19/03. Trung thành sống lời cam kết.

Thứ Hai Tuần V Mùa Chay – Mt 1,16-18.21-24
Thánh Giuse, Bạn Trăm Năm Đức Maria

Khi tỉnh giấc, ông Giu-se làm như sứ thần dạy và đón vợ về nhà.” (Mt 1,24)

Suy niệm: Con người vĩ đại không bởi thề hứa nhiều, nhưng ở việc trung thành thực hiện lời đã hứa. Thánh Giu-se là vị thánh vĩ đại, thánh “cả,” vì ngài trung thành với lời hứa với vị hôn thê của mình là Đức Ma-ri-a, và sâu xa hơn, vì đã trung tín với lời cam kết kéo dài suốt cả cuộc đời để “làm như lời sứ thần dạy”. Quả thật, đứng trước thử thách to lớn là sự kiện Đức Ma-ri-a thụ thai – mà thánh Giu-se không hay biết là bởi phép Chúa Thánh Thần, – thay vì làm ầm ĩ như bao người, thánh nhân đã hành xử như một người công chính, khi “định tâm lìa bỏ bà cách kín đáo”. Sự “lìa bỏ” không phải là trốn chạy mà là tôn trọng và tin tưởng sự công chính của người bạn đời cũng tôn trọng và nhẫn nại chờ đợi thánh ý Chúa tỏ hiện. Đón Mẹ Maria về nhà là trung thành với lời cam kết, là vui lòng làm theo thánh ý Chúa, là lãnh nhận, nuôi dưỡng và bảo vệ Chúa Giê-su. Việc đó đòi hỏi thánh Giu-se triệt tiêu những sở thích cá nhân để chỉ tùng phục ý Thiên Chúa. Sự trung thành đó là điều làm cho thánh cả Giu-se thực sự là cao cả. Vì thế, Ngài trở nên gương mẫu cho mọi tín hữu. Tiếp tục đọc

Advertisement

18/03. Để sinh nhiều hoa trái.

Chúa Nhật Tuần V Mùa Chay B – Ga 12,20-33

“Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác.” (Ga 12,24)

Suy niệm: Hình ảnh hạt lúa rất gần gũi với chúng ta. Hôm nay, Đức Giê-su mượn hình ảnh này diễn tả một lối sống hoàn hảo trong Ki-tô giáo. Hạt lúa phải thối đi, hư nát đi, bấy giờ nó mới có thể nẩy mầm và sinh nhiều bông hạt, vì trong nó có mầm của sự sống. Cũng thế, Ki-tô hữu phải chấp nhận thánh giá hằng ngày, chấp nhận mọi sự miễn sao Đức Ki-tô được rao giảng, bấy giờ Tin Mừng mới được vang xa và có cơ hội nẩy mầm trong lòng người. Thế nhưng, ta đang sống trong một thế giới hưởng thụ, dễ có mấy ai dám hy sinh chấp nhận để sống như hạt lúa! Lời Chúa ta đọc, thập giá Chúa hằng ngày ta tuyên xưng luôn nhắc ta đón nhận thánh giá và sống cho Đấng đã chết và sống lại vì chúng ta. Đó là chân lý sống và là một đòi hỏi không ngừng. Tiếp tục đọc

17/03. Dám tuyên xưng niềm tin.

Thứ Bảy Tuần IV Mùa Chay – Ga 7,40-53
Thánh Pa-tri-xi-ô, Giám mục

Các vệ binh trở về nói với các thượng tế: “Xưa nay chưa hề có ai nói năng như người ấy.” Người Pha-ri-sêu liền nói với chúng: “Các các anh nữa, các anh cũng bị mê hoặc rồi sao?…” (Ga 7,46-48)

