Lời giới thiệu của nhà xuất bản Loyola Press
Là tác phẩm cuối cùng của Cha Tony de Mello được xuất bản sau khi ngài qua đời. Một Phút Tầm Phào được giới thiệu trước hết ở Ấn Độ dưới hình thức một quyển duy nhất. Ban Tu Thư Đại Học Loyola chúng tôi quyết định chia quyểnsách thành hai tập:
_Một Phút Tầm Phào, là quyển sách đang nằm trên tay bạn.
_Thêm Một Phút Tầm Phào, sẽ được xuất bản nay mai.Đấy một phần bởi vì chúng tôi muốn kéo dài ngần nào có thể lời từ biệt của mình với Cha Tony de Mello, một con người – bằng tinh thần và bằng các câu chuyện hàm súc của ngài – đã đóng góp rất nhiều vào suy tư linh đạo hôm nay.
Cha X. Diaz del Rio, S.J., giám đốc nhà GujaratSahiya Prakash (nhà xuất bản đã giới thiệu Một Phút Tầm Phào lần đầu tiên vào năm 1992), đã có một cống hiến đầy ý nghĩa cho các độc giả và tất cả những ai yêu mến Cha deMello khi ghi lại những giòng chia sẻ sau đây, giúp chúng ta cùng sống lại những ngày cuối cùng với bậc thầy kiệt xuấtnày:
Xin giới thiệu với quí bạn đọc tác phẩm cuối cùng của Cha Tony de Mello : Một Phút Tầm Phào.
Thực ra, quyển này đã được ngài viết sau quyển một Phút Khôn Ngoan (One Minute Of Wisdom) và trước quyển Lời Cầu Nguyện Của Con Ễnh Ương (The Prayer Of TheFrog).
Ngài đã gửi bản thảo cho nhà xuất bản kèm theo căn dặn rằng hãy cho in sớm. Bản thảo ấy hoàn toàn giống với quyển sách đang nằm trên tay bạn đây: Các câu chuyện không có tựa đề, cũng không có một bảng mục lục. Bản văn được đánh máy, ngoại trừ lời chú dẫn vắn gọn cho câu chuyện đầu tiên thì được tác giả viết tay. Cuối năm 1986, khi sắp sửa bắt tay vào công việc chế bản thì chúng tôi nhậnđược thư của Cha de Mello: “Tôi đang viết một quyển khác, tựa đề là Lời Cầu Nguyện Của Con Ễnh Ương, và quyển này cần phải được giới thiệu trước quyển Một Phút Tầm Phào; vậy xin vui lòng gửi trả bản ấy lại cho tôi”
Những tháng đầu năm 1987, Cha Tony miệt mài viết quyển Lời cầu Nguyện… Ngài muốn kịp trao bản thảo cho nhà xuất bản trước khi lên đường đi New York vào cuối tháng năm. Hôm 30 tháng 5, tôi gặp ngài ở Bombay. Tôi đã thảo luận với ngài trong khoảng hai tiếng đồng hồ về việc phát hành quyển sách. Thảo luận xong, tôi lại nhắc đến bản thảo quyển Một Phút Tầm Phào. Cha Tony cho biết rằng bản thảo đã sẵn sàng và sẽ được gửi cho tôi ngay sau khi Cha trở về từ Mỹ. Ngài còn cho biết sau đó ngài sẽ viết một quyển sách suy niệm.
6 giờ chiều, tôi chào từ biệt ngài và đáp chuyến tàu trở về Gujarat. Hai giờ sau, Cha Tony ra phi trường một mình.
Và Cha đã chết, tại Đại Học Fordham vào buổi tối hôm đầu tiên Cha có mặt ở New York. Đó là ngày 1 tháng 6 năm 1987. Cha đã không bao giờ có thể ngờ rằng chuyến trở về của Cha xảy ra sớm đến thế. Sáng ngày 13/06, thi hài của Cha Tony về tới Ấn Độ và được an táng ngay trong buổi chiều tại nghĩa trang nhà thờ St. Peter ở Bandra, nơi Cha đã lãnh nhận Phép Rửa.
Bản thảo Một Phút Tầm Phào được tìm thấy trong trong mớ sách vở Cha Tony để lại. Các câu chuyện vẫn không có tựa đề và cũng không có một bảng mục lục. “Bản thảo đã sẵn sàng”. Cha Tony từng nói thế. Vậy Cha có ý định bổ sung các tựa đề và phần mục lục vào hay không? Chúng ta chẳng thể nào biết được; song có lẽ là không, bởi chính ngài nói nó “đã sẵn sàng”!
