30/11. Là cầu nối của Chúa.

Thứ Năm Tuần XXXIV Thường niên – Mt 4,18-22
Thánh An-rê, Tông đồ

“Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá.” (Mt 4,19)

Suy niệm: Antonio Mancuso là thị trưởng trẻ nhất của Ý lúc mới 27 tuổi. Một tháng sau Đại hội giới trẻ năm 2000, anh lặng lẽ từ giã thành phố Ficarra xinh đẹp, đến tu tại một tu viện. Anh cho biết mình cảm thấy ơn gọi linh mục từ ngày còn là một cậu bé giúp lễ, đã suy nghĩ bao năm và các bài thuyết giảng của Đức Gioan-Phaolô II tại Đại hội đã giúp anh đi đến quyết định ấy. Trước Antonio nhiều thế kỷ, chàng trai trẻ An-rê cũng đã từ giã con thuyền, cha mẹ, bạn bè để đi theo tiếng gọi của Thầy Giê-su. Trong vai trò môn đệ, anh là cầu nối đưa người khác đến gặp Đức Giê-su: đầu tiên là Phê-rô, anh mình, rồi em bé có năm chiếc bánh và hai con cá, cuối cùng là dẫn những người Hy lạp đến gặp Thầy mình. Tiếp tục đọc

Advertisement

29/11. Mối lợi đích thực.

Thứ Tư Tuần XXXIV Thường niên – Ga 21,12-19

“Người ta sẽ tra tay bắt bớ, ức hiếp và nộp các con đến các hội đường và ngục tù…”(Lc 21,12)

Suy niệm: Chúa Giê-su hứa ban cho các môn đệ sự bình an, không phải “bình an theo kiểu thế gian” (Ga 14,27), mà là sự bình an giữa những “bắt bớ và ngược đãi,” giữa những thù ghét và kể cả cái chết vì danh Đức Ki-tô. Các thánh tử đạo ngày xưa, và các tín hữu ngày nay, điển hình là các Ki-tô hữu đang sống ở một số nước Hồi giáo phải chịu hiểm nguy, bách hại, tù đày, thậm chí cái chết chỉ vì mang danh nghĩa là môn đệ Chúa Giê-su. Sức mạnh nào đã giúp họ vượt qua quyền lực ghê gớm của vua quan, sự độc dữ của súng đạn, gươm giáo, nếu không phải là tin rằng có Chúa đồng hành với mình, ban ơn giúp sức để mình vượt qua sự dữ? Hơn nữa, họ xác tín rằng mình đang đánh đổi sự sống mau qua để lấy sự sống vĩnh hằng, vì “được cả thế giới mà thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì?” (Mt 16,26). Tiếp tục đọc

28/11. Nhìn nhận Thiên Chúa là vẻ đẹp và cùng đích mọi sự – 5 Phút Lời Chúa mỗi ngày

Thứ Ba Tuần XXXIV Thường niên – Lc 21,5-11

“Những gì anh em đang chiêm ngưỡng đó sẽ có ngày bị tàn phá hết, không còn tảng đá nào trên tảng đá nào.” (Lc 21,6)

Suy niệm: Các nhà thiên văn học dự đoán năm 2017 này sẽ có “siêu trăng” xuất hiện vào tối ngày 3.12; hay “mưa sao băng đẹp” mê hồn vào đêm 13.12, mà họ gọi là “Vua của mọi cơn mưa sao băng!” Nhiều người sẽ ngóng trông và mong chờ hiện tượng thiên nhiên kỳ thú này. Thật vậy, con người thường thích ngắm nhìn những điều lạ và trầm trồ khen nó nhưng dường như lại lãng quên Đấng Tạo Hóa làm ra điều đó. Hơn 2000 năm trước, dân Do Thái thời Chúa Giê-su cũng tấm tắc khen về đền thờ lộng lẫy, nguy nga với kiến trúc đẹp cùng những đồ dùng thờ phượng tinh xảo. Nhưng Chúa cảnh báo Giê-ru-sa-lem “sẽ bị tàn phá hết, không còn tảng đá nào trên tảng đá nào” vì “ngươi đã không nhận biết thời giờ ngươi được Thiên Chúa viếng thăm” (Lc 19,44). Tiếp tục đọc