Suy niệm: Chính vì tin nhận Chúa Giê-su mà các vệ binh bị làm khó dễ: “Cả các anh nữa, các anh cũng bị mê hoặc rồi sao?” Ngay cả ông Ni-cô-đê-mô, một thành viên vị vọng trong thượng hội đồng Do thái cũng bị dè bỉu chỉ vì ông dám bênh vực Đức Ki-tô: “Cả ông nữa, ông cũng là người Ga-li-lê sao?” Thế đó, tin theo Chúa Giê-su không phải là chấp nhận một giải pháp dễ dàng. Bởi vì tin Chúa nghĩa là dám tuyên bố nhận Ngài là Chúa của mình cho dù người đời có cho Ngài là gì đi nữa. Tin theo Ngài là phải hy sinh mọi quan điểm, mọi quyền lợi riêng, là chấp nhận bị ngược đãi, bị loại bỏ, bị kết án… Tin theo Ngài là chấp nhận vác thập giá mỗi ngày mà theo Ngài. Tiếp tục đọc

16/03. Thân thế Chúa Kitô.

Thứ Sáu Tuần IV Mùa Chay – Ga 7,1-2.10.25-30

“Tôi đâu có tự mình mà đến. Đấng đã sai tôi là Đấng chân thật. Các ông, các ông không biết Người. Phần tôi, tôi biết Người, bởi vì tôi từ nơi Người mà đến, và chính Người đã sai tôi.” (Ga 7,28-29)

Suy niệm: Người ta thường than phiền mình đã không được chọn lựa để sinh ra. Nếu được chọn lựa để sinh ra một lần nữa, có lẽ đa số chúng ta sẽ chọn cho mình một cuộc sống khác tốt đẹp hơn. Nhưng Chúa Giê-su cũng đâu có tự chọn cho mình một cuộc sống. Chính Chúa Cha đã sai Ngài đến trần gian sống cuộc sống nghèo. Ngài chịu chết khổ nhục trên thập giá để cứu độ nhân loại cũng là làm theo ý Chúa Cha. Chúa Ki-tô tỏ rõ thân thế của Ngài là Con Yêu Dấu của Chúa khi Ngài luôn chăm chỉ làm theo ý muốn của Cha Ngài. Tiếp tục đọc

14/03. Bí quyết trường sinh bất tử.

Thứ Tư Tuần IV Mùa Chay – Ga 5,17-30

“Ai làm điều lành, thì sẽ sống lại để được sống; ai làm điều dữ, thì sẽ sống lại để bị kết án.” (Ga 5,29)

Suy niệm: Hầu như mọi người ai cũng chung một tâm trạng tham sống sợ chết. Những con người càng cao quyền lực, giàu của cải lại càng ham muốn tìm kiếm tiên dược để được trường sinh bất tử. Điển hình là Tần Thủy Hoàng với binh hùng tướng mạnh, tài lực dồi dào, đã trăm phương nghìn kế tìm thuốc trường sinh. Thế nhưng, thuốc tiên chưa thấy, Tần vương đã chết trẻ khi mới 49 tuổi, mà nguyên nhân là, theo các nhà nghiên cứu, vì chất thuỷ ngân pha trong các món thuốc trường sinh mà các ngự y đã cho nhà vua uống. Chúa Giê-su cho biết không ai qua khỏi quy luật “sinh ký tử quy”. Ngài dạy chúng ta bí quyết đạt tới sự sống vĩnh cửu đó, đó là: làm điều lành ở đời này, để sống lại và được sống, còn ai làm điều ác, cũng sẽ sống lại nhưng để chịu trừng phạt muôn đời. Tiếp tục đọc

13/03. Chúa thương xót mãi.

Thứ Ba Tuần IV Mùa Chay – Ga 5,1-3.5-16

“Anh có muốn khỏi bệnh không?” (Ga 5,6)

Suy niệm: Năm thánh kính lòng Chúa thương xót đã kết thúc, nhưng việc Chúa thi thố lòng thương xót không bị lệ thuộc vào thời gian và không gian. Vấn đề là con người nhận được lòng thương xót của Chúa hay không, điều đó còn tùy thuộc vào ý muốn tự do của họ. Chúa Giê-su hỏi người bị bệnh đau ốm đã 38 năm về ý muốn đó: “Anh có muốn khỏi bệnh không?”Cho dù anh ta chỉ gián tiếp bày tỏ ước muốn đó khi nói lên sự bất lực và cô đơn của mình:“không có ai đem tôi xuống hồ”, thì chỉ bấy nhiêu cũng đủ để Chúa thực thi lòng thương xót của Ngài đối với anh. Anh cần một người giúp đỡ anh nhưng chẳng có ai. Người giúp anh không ai khác hơn là chính Đức Giê-su, Đấng giàu lòng thương xót. Tiếp tục đọc

12/03. Tin vào lời Đức Giêsu.

