31/01. Có phúc vì đã tin.

Thứ Tư Tuần IV Thường Niên – Mc 6,1-6
Thánh Gio-an Bốt-cô, Linh mục

“Bởi đâu ông ta được như thế? Ông ta được khôn ngoan như vậy, nghĩa là làm sao?” (Mc 6,2)

Suy niệm: “Ta hãy chấp nhận sự thật, ngay cả khi sự thật ấy làm ta ngạc nhiên và thay đổi cái nhìn của ta” (nhà văn G. Sand). Tin Mừng hôm nay bắt đầu bằng sự kiện dân làng Na-da-rét ngạc nhiên khi nghe Chúa Giê-su rao giảng trong hội đường, và kết thúc bằng sự ngạc nhiên của Chúa khi Ngài thấy họ không tin. Làm sao họ không ngạc nhiên được khi lời rao giảng và những dấu lạ Ngài làm tỏ rõ Ngài là Đấng đầy quyền năng và khôn ngoan? Thế nhưng, sự ngạc nhiên ấy không đủ để thay đổi định kiến của họ về Ngài: Họ không thể chấp nhận một bác thợ bình thường, là người đồng hương họ quen biết, lại là vị ngôn sứ được Thiên Chúa sai đến. Và càng không thể chấp nhận được một con người như Ngài lại cả dám tự xưng mình là Con Thiên Chúa, là Đấng Ki-tô. Hạnh phúc được tin vào Đức Ki-tô, đáng lẽ họ nhận được lại bị mất vì một định kiến. Tiếp tục đọc

Advertisement

30/01. Dám tin vào Chúa.

Thứ Ba Tuần IV Thường Niên – Mc 5,21-43

“Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi.” (Mc 5,36)

Suy niệm: Chuyện kể ở ngôi làng nọ đang trải qua một cơn hạn hán kéo dài, đất đai nứt nẻ và hoa màu héo khô. Mọi người đều lo âu vì nguy cơ không còn một giọt nước để dùng. Họ thống nhất sẽ cùng nhau cầu nguyện, hy vọng Chúa Trời sẽ thương tình mà ban cho mưa xuống. Buổi tối, họ tập trung rất đông ở nhà thờ và cùng nhau cầu nguyện. Họ cầu nguyện trong sự lo lắng, và kỳ lạ thay, buổi cầu nguyện sắp kết thúc bỗng mây đen kéo đến và trời đổ mưa thật to. Cơn mưa lớn và kéo dài, đến lúc này mọi người mới chợt nhớ ra mình không thể về nhà vì sẽ bị ướt. Chỉ duy có một em bé gái trên tay cầm một chiếc dù màu đỏ bước ra và trở về nhà. Vậy đó, mọi người cùng cầu nguyện, nhưng chỉ có duy nhất em bé gái dám tin lời cầu nguyện của mình sẽ thành hiện thực. Tiếp tục đọc

29/01. Cao rao Danh Chúa.

Thứ Hai Tuần IV Thường Niên – Mc 5,1-20

Kẻ trước kia đã bị quỷ ám ra đi và bắt đầu rao truyền trong miền Thập Tỉnh tất cả những gì Đức Giê-su đã làm cho anh. (Mc 5,20)

Suy niệm: Trước cảnh cả đàn heo trên hai ngàn con lao xuống Biển Hồ Ga-li-lê chỉ trong nháy mắt, dân làng miền Ghê-ra-sa, phần thì sợ hãi, phần thì tiếc của, đã mời Chúa “rời khỏi vùng đất của họ.” Trái lại, người trước đây bị quỷ ám, sau khi được chữa lành, đã “ra đi và rao truyền những gì Chúa đã làm cho anh.” Những người dân miền Ghê-ra-sa hẳn cũng nhận biết dấu lạ Chúa làm, nhưng điều đó chẳng đem lại cho họ mối lợi nào mà lại bị thiệt hại một khối tài sản không hề nhỏ. Họ coi người anh em đồng hương của họ có giá trị không bằng đàn heo. Còn người trước đây bị quỷ ám thì cảm nghiệm và xác tín dấu lạ Chúa làm là cho chính anh, để anh được chữa lành, để trả lại cho anh phẩm giá của một con người, và hơn nữa, phẩm giá của người môn đệ Chúa Ki-tô. Tiếp tục đọc

28/01. Lời sức mạnh và sự sống.