27/11. Phẩm chất quý hơn số lượng – 5 Phút Lời Chúa mỗi ngày

Thứ Hai Tuần XXXIV Thường niên – Lc 21,1-4

“Bà góa nghèo này đã bỏ nhiều hơn ai hết. ” (Lc 21,3)

Suy niệm: Tục ngữ có câu: “quí hồ tinh bất quí hồ đa,” nghĩa là phẩm chất quý hơn số lượng. “Tinh” vẫn đáng tôn trọng, còn “đa” thì còn tùy thuộc “đa” như thế nào, ví dụ như cũng có lời rằng “đa ngôn đa quá!” Nói cách khác, loài người vẫn muốn “tinh” hơn “đa” huống hồ Thiên Chúa. Hơn nữa, Chúa thấu suốt lòng dạ con người nên cái gì “tinh” Ngài biết cả; và cái gì “đa” Ngài cũng thấy nó tốt hay xấu, phát xuất từ động cơ nào, có chính đáng hay không. Dù bà goá mà Tin Mừng kể lại hôm nay dâng cúng số tiền ít ỏi nhất, nhưng trước mặt Chúa, bà lại bỏ nhiều nhất, vì tấm lòng vàng của bà, bà đã bỏ tất cả những gì bà có hôm ấy, còn ngày mai đối với bà “hãy để ngày mai lo.” Trong đời sống hằng ngày, ta vẫn thường quan tâm đến phẩm chất đồ vật, thích “tốt gỗ hơn tốt nước sơn.” Trước mặt Thiên Chúa, giá trị của một con người không hệ tại ở công việc ta cho Chúa, hay cho người khác, nhiều hay ít mà là ta đã làm với tâm tình nào, với ý hướng nào. Tiếp tục đọc

26/11. Con đường yêu thương – 5 Phút Lời Chúa mỗi ngày

Chúa Nhật Tuần XXXIV Thường niên – Mt 25,31-46
Chúa Ki-tô Vua Vũ Trụ

“Còn những người công chính ra đi để hưởng sự sống muôn đời.” (Mt 25,46)

Suy niệm: Kết thúc Năm Phụng Vụ, Giáo Hội mừng lễ Chúa Ki-tô Vua, Vua các vua, Chúa các chúa. Tại sao? Vì, Chúa Giê-su là Đấng trung gian duy nhất giao hòa giữa trời với đất. Ngài đã nhập thể để rao truyền Tin Mừng cứu độ. Chính Ngài là Đấng cứu độ duy nhất. Ngài mở lối dẫn chúng ta vào hưởng niềm vui hạnh phúc trên Trời. Con đường Chúa đi là con đường yêu thương bằng khổ giá. Muốn lãnh nhận ơn cứu độ, chúng ta phải dõi theo lối bước của Ngài. Đức yêu thương của Đức Giê-su được thể hiện qua sự giúp đỡ, chia sẻ, thăm viếng và sống tình bác ái của chúng ta đến với mọi người. Qua dụ ngôn hôm nay, Chúa Giê-su khẳng định con đường đức ái là con đường tuyệt hảo dẫn vào Quê Trời. Chiên và dê, thiên đàng và hỏa ngục là hình ảnh tượng trưng người tốt kẻ xấu. Và tiêu chí duy nhất để Chúa phán xét và thưởng phạt đó là những việc làm bác ái vị tha. Tiếp tục đọc

25/11. Tôi tin xác ngày sau sống lại – 5 Phút Lời Chúa mỗi ngày

Thứ Bảy Tuần XXXIII Thường niên – Lc 20,27-40
Thánh Ca-ta-ri-na A-lê-xan-ri-a, Trinh nữ, Tử đạo

“Quả thật, họ không thể chết nữa, vì được ngang hàng với các thiên thần. Họ là con cái Thiên Chúa, vì là con cái sự sống lại.” (Lc 20,36)