Thứ Hai Tuần IV Mùa Chay – Ga 4,43-54

Ông hỏi họ con ông đã bắt đầu khá hơn vào giờ nào. Họ đáp: “Hôm qua, vào lúc một giờ trưa, cậu hết sốt.” Người cha nhận ra rằng: đó chính là lúc Chúa Giê-su nói: Con ông sẽ sống; nên ông và cả nhà đều tin. (Ga 4,43-54)

Suy niệm: Niềm tin của viên sĩ quan còn nhiều khiếm khuyết. Ông hoàn toàn chỉ vì lý do thực dụng, vị kỷ: xin Chúa xuống chữa con ông vì nó sắp chết. Có lẽ ông chỉ là người “hữu sự vái tứ phương”, nghe nói Chúa Giê-su có tài chữa bệnh nên đến xin cầu may. Thế nhưng khi ông tin thì lòng tin của ông thật mạnh. Ông đã tin ngay khi ông làm theo lời Chúa: “Ông cứ về đi, con ông sống đó.” Ông tin con ông sống là do lời Chúa nói. Sự trùng khớp giữa giờ Chúa nói và giờ con ông khỏi bệnh chỉ được kiểm chứng, đối chiếu sau khi ông đã tin rồi. Bằng chứng thật nhỏ bé mong manh, nhưng niềm tin của ông thật lớn lao mạnh mẽ: ông đã tin và lập tức ông trở thành tông đồ cho chính gia đình mình: “Ông và cả nhà ông đều tin Ngài”. Tiếp tục đọc

11/03. Ánh sáng đẩy lùi bóng tối.

Chúa Nhật Tuần IV Mùa Chay B – Ga 3,14-21

“Ánh sáng đã đến thế gian, nhưng người ta đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng, vì các việc họ làm đều xấu xa… Những kẻ sống theo sự thật thì đến cùng ánh sáng.” (Ga 3,19-21)

Suy niệm: Ánh sáng và bóng tối không bao giờ song hành hay thỏa hiệp với nhau. Có ánh sáng thì bóng tối bị đẩy lui; khi ánh sáng vụt tắt thì bóng tối xuất hiện. Theo Thánh Kinh, bóng tối là nơi quyền lực sự dữ tung hoành, nơi người ta phạm tội. Khi mô tả Giu-đa đang âm mưu bán Chúa, Thánh Kinh nói rằng ông đã ra khỏi phòng và lao vào trong đêm tối. Để phạm tội, người ta cần bóng tối che đậy và đồng lõa. Có những người thích bóng tối, “vì các việc họ làm đều xấu xa.” Ngược lại, những người muốn sống thánh thiện, họ thích đến cùng ánh sáng. Ánh sáng này là ánh sáng phát xuất từ Đấng đã giới thiệu “Ta là ánh sáng thế gian”(Ga 8,12). Ánh sáng vật lý không thể chiếu xuyên tâm hồn con người, còn ánh sáng Chúa Ki-tô có khả năng xuyên thấu: xuyên thấu tâm hồn Phê-rô, giúp ông thống hối trở lại với Chúa; ánh sáng đó có khả năng biến đổi: làm cho Sao-lê, từ một người hung hăng bắt đạo trở nên vị tông đồ trung thành của Chúa Giê-su và nhiệt thành trong công cuộc truyền giáo. Tiếp tục đọc

10/03. Hạ mình xuống để vươn lên.