Chúa Nhật Tuần IV Thường Niên B – Mc 1,21-28

Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có uy quyền. (Mc 1,22)

Suy niệm: Trong khi các kinh sư, là các chuyên viên về luật, chỉ dựa vào lời các bậc thầy để giải thích sách Luật, Đức Giê-su giảng dạy như không có một thẩm quyền nào cao hơn. Ngài giải thích Kinh Thánh như đó là lời thốt ra từ chính bản thân Ngài, rõ ràng và dứt khoát, với thẩm quyền tối thượng của Thiên Chúa. Chính cung cách đặc biệt này đã thuyết phục cử tọa, khiến họ sửng sốt. Lời uy quyền ấy không chỉ đánh động tâm hồn người nghe, nhưng còn có sức xua trừ ma quỷ. Đang khi các thầy trừ quỷ của Do Thái và dân ngoại phải dùng nhiều nghi lễ và thần chú rườm rà, Đức Giê-su chỉ cần phán một lời, quỷ dữ phải gào thét và xuất khỏi người bị ám. Tiếp tục đọc

27/01. Biết sợ cái đáng sợ.

Thứ Bảy Tuần III Thường Niên – Mc 4,35-41
Thánh An-gê-la Mê-ri-xi, Trinh nữ

“Thầy ơi chúng con chết mất, Thầy chẳng lo gì sao?” Chúa Giê-su thức dậy, ngăm đe gió, và truyền cho biển: “Im đi, câm đi!” (Mc 4,38-39)

Suy niệm: Từ bao đời nay, con người vẫn bị ám ảnh bởi nhiều nỗi lo sợ. Sợ bệnh tật, tai nạn, thất nghiệp, chết chóc, sợ không biết ngày mai ăn gì, mặc gì… Lo sợ chiếm phần lớn thời gian cuộc đời. Niềm vui có đó rồi qua đi chứ nỗi lo, nỗi sợ rình rập quanh ta hằng ngày hằng giờ. Thực ra có nhiều khi người ta lo sợ hão huyền, sợ cái không đáng sợ. Tuy nhiên cũng có những cái sợ hữu lý, vì nếu không biết sợ sẽ làm hỏng công việc và mạng sống ta. Chiếc thuyền của thầy trò Chúa Giê-su và các môn đệ thật là nhỏ bé, mong manh trong cơn sóng dữ giữa biển hồ Ga-li-lê. Tình cảnh đó thực là đáng sợ. Nhưng Chúa Giê-su nói với họ “đừng sợ” bởi vì có “Thầy ở đây.” Chúa cho các ông và chúng ta ý thức cần phải tựa vào Ngài luôn luôn, vì Ngài là khiên che thuẫn đỡ cho đời ta. Biết sợ là biết mình bất lực, cần một nơi, một người để tựa nương. Đấng đó, không ai bằng Chúa. Tiếp tục đọc

26/01. Làm chứng cho Tin Mừng.

Thứ Sáu Tuần III Thường Niên – Lc 10,1-9
Thánh Ti-mô-thê-ô và Ti-tô, Giám mục

“Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói.” (Lc 10,3)

Suy niệm: Ai được mời gọi gặt lúa? Không phải chỉ là nhóm Mười Hai tông đồ hay 72 môn đệ, mà là mọi người thuộc mọi dân nước. Hôm nay Hội Thánh có hai mẫu gương là thánh Ti-mô-thê và Ti-tô. Các ngài được Chúa sai đi rao giảng Tin Mừng; và các ngài đã như “chiên con giữa bầy sói” chịu nhiều đau khổ vì Tin Mừng ấy. Ti-mô-thê được thánh Phao-lô gửi đi truyền giáo và bị bắt tại Rô-ma. Cũng là môn đệ thánh Phao-lô, thánh Ti-tô rất hăng say trong việc tông đồ, kết hợp mật thiết với Đức Ki-tô, sống bác ái và kiên nhẫn trong mọi hoàn cảnh dù gặp nhiều đau khổ. Cuộc đời và công cuộc truyền giáo của hai ngài đã minh chứng sứ điệp Lời Chúa hôm nay: Nước Thiên Chúa đang ở giữa chúng ta, Nước của tình yêu và bình an, Nước của công lý và sự thật. Tiếp tục đọc

25/01. Cuộc gặp gỡ đổi đời – 5 Phút Lời Chúa mỗi ngày.