Suy niệm: Hạt giống gieo vào lòng đất, mục nát đi rồi nảy mầm, vươn lên khỏi mặt đất, trổ sinh cành lá và đơm bông kết trái. Sự chuyển hoá của sự sống nơi cây cỏ từ trạng thái này sang trạng thái khác thật là kỳ diệu. Thân xác con người cũng vậy, sự sống thể lý hôm nay và sự sống phục sinh mai sau là cả một mầu nhiệm diệu kỳ. Không ai biết được thân xác phục sinh của mình sẽ thế nào, nhưng chắc chắn là trong Đức Ki-tô và như Đức Ki-tô. “Trong Đức Giê-su Ki-tô, chính Thiên Chúa đã mặc lấy xác phàm, để cứu chuộc loài người. Thiên Chúa cũng không chỉ cứu linh hồn con người, nhưng Người cứu toàn bộ con người có hồn và xác”(Youcat 153). Tiếp tục đọc

24/11. Tất cả vì vinh danh Chúa – 5 Phút Lời Chúa mỗi ngày.

Thứ Sáu Tuần XXXIII Thường niên – Lc 21,5-19
Các Thánh Tử Đạo Việt Nam

“Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng dù một sợi tóc trên đầu anh em cũng không bị mất đâu.” (Lc 21,17-18)

Suy niệm: Quan niệm ‘theo đạo là bỏ ông bỏ bà’ vẫn ám ảnh trong não trạng anh chị em đồng bào Việt Nam, dù cho Giáo Hội đã và đang nỗ lực hội nhập văn hóa, làm cho đức tin gần gũi hơn với bản sắc của dân tộc. Đây chỉ là một trong những cái cớ khiến những tín hữu Chúa bị ‘người đời thù ghét’. Suốt chiều dài lịch sử Hội Thánh, người Ki-tô hữu đã phải chịu những hiểu lầm hoặc nghi kỵ ác ý. Cũng vậy, trong 400 năm Tin Mừng có mặt trên đất nước chúng ta, ở giai đoạn nào người môn đệ Chúa Ki-tô cũng bị ghét bỏ, đến độ rất nhiều tín hữu đã phải chịu cảnh thịt nát xương tan. Bị đau đớn đến cùng cực, Các Thánh Tử Đạo Việt Nam đã làm sáng hình ảnh của Thầy Giê-su, chấp nhận cực hình để diễn tả tình yêu: lấy ‘ơn đền oán’ nhằm hóa giải mọi hận thù. Tiếp tục đọc

23/11. Nhận biết ơn Chúa – 5 Phút Lời Chúa mỗi ngày.

Thứ Năm Tuần XXXIII Thường niên – Lc 19,41-44
Thánh Clê-men-tê I, Giáo hoàng, Tử đạo

“Vì ngươi đã không nhận biết thời giờ ngươi được Thiên Chúa viếng thăm.” (Lc 19,44)

Suy niệm: Có câu chuyện vui kể một người đàn ông đang vất vả gom củi trong rừng. Ông than vãn: Cuộc sống cơ cực quá, thật quá sức chịu đựng, ước gì tôi chết quách cho rồi. Dứt lời, thần chết xuất hiện trước mặt ông, hỏi: Ta có thể giúp gì cho ông? Thấy thần chết ông hoảng sợ quá, lắp bắp: Ngài có thể giúp đặt bó củi này lên vai tôi được không? Có một thực tế, đôi khi chúng ta than vãn cuộc đời này lầm than đau khổ nhưng vẫn muốn sống, bởi vì cuộc sống là quà tặng. Thế nhưng, có thể chúng ta đã sống ích kỉ và vô ơn, để không nhận ra tất cả những gì mình có như sự sống, tài năng, gia đình, các mối quan hệ… đều được ban cho vì tình yêu. Thiên Chúa vẫn luôn hiện diện và yêu thương chúng ta qua từng biến cố, trong từng phút giây của cuộc đời. Tiếp tục đọc

22/11. Yến bạc Chúa trao.

