở dài cho cậu bé về.

Mấy hôm sau, trong lúc đang đứng chọn mua ít rau ở chợ, tôi bất chợt gặp Nguyên Nguyên. Cậu bé lễ phép khoanh tay cúi đầu chào tôi. Tôi gật đầu mỉm cười chào lại và quay vào tính tiền với bà chủ sạp. Người đàn bà béo tốt vừa móc túi tiền thối tiền cho tôi vừa hỏi:

– Học trò của cô đấy à?

Tôi chưa kịp đáp, bà chủ sạp chép miệng một cái rõ to:

– Tội nghiệp! Mẹ chết, cha què. Cha con nó trôi dạt tới đây.

Bắt gặp ánh mắt ngỡ ngàng của tôi, bà béo được dịp kể tía lia:

– Sáng mới 4 giờ nó đã ra đây kiếm việc. Tụi tôi thương tình kêu nó khuân đồ giùm rồi cho tiền. Trời sáng nó về đi học. Học về lại ra đây làm. Chả bù lũ con tôi, cho ăn no mặc ấm mà chẳng chịu học hành. Đời thế đó cô ơi!

Tôi ra đầu chợ tìm gặp Nguyên Nguyên. Cậu bé đang nói gì đó với một người đàn ông và người này lắc đầu. Nguyên Nguyên tỏ vẻ thất vọng. Đúng lúc đó, một bé gái ở đâu chạy tới bên Nguyên Nguyên. Con bé vừa nói vừa dúi một vật trắng trắng tròn tròn – có lẽ là một chiếc bánh bao – vào tay Nguyên Nguyên. Cậu bé lắc đầu rụt tay lại. Con bé lại nài nỉ và có vẻ như nó muốn khóc. Tôi bước lại gần để xem chuyện gì xảy ra. Thấy tôi, Nguyên Nguyên vụt bỏ chạy. Tôi dỗ dành cô bé…

Ngày hôm sau, trong giờ công dân giáo dục, thay cho bài học theo chương trình định sẵn của sách giáo khoa, tôi kể cho các học trò của mình nghe câu chuyện có thật, xảy ra với một người bạn trong lớp của chúng. Chuyện rằng một người phu làm đường đã lao vào bánh chiếc xe lu đứt thắng tuột dốc để cứu một bé gái. Cô bé được cứu sống nhưng người phu làm đường bị xe cán phải đưa vào nhà thương cưa cả hai chân. Vốn đã góa vợ, nay lại bị tàn tật, miếng ăn trong nhà do con trai ông lo toan, Người cha thương con năm học mới không có tiền mua cặp sách, ông cắt một ống quần dài của mình – nay đã trở nên một vật thừa – và tự may cho con một chiếc cặp…
*
Nguồn: Con lớn nhanh bên cha mỗi ngày – Thương Huyền tuyển dịch

 

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s