Thứ Năm Tuần III Thường Niên – Mc 16,15-18
Thánh Phao-lô Tông đồ trở lại

“Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.”(Mc 16,15)

Suy niệm: Biến cố trên đường Đa-mát được thuật lại đến ba lần trong sách Công vụ Tông đồ (9,1-22; 22,3-16; 26,9-18). Ta không lạ gì vì đó là khúc khải hoàn ca của Giáo Hội tiên khởi, là cuộc gặp gỡ tạo sự “xoay chiều” ngoạn mục giữa chàng trai trẻ Sao-lô và Đức Giê-su. Cuộc trở lại (hay đúng hơn, cuộc hoán cải) của thánh Phao-lô là hoa thơm trái ngọt của cuộc gặp gỡ với Đấng Phục Sinh, Người mà anh đang “bắt bớ.” Anh đã đụng chạm đến ân sủng của Ánh sáng thần linh (9,3; 22,6; 26,13) và “tin vào Tin Mừng.” Từ một người đi bắt bớ Đạo, anh bị chính Đấng là Con Đường ấy “bắt lấy,” dùng anh như khí cụ và là chứng nhân cho Mầu nhiệm Tử nạn-Phục sinh của Ngài (Cv 9,15; 22,15; 26,15-18), để anh ra đi và loan báo Tin Mừng “cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16,15). Tiếp tục đọc

24/01. Hãy gieo cách hào phóng.

Thứ Tư Tuần III Thường Niên – Mc 4,1-20
Thánh Phan-xi-cô Sa-lê-si-ô, Giám mục, Tiến sĩ HT

“Người gieo giống đi ra gieo giống. Có hạt rơi xuống vệ đường,… sỏi đá,… bụi gai,… đất tốt…” (Mc 4,3-8)

Suy niệm: Hoàn cảnh địa lý vùng Pa-lét-tin hiếm có những khu đất tốt bằng phẳng, thuận lợi. Người gieo phải có đôi chút mạo hiểm và hào phóng, tận dụng mọi ngóc ngách để gieo giống mới mong có mùa gặt mai sau. Thế giới ngày nay theo xu hướng vật chất hưởng thụ, chuộng cuộc sống tiện nghi dễ dãi, chẳng khác nào những bụi gai, cỏ rậm hay vệ đường sỏi đá; làm cho Lời Chúa được nghe lọt tai đã là khó, phương chi tìm ra được mảnh “đất tốt” để hạt giống Lời Chúa bám rễ nảy mầm! Chúa dạy các môn đệ của Ngài không được bó tay, nhưng phải gieo, gieo mãi, bất chấp lòng người là sỏi đá, vệ đường hay bụi gai. Điều này đòi hỏi nhà thừa sai có một tinh thần dấn thân và phó thác cao. Bởi gieo trồng vun tưới là việc của Phao-lô, của A-pô-lô, của bạn, của tôi, của chúng ta; còn kết quả là do Thiên Chúa (x. 1Cr 3,6). Tiếp tục đọc

23/01. Thi hành ý Chúa.