Thứ Bảy Tuần III Mùa Chay – Lc 18,9-14

“Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình sẽ được tôn lên.” (Lc 18,14)

Suy niệm: Sau Đệ Nhị Thế Chiến, nước Nhật điêu tàn, kinh tế kiệt quệ, tài lực vật lực khánh kiệt. Người ta tự hỏi, do đâu mà nước Nhật được phồn thịnh như hôm nay. Một trong những lý do chính, đó là người Nhật dám nhìn nhận và nói với nhau về thảm trạng của đất nước mình. Mối nhục do thua kém bè bạn đã kích thích lòng yêu nước của người Nhật và giúp họ vươn lên. Tương tự, việc nhìn nhận thực trạng tâm hồn của mình rất quan trọng trong đời sống thiêng liêng và mùa Chay là cơ hội tốt để chúng ta làm việc đó. Để nhìn nhận và hoán cải tâm hồn, Chúa Giê-su khuyên nhủ chúng ta tạo mối liên kết với Thiên Chúa qua việc ăn chay kín đáo, mở rộng tâm hồn đón nhận sự công chính bên trong. Chính Thiên Chúa, Đấng tác động âm thầm, sẽ đổi mới tâm hồn tín hữu và làm cho nó vươn cao. Tiếp tục đọc

09/03. Mến Chúa yêu người.

Thứ Sáu Tuần III Mùa Chay – Mc 12,28b-34

“Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực, và yêu người thân cận như chính mình, là điều quý hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ.” (Mc 12,33)

Suy niệm: Thiên Chúa là Tình Yêu (1Ga 4,8) ai ở trong tình yêu thì ở trong Thiên Chúa nhưng để “yêu mến Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực và yêu người thân cận như chính mình” thì không phải là điều dễ dàng. Một mặt, ông kinh sư công nhận Chúa Giê-su nói rất đúng, rất hay, mặt khác, chính Chúa cũng nhìn nhận ông phát biểu thật khôn ngoan nhưng Ngài cho biết dù ông đã rất gần với Nước Thiên Chúa, ông vẫn cần một bước nữa để đạt tới chốn hạnh phúc ấy. Quả thật, những hiểu biết của ông mới chỉ ở trên bình diện kiến thức lý thuyết. Điều quan trọng không thể thiếu là thực hành sống mến Chúa yêu người như Chúa truyền dạy, lúc ấy mới thực sự là người ở trong tình yêu và ở trong Thiên Chúa. Tiếp tục đọc

27/02. Tất cả cho Chúa và vì Chúa.

Thứ Ba Tuần II Mùa Chay – Mt 23,1-12

“Đừng để ai dưới đất gọi mình là thầy… là cha… là người chỉ đạo…” (Mt 23,8-10)

Suy niệm: Trong bài Tin Mừng này, ta nhận thấy có đến bốn chữ “đừng” được Chúa Giê-su sử dụng. Ngài muốn nhấn mạnh điều gì qua các chữ “đừng” ấy? Thưa, Ngài muốn thanh luyện động cơ việc phục vụ của người môn đệ. Vì nếu không được nhắc nhở, nhiều người sẽ mắc phải bệnh thích kể công, nhất là với các nhà lãnh đạo, người phụ trách trong Giáo hội. Một khi kể công trước mặt người đời, ta sẽ không còn công trạng gì trước Thiên Chúa. Nói cách khác, dù có được gọi là thầy, là cha, là người chỉ đạo, người ấy phải có thái độ khiêm nhường trong công việc phục vụ của mình. Khi ấy họ sẽ vừa xứng với danh, vừa hợp với phận của mình, vừa đáng được Chúa thưởng công. Chúa Giê-su dạy ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống, và ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên. Ngài đúng là Chúa, là Thầy, thế mà, với cái chậu và cái khăn Ngài quỳ xuống rửa chân cho môn đệ. Ngài là mẫu gương tuyệt hảo của Đấng “đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ” (Mt 20,28). Tiếp tục đọc

26/02. Chúa Cha là Đấng nhân từ.