Thứ Tư Tuần XXXIII Thường niên – Lc 19,11-28
Thánh Xê-xi-li-a, Trinh nữ, Tử đạo

“Thưa ngài, yến bạc của ngài đã sinh lợi được mười yến.” Ông bảo người ấy: “Khá lắm, hỡi đầy tớ tài giỏi!” (Lc 19,17)

Suy niệm: Đôi khi người Ki-tô bị phê phán là những kẻ lười biếng, chỉ mơ tưởng thiên đàng mà không lo xây dựng cho cuộc sống trần thế này. Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta có một cái nhìn thấu đáo. Qua dụ ngôn yến bạc, Đức Giê-su sánh ví giống như ông chủ ban cho mỗi người một số yến bạc khác nhau rồi trẩy đi phương xa, Thiên Chúa cũng ban cho con người những khả năng khác nhau để cai quản vũ trụ là công trình Ngài tạo dựng, làm cho nó ngày càng xinh đẹp, và đem lại thiện ích cho con người. Những ai sinh lợi yến bạc khả năng Chúa ban, thì Chúa ban thưởng: “Khá lắm, hỡi đầy tớ tài giỏi.” Còn kẻ biếng nhác, thì Ngài sẽ phạt: “còn ai không có, thì ngay cái nó đang có cũng sẽ bị lấy đi.” Như thế, người Ki-tô hữu không phải là kẻ ngồi không mơ tưởng thiên đàng, mà phải tích cực xây dựng thế giới trần gian này ngày càng tốt đẹp như lòng Chúa mong muốn. Tiếp tục đọc

21/11. Thuộc trọn về Chúa.

Thứ Ba Tuần XXXIII Thường niên – Mt 12,46-50
Đức Mẹ dâng mình

“Phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi.” (Mt 12,50)

Suy niệm: Ngay thời tuổi thơ, Đức Ma-ri-a đã muốn thuộc trọn về Chúa qua hành vi dâng mình trong Đền thờ. Hành vi tốt đẹp ấy là khởi đầu, khai mào cho những tiếng Xin vâng sau này, ước, ao thánh ý Chúa được thể hiện trong mọi khoảnh khắc của cuộc đời. Danh là Mẹ Thiên Chúa, Mẹ nhân loại, nhưng Đức Ma-ri-a lại muốn sống như phận của một nữ tỳ, vâng theo ý Chúa để phục vụ Ngài và con người. Cũng vậy, ai noi theo mẫu mực Xin vâng của Mẹ thì cũng được coi như anh em, chị em với Đức Giê-su, là con cái của Mẹ. Các thánh và các người tốt lành đã đi con đường này, con đường Xin vâng theo thánh ý Chúa. Tuy mỗi người một vẻ nhưng tựu trung đều muốn thuộc trọn về Thiên Chúa, Đấng là nguồn vui và hạnh phúc đích thực của con người. Tiếp tục đọc

20/11. Sức mạnh của lòng tin.

Thứ Hai Tuần XXXIII Thường niên – Lc 18,35-43

“Lòng tin của anh đã cứu chữa anh.” (Lc 18,42)

Suy niệm: Những lần bị “đột xuất cúp điện”, chúng ta cảm thấy khó chịu, bực bội, công việc như chậm lại và đôi khi có tâm trạng sợ hãi, hụt hẫng vì bóng đêm… Nhân cảm giác này lên gấp bội để cảm nghiệm tâm trạng người mù hành khất trong Tin Mừng. Nếu ánh sáng ngọn nến là điều cần thiết để đẩy lùi bóng đêm thì việc Chúa Giê-su đi qua thành Giê-ri-khô hôm nay là cả một bầu trời ánh sáng. Vì thế vừa nghe tin Chúa Giê-su đi ngang qua, anh mù đã vội kêu lên “Lạy ông Giê-su, xin dủ lòng thương tôi!” Tiếp tục đọc

19/11. Niềm vui của Thiên Chúa.

Chúa Nhật Tuần XXXIII Thường niên năm A – Mt 25,14-30
Kính Trọng Thể Các Thánh Tử Đạo Việt Nam

“Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh.” (Mt 25,21)

Suy niệm: 1. Ông chủ trong dụ ngôn là hình ảnh của Thiên Chúa. Ngài giao cho mỗi người một phận vụ và không đòi hỏi ai quá sức mình. Ngài không coi trọng người được giao năm yến hơn người được giao một yến. Tài sản Ngài có bao nhiêu, Ngài giao tất cả. Hết sức tin tưởng, Ngài lên đường đi xa. 2. Có vẻ như cái lỗi lớn nhất của người đầy tớ thứ ba là không làm việc, không sinh lời. Xét kỹ hơn, nguyên nhân sâu xa chi phối những hành động này là anh ta đã có một hình ảnh méo mó về Thiên Chúa: đối với anh, ông chủ là một người hà khắc, đòi hỏi, gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi. Anh sợ hãi chứ không yêu mến. 3. Ngày tính sổ, Thiên Chúa – ông chủ – xuất hiện như một người Cha: vui mừng thấy vốn đã sinh lời. Nhưng… Ngài không giữ lại cho mình, mà giao hết cả vốn lẫn lãi cho người biết làm việc; ai sinh lời Ngài lại ban thêm. Niềm vui của Thiên Chúa, đó là thấy rằng chúng ta đã làm việc và sinh lời cho chính chúng ta. Tiếp tục đọc

18/11. Cầu nguyện đêm ngày.