Thứ Ba Tuần III Thường Niên – Mc 3,31-35

“Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi.” (Mc 3,35)

Suy niệm: Ở đời người ta thường vịn vào mối họ hàng “dây mơ rễ má” với những người nổi tiếng, thành đạt hoặc có địa vị trong xã hội, nếu không để cậy nhờ vụ lợi, thì cũng để hãnh diện, tự hào. Những người bà con với Chúa Giê-su hẳn cũng mang tâm trạng ấy khi có một người trong họ hàng của mình đang được quần chúng hâm mộ, tung hô. Thế nhưng, Chúa Giê-su chỉ cho họ, và cho cả chúng ta, thấy ngoài mối quan hệ huyết thống tự nhiên, ta còn có một mối quan hệ siêu nhiên sâu đậm hơn trong đại gia đình của Thiên Chúa. Đó là mối quan hệ giữa những người thi hành thánh ý Chúa với Ngài và với nhau. Chúa Giê-su là người con hiếu thảo với Chúa Cha, là người luôn thi hành vuông tròn thánh ý Chúa Cha. Vì thế, ai làm theo ý muốn Chúa Cha, người ấy là anh em, chị em với Ngài, là thành viên trong gia đình Thiên Chúa. Tiếp tục đọc

22/01. Bước đi trong Thánh Thần.

Thứ Hai Tuần III Thường Niên – Mc 3,22-30
Thánh Vinh-sơn, Phó tế, Tử đạo

“Nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần, thì chẳng đời nào được tha, mà còn mắc tội muôn đời.” (Mc 3,29)

Suy niệm: “Ta trở thành kẻ tự kiêu, ngạo mạn và bất khoan dung, xấu xa hay lười biếng hoặc nhát sợ khi không nhạy cảm với sự hướng dẫn của Thánh Thần trong ta” (C. Stanley). Thánh Thần là Đấng soi sáng, hướng dẫn ta nhận biết sự thật về Chúa, về mình để nhờ đó, ta có thể nhận lãnh ơn cứu độ, sự tha thứ của Chúa. Khi không nhạy bén với sự soi sáng, hướng dẫn ấy là ta khép lòng, từ chối sự tha thứ của Ngài, là liều mình sống trong tình trạng tội lỗi. Khoa luân lý có đề cập đến lương tâm phóng túng là loại lương tâm phán đoán lệch lạc: coi một tội là hợp pháp, hay tội nặng thành tội nhẹ; hoặc lương tâm chai lỳ khi ta quá quen phạm tội nên không nhận thức được tội của mình nữa, hoặc coi thường tội, dù là tội nặng. Tiếp tục đọc

21/01. Ưu tiên chọn Chúa.

Chúa Nhật Tuần III Thường Niên – Mc 1,14-20

“Và các ông bỏ cha mình ở lại trên thuyền với những người làm công mà đi theo Người.” (Mc 1,20)

Suy niệm: Từ xưa đến nay, ai đọc đoạn Tin Mừng này hẳn không khỏi ngạc nhiên tự hỏi động cơ nào khiến các môn đệ đầu tiên “lập tức” bỏ mọi sự để đi theo Chúa Giê-su. Phải chăng các ông đã gặp Chúa trước đây rồi, và đây chỉ là giây phút quyết định? Vâng, đúng thế. Thế nhưng, chừng ấy chưa đủ cơ sở để các ông bỏ cha mẹ, bỏ lưới thuyền, “lập tức” ra đi theo tiếng gọi của Đấng “không có nơi gối đầu.” Hai tác giả V. Howard và D. Peabody giúp lý giải điều này: ơn gọi chính là Tin Mừng cho con người, Tin Mừng về Con Thiên Chúa cũng chính là Tin Mừng của toàn dân. Thế nên, việc các môn đệ mau mắn đi theo Chúa Giê-su vì họ nhận ra Ngài là Tin Mừng đích thật, có giá trị hơn mọi thứ các ông đang sở hữu. Tiếp tục đọc

20/01. Nhẫn nại với người thân.