Thứ Hai Tuần II Mùa Chay – Lc 6,36-38

“Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ.” (Lc 6,36)

Suy niệm: Nhiều Ki-tô hữu có thể nghĩ đơn giản rằng mọi sự sẽ ổn cho thế giới này nếu mọi người đều tin có Chúa. Thực ra, việc tin có Chúa cũng chưa hẳn là đã ổn. Nghĩ về Chúa như một ông cảnh sát hà khắc hay một quan toà hẹp lượng, hay một ông chủ tham lam bủn xỉn luôn so đo tính toán từng li từng tí… thì đó là đang theo một thứ đạo ‘khủng bố’, đầy sự sợ hãi và đối phó, chứ không phải là đạo mà Đức Giê-su rao giảng. Đức Giê-su đã không phải mất công nhiều để thuyết phục người ta tin có Chúa (vì đồng bào của Ngài vốn đã tin như vậy rồi), song mối quan tâm của Ngài là giúp người ta nhận ra Thiên Chúa là CHA NHÂN TỪ– và thúc đẩy họ sống nhân từ như Cha vậy. Tiếp tục đọc

25/02. Hãy vâng nghe lời Người.

Chúa Nhật Tuần II Mùa Chay Năm B – Mc 9,2-10

Từ đám mây, có tiếng Chúa Cha phán rằng: “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người.” (Mc 9,7)

Suy niệm: Thông thường ta giới thiệu nhau khi mới gặp lần đầu hoặc quen biết nhau rồi, nhưng khuôn mặt bị phai mờ theo thời gian hay bị biến dạng cách nào đó, lúc ấy cần phải giới thiệu lại để người ta có thể nhận biết nhau cách chính xác. Cũng vậy, trong bối cảnh Chúa Giê-su chuẩn bị bước vào cuộc Khổ nạn, khi thân xác Ngài sẽ bị biến dạng bởi những cực hình do con người gây ra, Chúa Cha đã xuất hiện để giới thiệu: “Đây là Con Ta yêu dấu.”Lời khẳng định ấy thì cần thiết, bởi người ta quen nghĩ rằng những gì thuộc Thiên Chúa phải nguy nga, phải lộng lẫy, hoành tráng. Trong khi ấy Thiên Chúa lại hành động qua những gì thế gian cho hèn mạt, không đáng kể… (1Cr 1,27-29). Chính vì thế, cần phải có lời dặn dò của Chúa Cha “Hãy vâng nghe lời Người” để các môn đệ có thể đứng vững trong cuộc Khổ nạn của Thầy mình. Tiếp tục đọc

24/02. Yêu kẻ thù.

Thứ Bảy Tuần I Mùa Chay – Mt 5,43-48

“Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em.” (Mt 5,44)

Suy niệm: Một nhà thơ đương thời đã  phản ứng lại trước các đối thủ như sau: “Trước một blog cá nhân đòi tát vào mặt (…), hoặc đang phát động cuộc vây đánh hội đồng, chúng tát vào má phải Jesus, Jesus chìa má trái. Chúng tát vào má ta bên phải, ta không làm Jesus, ta tập trung một thế hệ căm thù, để chìa ra quả đấm.” Chữ ta ở đây không riêng chỉ nhà thơ, nhưng có thể là hầu hết chúng ta, những môn đệ của Đức Giê-su. Ta không chìa ra một, hai quả đấm bằng tay trước mặt đối thủ, nhưng lòng trí ta có cả trăm quả đấm căm thù. Ta phản ứng theo cảm xúc con người, còn Thầy ta dạy yêu thương, cầu nguyện cho kẻ thù không phải theo tình cảm, nhưng bằng ý chí để chiến thắng bản năng và cảm xúc tự nhiên. Tiếp tục đọc

23/02. Xin lỗi người anh em.

