Dịu dàng sắc Xuân xứ Huế.

Mùa xuân là thời khắc giao mùa, khi cái lạnh mùa đông tan dần nhường chỗ cho nắng ấm tỏa sáng khắp nơi. Trên cố đô bình yên ấy, dường như có một sức sống mới đang bao trùm lên những đền đài cổ kính nhưng vẫn phảng phất nét e lệ, thâm trầm.

Dẫu trải qua bao thăng trầm, người Huế vẫn giữ nét đẹp truyền thống bên cạnh việc đón nhận những phong tục mới. Tất cả hòa quyện nên một cái Tết cố đô rất riêng mà không nơi nào có được. Huế vốn là nơi lễ nghi, vì vậy ngày Tết các phong tục cũng khá cầu kỳ. Ngoài lễ cúng ông Công ông Táo, còn có cúng tất niên, cúng tổ nghề, cúng rước ông bà về ăn Tết, cúng giao thừa, cúng ông bà ba ngày Tết, cúng đầu năm, cúng sao, cúng rằm Nguyên tiêu…
Tết còn là dịp để các bà, các chị trổ tài chế biến cho gia đình những món ngon. Tết Huế có hàng trăm món ăn, mặn ngọt khác nhau, nhưng có lẽ nét đặc biệt nhất chính là những cỗ chay. Ngày nay, mặc dù hàng hóa chế biến sẵn ở siêu thị nhưng phụ nữ Huế vẫn còn giữ thói quen làm những món ăn ngày Tết. Người Huế dù có đi đâu, vẫn luôn muốn tìm về gia đình quây quần bên mâm cơm, đắm chìm trong không gian thành kính cùng với mùi nhang trầm.
Tết đã mang một sức sống rộn ràng hơn bao giờ hết, khi từ 23 tháng Chạp, hoa bắt đầu hiện diện khắp nơi, nhiều nhất là bờ Bắc sông Hương, công viên Nghinh Lương Đình… Nào hoa huệ Nguyệt Biều, hoa cúc Bãi Dâu, thược dược Phú Thượng, hoa mai Dương Xuân…tất cả tạo nên một không gian hoa rất riêng. Người lớn tuổi đi chợ hoa để ngắm nghía, mua những loài hoa gắn liền với kỷ niệm về nhà chưng Tết. Người trẻ dạo chơi cùng bạn bè, ghi lại những khung hình đẹp của mùa xuân.

Nơi ấy có khoảng trời xanh trong vắt, nắng vàng nhè nhẹ và những con đường rợp bóng mát đón bước chân khách phương xa. Những con đường nho nhỏ thấp thoáng bóng dáng bác đạp xích lô tranh thủ chợp mắt trong khi chờ khách tham quan, đôi bạn trẻ chở nhau trên xe đạp đến trường hay bé con ríu rít nắm tay cha mẹ qua đường… Ta chợt thấyHuế thương dịu dàng và bình yên quá đỗi!
Giữa dòng cảm xúc miên man ấy, hãy cùng lên đường tận hưởng xứ Huế mộng mơ. Những lăng tẩm, đền đài và nhà vườn vài trăm năm tuổi được bảo tồn nguyên vẹn, là chốn đi về của những tâm hồn hoài cổ, muốm tìm lại một kinh kỳ vàng son trong quá khứ.  Quần thể di tích bao gồm Kinh Thành, Hoàng Thành và Tử Cấm Thành… sơn son thiếp vàng lộng lấy chính là công trình tiêu biểu nhất của thời phong kiến ai cũng trầm trồ thán phục.

Kề bên là sông Hương, núi Ngự – những danh thắng nổi tiếng mà bất cứ khách thập phương nào cũng không muốn bỏ lỡ. Dòng Hương Giang nước trong vắt, phẳng lặng như tờ. Về đêm, dòng sông còn huyền hoặc hơn bởi muôn ánh hoa đăng bồng bềnh trên mặt nước. Núi Ngự Bình nằm cách bờ Nam sông Hương khoảng 3km, hình cánh cung với phần lưng uốn nhẹ. Dọc từ chân núi lên đến đỉnh là hàng thông reo vi vu bốn mùa. Đi xa hơn chút nữa, hãy ghé thăm “người đẹp” Lăng Cô – làng chài thanh bình ẩn mình dưới chân đèo bắc Hải Vân. Nơi đây có bãi cát thoai thoải dài tới 10km, làn nước trong xanh, được bình chọn trong top 27 vịnh biển đẹp nhất hành tinh.
Huế thương có rất nhiều địa danh khác, mà khi đến rồi, ta chẳng thể lướt qua hờ hững được. Đơn giản vì nó không chỉ là nét đẹp kiến trúc một thời mà còn ẩn chứa những câu chuyện lịch sử quý báu. Huế trong trái tim của lữ khách luôn dịu dàng và tinh khôi như thế. Còn chờ chi nữa? Hãy xách balo lên đường để cảm nhận đủ đầy vẻ đẹp của cố đô nên thơ khi mùa xuân đang về.
.
(theo: vietravel.com)

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s