Vì thế, chúng tôi xin giới thiệu với bạn đọc tác phẩm cuối cùng của Cha de Mello. Một Phút Tầm Phào, quyển sách mà ngài muốn xuất bản sau quyển Lời Cầu Nguyện Của Con Ễnh Ương. Chúng tôi muốn giới thiệu tác phẩm này đúng như tình trạng của bản thảo mà tác giả để lại không có tựa đề cho các câu chuyện, không có mục lục; chỉ toàn các câu chuyện mà thôi, hết chuyện này đến chuyện khác, theo đúng thứ tự mà tác giả sắp xếp.
Chúng tôi chân thành ghi ân Cha del Rio, không chỉ vì ngài đã tiên phong xuất bản nhiều tác phẩm của Cha deMello, nhưng còn vì những giòng tường thuật trên đây của ngài. Anthony de Mello không chỉ là một cây viết tên tuổi. Cha còn là một con người đã khơi lên bao mối thân tình và bao giòng nước mắt ngỡ ngàng tiếc nuối khi Chúa gọi Cha về quá đỗi bất ngờ.
Rev. Joseph F. De…v, S.J.
Giám Đốc Biên Tập
Ban Tu Thư Đại Học Loyola
***
“Ông ta chỉ nói tầm phào” – khách bình phẩm sau khi nghe Thầy nói.
Một đệ tử đáp: “Cả anh nữa, anh cũng phải nói tầm phào, nếu như anh muốn diễn tả điều không thể diễn tả được.”
Khách ngẩn ngơ không hiểu, đem chuyện này hỏi lại trực tiếp với Thầy. Thầy trả lời: “Ai cũng nói tầm phào thế thôi. Có điều là người ta nói tầm phào một cách quá trịnh trọng.”
Ông Thầy trong các câu chuyện này không phải làmột người duy nhất. Đó là một guru Ấn Độ, một thiền sư của Thiền Tông, một đạo sư Lão giáo, một rabbi Do Thái, một đan sĩ Kitô giáo, một nhà thần bí Hồi giáo. Đó là LãoTử hay Socrates, Đức Phật hay Đức Giêsu, Zarathustrahay Mohammed. Giáo huấn của Thầy được tìm thấy ở thế kỷ 7 trước công nguyên hay thế kỷ 12 sau công nguyên. Sự minh trí của Thầy thuộc Đông phương lẫn Tây phương. Căn cước con người lịch sử của Thầy, nói cho cùng, có thực là điều quan trọng không nhỉ? Lịch sử, đó chỉ là sự ghi lại những sắc tướng bên ngoài chứ không phải Thực Tại. Lịch sử chỉ ghi lại những thuyết lý này nọ chứ khôngphải sự Thinh Lặng.
Bạn mất chỉ một phút thôi để đọc mỗi mẩu chuyện sau đây. Rất có thể bạn sẽ nhận thấy rằng ngôn ngữ của Thầy sao thật báng bổ, kỳ cục, hay thậm chí quá lẩn thẩn. Mà này, bạn đừng quên đây là một quyển sách khó đọc. Nó được viết ra không nhằm để chỉ bảo nhưng là để đánh thức. Giấu ẩn trong những trang sách này (không phải trong các chữ in, cũng không phải trong các chuyện kể, mà là trong cái thần, cái thái, cái khí của nó) là một Minh Triết vốn không thể được chuyên chở bởi ngôn ngữ con người. Biết đâu khi đọc qua mỗi trang sách này và vật lộn với thứ ngôn ngữ kỳ bí của Thầy, bạn sẽ bất chợt bắt gặp Lẽ Khôn Ngoan Thinh Lặng bàng bạc trong quyển sách, và bạn sẽ được đánh thức, được biến đổi. Minh Triết là gì? Nó có nghĩa là bạn được thay đổi mà không có tí mảy may cố sức nào. Thực vậy, bạn được thay đổi duy chỉ qua việc ý thức Thực Tại – một Thực Tại vốn không phải là những ngôn từ và nằm ngoài tầm với của những ngôn từ.
Nếu bạn may mắn được đánh thức như thế, bạn sẽ hiểu tại sao ngôn ngữ kỳ diệu nhất là ngôn ngữ không được nói lên, hành động kỳ diệu nhất là hành động không được làm ra, và sự thay đổi kỳ diệu nhất là sự thay đổi không được khao khát.
CẢNH BÁO: Hãy đọc các câu chuyện này với liều lượng nhỏ thôi, mỗi lần đọc một hay hai chuyện. Sử dụng quá liều, bạn sẽ làm giảm công hiệu của chúng đấy!
***
Nguồn: Một phút tầm phào – Anthony De Mello
1. Một phút tầm phào (01 – 10)
2. Một phút tầm phào (11 – 20)