Thứ Sáu Tuần I Mùa Chay – Mt 5,20-26
Thánh Pô-ly-cáp, Giám mục, Tử đạo

“…Hãy đi làm hoà với anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình.” (Mt 5,24)

Suy niệm: Là con người, ai cũng có thể phạm lỗi lầm. Mà đã phạm lỗi, trước hết phải biết xin lỗi. Vì thế, xin lỗi là điều cần thiết phải làm thường xuyên trong đời sống hằng ngày. Ta có thể cảm nghiệm được điều này là một lời xin lỗi, dù vụng về đến đâu, cũng có thể đem lại một hiệu quả nào đó, khi lời xin lỗi ấy phát xuất từ tấm lòng chân thành, sẵn lòng chịu trách nhiệm về điều sai lỗi của mình. Trong thánh lễ, ta thú nhận với Thiên Chúa và anh chị em về lỗi phạm của mình trong tư tưởng, lời nói, việc làm. Thế nhưng, có thể ta chỉ thú nhận trên môi miệng, theo thói quen cách máy móc, chứ chưa hẳn đã thành tâm hối hận, muốn sửa chữa và đền bù. Làm hòa với nhau là điều vô cùng cấp bách, đến nỗi Chúa Giê-su dạy ta để của lễ trước bàn thờ, đi làm hòa với người anh em đang có chuyện bất hòa với ta, rồi mới trở lại tiếp tục dâng của lễ cho Chúa (c. 23-24). Tiếp tục đọc

22/02. Hội Thánh bền vững muôn đời.

Thứ Năm Tuần I Mùa Chay – Mt 16,13-19
Lập Tông tòa Thánh Phê-rô

Ông Si-mon Phê-rô thưa: “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống.” (Mt 16,16)

Suy niệm: “Tôi xác quyết rằng thiểu số có sức sáng tạo sẽ quyết định tương lai, và theo nghĩa này, Hội Thánh Công giáo phải hiểu mình như một thiểu số sáng tạo có một gia sản giá trị không phải là những điều của quá khứ, nhưng là một thực tại rất sinh động và thích đáng”(Đức Bê-nê-đi-tô XVI). Hội thánh được xây dựng trên nền tảng là tảng đá Phê-rô, một tảng đá vững chắc không do chính mình, nhưng dựa trên Chúa Giê-su, vị sáng lập Hội Thánh ấy. Phê-rô hay các vị giáo hoàng, dù thánh thiện, tài ba đến đâu, thì cũng chỉ là con người. Hội Thánh gồm những con người, nhưng đầu của Hội thánh lại là Chúa Ki-tô, một vị Thiên Chúa làm người. Đó là điều bảo đảm cho sứ vụ của Hội Thánh trong hiện tại, và cả tương lai. Tiếp tục đọc

20/02. Cầu nguyện trong phó thác.

Thứ Ba Tuần II Mùa Chay – Mt 6,7-15

“Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin.” (Mt 6,8)

Suy niệm: Có bao giờ chúng ta xin Chúa ban cho ta có không khí, có ánh sáng mặt trời, có gió mát…? Nhiều lúc chúng ta không ý thức để cầu xin những điều ấy, nhưng Thiên Chúa vẫn nhớ và âm thầm ban cho ta vì đó là những điều cần thiết cho sự sống chúng ta. Trong cuộc sống hằng ngày, mỗi người có những nhu cầu và ước muốn khác nhau, do đó lời cầu nguyện của mỗi người cũng thật đa dạng: khẩn khoản van nài hay biện minh, giải thích với Chúa… cho đến khi đạt được. Lời cầu nguyện chân thành nào cũng có giá trị trước mặt Chúa, nhưng Chúa Giê-su đã dạy ta lời cầu nguyện lý tưởng nhất chính là Kinh Lạy Cha, và tâm tình đẹp lòng Chúa nhất chính là phó thác hoàn toàn vào tình thương và sự quan phòng của Chúa: “Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin”. Tiếp tục đọc

19/02. Tương lai từ hôm nay.

Thứ Hai Tuần I Mùa Chay – Mt 25,31-46

“Bấy giờ Người sẽ ngự lên ngai vinh hiển của Người. Các dân thiên hạ sẽ được tập hợp trước mặt Người, và Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê.” (Mt 25,31-32)