Thứ Bảy Tuần II Thường Niên – Mc 3,20-21
Thánh Pha-bi-a-nô, Giáo hoàng, Tử đạo

Khi những thân nhân của Ngài nghe biết điều này, họ liền đi bắt Ngài, vì họ nói: “Ngài đã mất trí rồi.” (Mc 3,21)

Suy niệm: Chúa Giê-su đau khổ vì bị chính những người bà con cho là người mất trí! Nhiều Ki-tô hữu cũng chia sẻ cùng một nỗi đau với Chúa Giê-su khi vì theo Chúa, họ phải đón nhận những thử thách khó khăn từ chính những người thân của mình. Trong số những tín hữu Việt Nam đầu tiên có một nhân vật quan trọng là bà Minh Đức Vương Thái Phi (1568-1649). Bà là phi của Chúa Nguyễn Hoàng. Bà rất sùng đạo, bà đã làm một nhà nguyện riêng để cùng bổn đạo chung quanh tối sáng tập trung cầu nguyện. Nhưng người con trai độc nhất của bà là Nguyễn Phước Khê vì muốn Chúa Nguyễn Phước Lan khỏi nghi ngờ mẹ con ông có âm mưu lật đổ, nên đã ra lệnh phá bình địa ngôi nhà nguyện này. Tiếp tục đọc

19/01. Ở lại với Chúa để được sai đi.

Thứ Sáu Tuần II Thường Niên – Mc 3,13-19

Bấy giờ Đức Giê-su gọi lại với Người những kẻ mà Người muốn chọn. Người thành lập nhóm Mười Hai, để các ông ở với Người và để Người sai đi rao giảng, với quyền trừ quỷ. (Mc 3,13-15)

Suy niệm: Mục đích thứ nhất của Chúa Giê-su khi lập nhóm Mười Hai là để họ “ở với Người” trước khi được “Người sai đi rao giảng với quyền trừ quỷ.” Quả vậy, các tông đồ từ khi được kêu gọi đã ở với Thầy suốt ba năm, cùng rong ruổi với Thầy trên mọi nẻo đường rao giảng. Ở với Đức Giê-su, nghĩa là cùng chia sẻ mọi cảnh huống của cuộc sống, hiểu được nỗi lòng, có chung ý hướng, ước mơ như Thầy mình, để thấm nhuần cung cách ứng xử cũng như đường lối của Thầy. Ngày hôm nay, Hội Thánh cũng đang dùng bí quyết huấn luyện tông đồ của Thầy Giê-su đó thôi. Bạn hãy nghe Jacques Delarue nói: “Mọi phần tử trong Hội Thánh phải sống Lời Chúa và yêu mến với cùng một tình yêu của Đức Giê-su. Chính vì thế, ngày Chúa Nhật họ đi gặp gỡ Chúa trong Lời Người và trong Thánh Thể, trước khi nghe đọc: ‘Hãy đi bình an’. Hãy ra đi, đừng ở lại. Các bạn được sai đến cho mọi tạo vật.” Tiếp tục đọc

18/01. Liệu có sự thật từ ma quỷ?

Thứ Năm Tuần II Thường Niên – Mc 3,7-12
Tuần lễ cầu nguyện cho Ki-tô hữu hợp nhất

Các thần ô uế vừa thấy Người liền sụp lạy và hô lên rằng: “Ngài là Con Thiên Chúa!” Nhưng Người nghiêm cấm chúng không được tiết lộ gì về Người. (Mc 3,11-12)

Suy niệm: Theo lẽ thường, ma quỷ chẳng muốn ai tin nhận Chúa Giê-su là Con Thiên Chúa. Thế nhưng lạ thay hôm nay chúng lại “rao” điều đó công khai trước mặt mọi người. Điều kỳ lạ hơn, chính Chúa Giê-su cấm không cho chúng tiết lộ về Ngài. Phải chăng có gì bí ẩn trong câu chuyện này? Đúng là ma quỷ đang muốn phá đám bằng cách tiết lộ thân thế và sứ mạng cứu thế của Chúa Giê-su, điều mà đúng ra mỗi người phải nói lên bằng sự xác tín của mình. Vả lại, Chúa Giê-su còn lạ gì chiến thuật của ma quỉ! Chúng đã từng đưa chiêu bài “nếu ông là Con Thiên Chúa” để cám dỗ Ngài đi lệch khỏi chương trình cứu độ của Chúa Cha. Nay chúng lại muốn “phá bĩnh” bằng chính những lời có vẻ đúng nhất, thật nhất nhưng lại khiến người ta hiểu sai vai trò cứu thế của Ngài theo kiểu một vị vua trần tục. Và vì vậy Ngài đã cấm chúng nói thêm. Tiếp tục đọc

17/01. Luật bác ái là trên hết.