Thứ Bảy Tuần XXXII Thường niên – Lc 18,1-8
Cung hiến Đền Thờ Thánh Phê-rô và Phao-lô

“Chẳng lẽ Thiên Chúa lại không minh xét cho những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người sao? Lẽ nào Người bắt họ chờ đợi mãi.” (Lc 18,7)

Suy niệm: Khi dạy các môn đệ cầu nguyện, Chúa Giê-su luôn khuyên nhủ họ hướng về Chúa Cha, chứ không chỉ cầu xin với Thiên Chúa cách chung chung. Như vậy, khi cầu nguyện, con người sống tình con thảo với Cha mình là Thiên Chúa, Đấng lắng nghe con người như người cha đang ghé tai với con cái. Thế nhưng, thông thường khi cầu nguyện, đặc biệt trong trường hợp gặp đau khổ, người ta xem mình là trung tâm, và chất vấn tại sao Thiên Chúa không để ý đến tôi, tại sao những người chung quanh không giúp đỡ tôi. Một cách nào đó người ta đã biến những người chung quanh, và cả Thiên Chúa, thành những người phục dịch họ. Thật vậy, nếu không sống mối tương quan Cha-con với Thiên Chúa, con người thật khó thấu hiểu và chấp nhận những cách hành xử của Thiên Chúa với mình. Chính trong mối tương quan này, con người nhận ra Thiên Chúa là Cha, luôn ban cho con cái những điều thiện hảo. Tiếp tục đọc

17/11. Ngày của Con Người.

Thứ Sáu Tuần XXXII Thường niên – Lc 17,26-37
Thánh Ê-li-sa-bét Hung-ga-ri

“Cũng như thời ông Nô-ê, sự việc đã xảy ra cách nào, thì trong những ngày của Con Người, sự việc cũng xảy ra như vậy.” (Lc 21,34)

Suy niệm: “Người ta ăn uống, cưới vợ lấy chồng, mua bán, trồng trọt, xây cất.” Những việc ấy có gì xấu? Thưa, chúng trở thành xấu khi người ta làm những việc ấy theo thói quen, để cuộc đời trôi qua cách nhạt nhẽo, và sống ích kỷ chỉ nghĩ đến mình, cuộc sống lúc ấy trở nên tầm thường xoàng xĩnh, không có sức sống, cũng chẳng có lòng yêu thương. Mỗi người chỉ có một cuộc đời để sống. Do đó, ta không được phép ngủ quên, nhưng phải sống từng ngày cho ra sống. Hình ảnh hai người phụ nữ đang xay cối, một được đem đi (được cứu rỗi), một bị để lại (bị loại trừ) cho thấy hai số phận khác nhau trong cuộc đời: người này thành công, kẻ khác thất bại. Tiếp tục đọc

16/11. Nước Thiên Chúa trong ta.

Thứ Năm Tuần XXXII Thường niên – Lc 17,20-25
Thánh Ma-ga-ri-ta Tô-cách-lan, Trinh nữ

“Triều đại Thiên Chúa không đến như một điều có thể quan sát được… vì triều đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông.” (Lc 17,20-21)

Suy niệm: Nước Thiên Chúa không thuộc về thế gian này nên cũng không thể xác định nó ở nơi này hay nơi khác giới hạn trong không gian và thời gian. Dù vậy, cũng có thể tìm thấy Nước Thiên Chúa ở một số “nơi”: – nơi tâm hồn con người, khi họ có Chúa Ki-tô ngự trị, đặc biệt khi  họ kết hiệp với Thánh Thể Ngài; – trong cuộc sống của họ khi họ thực thi Lời Chúa, khi họ sống tinh thần “Tám Mối Phúc Thật”; – như thế Nước Thiên Chúa còn ngự trị trong tâm hồn những người nghèo khó, khiêm tốn, nhỏ bé và trong sạch: “Vì Nước Trời là của họ” (Mt 5,3). Những lúc đó, và ở những “nơi” đó, người ta cảm nghiệm được sự hiện diện của Nước Thiên Chúa ngay ở thế gian này. Tiếp tục đọc

15/11. Hai nhịp của lòng biết ơn – 5 Phút Lời Chúa mỗi ngày.

