*Thương Huyền tuyển dịch
Mẹ qua đời khi tôi chưa đầy 11 tuổi. Chỉ qua một đêm, tuổi thơ của tôi đã biến mất. Vài tháng sau, cha tôi gặp cô Dot ở chỗ làm việc. Họ thường hẹn hò với nhau và một năm sau thì làm lễ cưới. Quá nhanh, phải không? Sự hiện diện của một người phụ nữ lạ trong nhà khuấy động những kỷ niệm về người mẹ quá cố mà tôi cố giữ kín trong tâm. Những lúc ngồi buồn một mình, tôi thường bật máy nghe bài hát “Con sẽ không bao giờ phải đơn độc bước đi trong đời” và nghĩ rằng đó chính là những lời mẹ tôi nói với tôi từ thế giới bên kia. Rồi tôi bật khóc tức tưởi: Làm sao mẹ tôi có thể đi bên tôi trong phần đời còn lại của tôi?
Một ngày nọ, trong bữa ăn tối, bất chợt cha tôi hỏi cô Dot:
– Em có muốn lũ trẻ kêu em bằng mẹ không?
Một phút im lặng. Tôi gằm mặt nhìn xuống đĩa xúp, chờ đợi. Tự đâu đó sâu thẳm tận đáy lòng, tôi muốn cô trả lời: Có. Qua phút bối rối, tôi nghe tiếng cô đáp hơi run run:
– Em… em nghĩ chưa tới lúc. Có lẽ sẽ là không phải nếu…
Câu nói khiến tôi choáng váng còn hơn bị một cú đấm thẳng vào mặt. Câu “Giọt máu đào hơn ao nước lã” của bà tôi chẳng sai. Câu trả lời của bà mẹ kế cho tôi hiểu rằng đối với bà ta, tôi chỉ là gánh nặng đeo trên cổ cha tôi mà bà ta buộc phải chấp nhận. Cho dù bà ta vẫn gọi tôi “con gái của mẹ” nhưng tôỉ vẫn không phải là con như một đưa con do bà ấy sinh ra.
Vì tôi bị coi là “nước lã” nên tôi lảng tránh. Tuy nhiên, vì không muốn cha tôi buồn nên tôi cố giữ im lặng trong nhà. Ngược lại cô Dot cũng chẳng khi nào nặng lời với tôi. Tôi thường xuyên ra mộ mẹ để thầm nói chuyện. Bất cứ lúc nào ra mộ, tôi cũng thấy một bó hoa tươi đặt trên tấm bia cẩm thạch trắng. Không nghi ngờ gì nữa, chỉ có cha tôi chứ ai vào đây nữa? Tình cảm con trẻ đã khiến tôi mờ mắt mà không nhận ra rằng những bó hoa vẫn xuất hiện ngay cả khi cha tôi rời thành phố đi làm xa cả tháng trời.
Thế rồi một lần nhân ngày chủ nhật về thăm bà ngoại, tôi tình cờ nghe cô Dot phân bua với dì Annie:
– Em có nói với anh James rồi. Bắt lũ trẻ gọi em là mẹ là không hay. Iren mãi mãi là mẹ của chúng. Thế mới đúng.
Thảo nào cô Dot không chịu để chúng tôi gọi cô ấy là mẹ – tôi thầm nghĩ. Tôi chợt phân vân: Biết tin ai đây? Lời trần tình của cô Dot hay bà ngoại?
Năm tháng trôi qua, tôi có chồng. Cô Dot gọi Lee chồng tôi bằng “con trai của mẹ”. Cô đỡ đầu cho cả ba đứa con của tôi. Cô đã thức trắng suốt đêm bên cạnh Angie – đứa con 11 tuổi của tôi – khi nó bị tai nạn trong lúc vợ chồng tôi đi công tác xa, cha tôi nằm liệt. Trái tim cô đã tan nát cùng với tôi khi Angie qua đời. Nghị lực của cô Dot đã giúp tôi vượt qua ý nghĩ muốn chết.
Năm 1994, tôi đón nhận tin cha qua đời mà cảm thấy đất dưới chân sụp xuống. Thế là hết! Tôi lưỡng lự không muốn bước vào ngôi nhà cũ. Bây giờ nó đâu còn là nhà cha tôi. Lẽ nào giờ đây tôi không còn gia đình nữa? Gia đình tôi? Lee thì không phải bàn tới, còn cô Dot? Cô ấy vẫn yêu thương tôi nhưng câu nói của bà cứ lẩn quất trong trí tôi.
Cô Dot bước ra thềm đón tôi.
– Bây giờ cha con đã toại nguyện. Ông ấy đã gặp lại mẹ con. – Cô ngậm ngùi nói.
– Vâng cha con luôn yêu mẹ con. Suốt ngần ấy năm ngày nào cha cũng đặt hoa lên mộ mẹ. – Tôi đáp.
– Con nghĩ thế ư? – Bà mỉm cười nhẫn nhục một cách khó hiểu và đưa ánh mắt nhìn ra cửa sổ.
Bất chợt một tia chớp lóe lên trong đầu tôi: Những ngày cha tôi đã mất, nhưng bó hoa trên mộ mẹ tôi vẫn còn.
– Mẹ phải không, mẹ? – Tôi khẽ thốt lên. Lần đầu tiên, tôi gọi cô Dot bằng mẹ.
*
Nguồn: Con lớn nhanh bên cha mỗi ngày – Thương Huyền tuyển dịch