Suy niệm: Lời Chúa hôm nay hé lộ cho chúng ta bí quyết để được ngài ân thưởng khi Ngài lại đến trong vinh quang. Khi đó, Ngài sẽ qui tụ mọi người trên trái đất và tách biệt họ như tách chiên ra khỏi dê. Chiên sẽ có chỗ vinh dự bên phải Chúa, còn dê thì ở bên trái. Những người ở bên phải sẽ được lãnh ân thưởng vì đã từng quan tâm săn sóc những người đói khát, đau yếu, tù đày, rách rưới, cơ nhỡ. Chúa Giê-su nhấn mạnh: khi làm những nghĩa cử đó cho anh em mình là họ đang làm cho Chúa. Họ đã bối rối và bất ngờ vì nghĩ rằng mình chưa bao giờ thấy Chúa như thế để mà giúp đỡ. Chúa Giê-su nói rõ với họ rằng, khi họ làm điều đó cho anh chị em mình đang khốn khó là họ đang làm cho Chúa. Ngược lại, những người ở bên trái là những người không quan tâm gì đến nỗi khốn cùng của anh chị em mình, nên không được vào hưởng phúc. Qua đó, Chúa Giê-su cho biết những gì chúng ta làm hay không làm cho tha nhân ở đời này là yếu tố quyết định cho cuộc sống mai sau của chúng ta. Nếu muốn được hưởng phúc thiên đàng thì trong hiện tại, Ki-tô hữu cần ra sức yêu thương và phục vụ anh chị em mình. Tiếp tục đọc

17/02. Đạo làm người.

Thứ Bảy Sau Lễ Tro – Mt 15,1-6
Mồng Hai Tết – Kính nhớ tổ tiên, ông bà, cha mẹ

“Thiên Chúa dạy: Ngươi hãy thờ cha kính mẹ.” (Mc 15,4)

Suy niệm: “Công cha như núi Thái Sơn; nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Một lòng thờ mẹ kính cha, cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.” Kính nhớ ông bà tổ tiên là một “đạo làm người,” nhằm biết ơn các đấng sinh thành dưỡng dục. Đối với Ki-tô giáo, bổn phận này được Thiên Chúa thiết định cách rõ ràng trong Thập Giới và được đặt ngay sau các bổn phận đối với Thiên Chúa, Đấng là nguồn gốc của mọi sinh thành và là nền tảng của mọi giáo dưỡng. Theo tác giả cuốn Giu-se, Ma-ri-a, Giê-su, Chúa Giê-su là gương mẫu của mọi người con, vì Ngài “ngày càng thêm khôn ngoan” nhận ra công ơn cha mẹ. Tác giả cho rằng, ngay cả những lời nguyện cầu dâng lên Chúa Cha, Chúa Giê-su nói bằng cung giọng của thánh Giu-se; nụ cười Ngài dành cho các trẻ nhỏ cũng lặp lại nụ cười của Mẹ Ma-ri-a. Vì thế, “khôn ngoan” là nhận ra công ơn và hiếu thảo với các đấng sinh thành. Nếu ông bà tổ tiên mà chúng ta không yêu thương kính nhớ, thì làm sao chúng ta có thể yêu mến Thiên Chúa mà chúng ta không trông thấy (x. 1 Ga 4,20)? Tiếp tục đọc

16/02. Đường đi có Chúa.

Thứ Sáu Sau Lễ Tro – Mt 6,25-34
Mồng Một Tết Mậu Tuất – Cầu Bình An Năm Mới

“Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn những thứ kia Người sẽ thêm cho. Anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai cứ để ngày mai lo.” (Mt 6,33-34)

Suy niệm: Bức tranh thế giới đang bày ra với những sắc màu ảm đạm: dịch bệnh HIV lan tràn, giết người hàng loạt, ô nhiễm môi trường, khủng hoảng tài chính, tham nhũng, bất công… Một viễn cảnh không mấy tươi sáng! Nhân loại tự hào vì những tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhưng đã không đủ sức làm cho trái đất thành một nơi ở an toàn, êm ấm. Vì thế, nếu ta còn hy vọng vào ngày mai, thì chắc hẳn không phải vì tin vào khả năng con người, nhưng cậy dựa vào uy quyền và tình thương của Thiên Chúa, Đấng đã, đang và sẽ còn chăm sóc khu vườn trái đất cũng như  từng người dân trong ngôi làng thế giới này. Về phần con người, cứ tìm kiếm “đức công chính”. Tiếp tục đọc