Thứ Tư Tuần XXXII Thường niên – Lc 17,11-19
Thánh An-be-tô Cả, Giám mục, Tiến sĩ HT

“Thế thì chín người kia đâu?” (Lc 17,17)

Suy niệm: Tháng 2 năm 2006, tờ Thời Báo San Francisco đưa tin một nhóm cứu hộ đã cật lực nhiều giờ để cứu con cá voi mắc lưới trên biển. Thoát chết, sau khi bơi lượn nhiều vòng bày tỏ niềm vui, nó quay lại “nựng” từng người thợ lặn, đẩy nhẹ nhẹ quanh người họ. Chàng trai trực tiếp cắt sợi dây ở miệng cá voi nói mắt nó cứ nhìn theo anh mãi. Mạng sống của chín người phong cũng bị cột chặt vào tấm lưới phong cùi. Thế nhưng, sau được gỡ khỏi, họ quên trở lại bày tỏ tâm tình cơ bản của kẻ thọ ơn. Não trạng coi mình đương nhiên được hưởng, vì là Dân Chúa chọn, đã tạo ra mẫu số chung “ăn cháo đá bát” này. Ngạn ngữ Pháp nói lòng biết ơn là “trí nhớ của con tim”. Người Samari này trở lại cám ơn Đức Giê-su vì quả tim anh cảm nhận việc Ngài làm cho anh không phải là chuyện đương nhiên mà là ân huệ lớn lao mà tình yêu Chúa dành cho anh. Tiếp tục đọc

14/11. Là đầy tớ vô dụng của Chúa.

Thứ Ba Tuần XXXII Thường niên – Lc 17,7-10

“Chẳng lẽ ông chủ lại biết ơn đầy tớ vì nó đã làm theo lệnh truyền sao?” (Lc 17,9)

Suy niệm: Socrates, một trong những ông tổ của triết học, thâu tóm mọi tri thức quan trọng nhất trong cuộc sống vào một nguyên tắc: “Hãy biết mình.” Trên bình diện thiêng liêng, xác định được chỗ đứng của mình trong mọi mối tương quan là nền tảng vững chắc trên hành trình ơn gọi làm con người và làm con Chúa. Tôi là ai trước mặt Chúa và tha nhân? Một khi đã nhìn nhận Chúa là Chủ, là Đấng sáng tạo và điều khiển cả vũ trụ này, thì tôi chỉ là đầy tớ của Ngài, được giao phó công việc quản lý công trình của Ngài. Đã là đầy tớ thì bổn phận của tôi là làm theo Ý Chúa chứ không theo ý mình. Đầy tớ làm hết sức mình vì để cứu độ tôi, Chúa cần có sự cộng tác của tôi; nhưng người đầy tớ cũng thật khiêm tốn vì ý Chúa vẫn thể hiện mà không cần có tôi (Thánh Âu-tinh). Ý thức tôi chỉ là “đầy tớ vô dụng”, để: – không nản chí khi thất bại hay bị chê bai, và không tự mãn khi thành công hay được khen ngợi; – không ganh tị với người khác, nhưng vui trong phận mình và sẵn sàng làm những công việc nhỏ bé thấp hèn nhất; – phụng sự Chúa hết mình với tinh thần quảng đại, vô vị lợi. Tiếp tục đọc

13/11. Tha thứ theo gương Chúa.

Thứ Hai Tuần XXXII Thường niên – Lc 17,1-6

“Dù nó xúc phạm đến anh một ngày đến bảy lần rồi trở lại nói với anh: “Tôi hối hận, thì anh cũng phải tha cho nó.” (Lc 17,4)

Suy niệm: Léon Tolstoi, văn hào Nga, kể chuyện một người hành khất đến xin  đại gia nọ bố thí. Ông này không cho gì cả mà còn lấy đá ném vào người kẻ ăn xin. Ông ăn xin nhặt hòn đá cất giữ chờ ngày ném trả lại. Nhiều năm sau, nhà phú hộ phạm pháp, bị tịch biên tài sản và vào tù. Kẻ xin ăn theo chân đoàn áp tải cầm đá toan ném vào tù nhân để rửa nhục. Tuy nhiên, khi thấy kẻ thù tay bị cùm, gương mặt thì tiều tụy, ông thả hòn đá xuống đất tự nhủ: “Tại sao bao nhiêu năm qua, ta lại mang nặng hòn đá kia? Con người này, giờ đây chỉ là một kẻ khốn khổ như ta.” Khi phạm tội, chúng ta ném đá Thiên Chúa. Nhưng Ngài không cất giữ những hòn đá xúc phạm kia. Nơi Chúa Giê-su, Thiên Chúa tha thứ cho kẻ có tội thật lòng ăn năn. Ngài dạy chúng ta cũng noi gương Ngài tha thứ cho kẻ xúc phạm chúng ta. Sự tha thứ Chúa đòi hỏi là tha không giới hạn. Hễ người anh em cần tha thứ là chúng ta sẵn sàng để tha cho họ. Tiếp tục đọc

12/11. Sự khôn ngoan của người môn đệ Chúa Kitô.

Chúa Nhật tuần XXXII Thường niên năm A – Mt 25,1-13

“Các cô dại mang đèn mà không mang dầu theo. Còn các cô khôn thì vừa mang đèn vừa mang chai dầu theo.” (Mt 25,3-4)

Suy niệm: Chúa Giê-su diễn tả cuộc hội ngộ cánh chung như cuộc hẹn của các trinh nữ đi đón vị Lang Quân là chính Ngài. Thế nhưng trong cuộc hẹn này, kẻ được gặp, người lại không! Yếu tố quyết định để gặp được Chàng Rể Giê-su chính là thái độ sống của mỗi người. Các cô được gọi là khôn, vì họ biết dự trữ dầu để giữ đèn sáng mãi. Thế nên cho dù Lang Quân có chậm đến, các cô vẫn sẵn sàng dầu đèn để đến gặp Ngài. Đấy là cái khôn của người môn đệ Ki-tô. Bởi vì cùng đích cuộc đời của mỗi chúng ta đều là được gặp Đức Lang Quân Giê-su. Đây là Chân lý không thay đổi, nên “chúng ta không thể thay đổi cuộc đời, mà chỉ có thể thay đổi được thái độ của ta đối với cuộc đời mà thôi”. (Thánh Tê-rê-sa A-vi-la). Tiếp tục đọc

11/11. Tiền của phục vụ con người.

Thứ Bảy Tuần XXXI Thường niên – Lc 16,9-15
Thánh Mác-ti-nô, Giám mục

“Thầy bảo cho anh em biết: hãy dùng tiền của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu.” (Lc 16,9)

Suy niệm: Hằng năm, một số nước đang phát triển trình làng những con số GDP (Tổng sản phẩm nội địa) thật hấp dẫn, 6%, 7% và hơn nữa. Tăng trưởng kinh tế là điều đáng mừng. Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu cảnh báo rằng những lợi ích kinh tế không thể bù đắp những thiệt hại môi trường, do sự phát triển vội vàng gây ra. Không tiền của nào có thể cất hết những tai họa từ một con sông bị ô nhiễm nặng! Sự thiệt hại càng trầm trọng hơn khi chỉ vì lợi ích kinh tế, mà người ta phớt lờ tình liên đới giữa con người với nhau và xem nhẹ các giá trị đạo đức. Đối với Chúa Giê-su, tiền của dùng để “tạo lấy bạn bè.” Kinh tế phải phục vụ con người và tình người, chứ không ngược lại. Trong hoàn cảnh mục tiêu kinh tế được đặt lên như cùng đích đời người hiện nay, Lời Chúa càng phải thúc bách con người đặt lại thứ tự các giá trị cho cân xứng, trả lại cho con người vị trí xứng hợp, như ý định của Thiên Chúa khi tạo dựng họ. Tiếp tục đọc