Thứ Tư Tuần II Thường Niên – Mc 3,1-6
Thánh An-tôn, Viện phụ

“Ngày sa-bát được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay giết đi?”(Mc 3,4)

Suy niệm: Vào thế kỷ thứ II trước công nguyên, người Hy Lạp cai trị nước Do Thái; vua An-ti-ô-khô Ê-pi-phan theo đuổi chính sách Hy Lạp hoá dân bị trị, do đó du nhập lối sống truỵ lạc và thờ ngẫu tượng vào xã hội Do Thái. Ông gặp sự chống đối mãnh liệt của những người Do Thái trung thành với lề luật và giao ước mà Gia-vê đã ký kết với cha ông họ. Những người Do Thái nhiệt thành này đã hình thành nhóm Ha-si-đim – nghĩa là những người đạo đức – là tiền thân của nhóm Biệt Phái vào thời Chúa Giê-su; gọi thế vì họ có một lối sống hết sức khác biệt: rất thông thạo Thánh Kinh và giữ luật hết sức tỉ mỉ. Họ đã khởi đầu với những ý hướng rất tốt đẹp, nhưng tiếc thay họ đã đi quá xa: giữ luật cách cứng nhắc đến nỗi vì thế mà đang tâm không giúp đỡ anh chị em trong những cơn bệnh hoạn tật nguyền! Tiếp tục đọc

16/01. Tinh thần giữ luật.

Thứ Ba Tuần II Thường Niên – Mc 2,23-28

“Ngày sa-bát được tạo ra cho loài người, chứ không phải loài người cho ngày sabát.” (Mc 2,27)

Suy niệm: Một siêu thị yêu cầu khách hàng phải gửi mũ ở quầy trước khi vào siêu thị. Để thực hiện yêu cầu đó, nhân viên bảo vệ siêu thị khăng khăng không cho một ông khách nọ bước vào chỉ vì ông ta không có mũ để gửi. Thế là ông đành phải đi mua một cái mũ mới và gửi cho anh bảo vệ để được vào siêu thị. Tưởng chừng như đây chỉ là câu chuyện khôi hài của “những người thích đùa” thế nhưng nó lại minh hoạ lối sống đạo nệ luật của người Do Thái thời Chúa Giê-su, đặc trưng nhất nơi những người Pha-ri-sêu. Họ đặt ra những luật lệ theo ý riêng của họ chứ không theo ý muốn của Thiên Chúa; họ coi trọng việc giữ luật theo nghĩa đen, theo hình thức bên ngoài, mà bỏ quên tinh thần của lề luật là yêu thương. Chúa Giê-su lên án lối giữ luật vụ hình thức mà bỏ quên “điều quan trọng nhất trong Lề Luật là công bình, lòng nhân ái và thành tín” (x. Mt 23,23). Người dạy chúng ta Lề Luật -điển hình là luật giữ ngày sa-bát- được đặt ra phải nhằm mục đích đem hạnh phúc đích thực cho con người. Tiếp tục đọc

15/01. Chúa Giêsu là “Rượu mới” – 5 Phút Lời Chúa mỗi ngày.

Thứ Hai Tuần II Thường Niên – Mc 2,18-22

“Cũng không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ, vì như vậy, rượu sẽ làm nút bầu, thế là rượu cũng mất mà bầu cũng hư. Nhưng rượu mới, thì phải bầu mới.” (Mc 2,22)

Suy niệm: “Rượu mới thì phải bầu mới.” Chúa Giê-su đã sánh ví Ngài chính là rượu mới, và những ai đón nhận Ngài, cần có bầu da mới. Điều đó có nghĩa là, muốn đón nhận rượu mới là Chúa Giê-su chúng ta phải hoán cải, nghĩa là thay đổi cái nhìn, thay đổi thái độ sống. Chẳng hạn, cái nhìn về ăn chay và cầu nguyện: Ngài dạy khi ăn chay, cầu nguyện, đừng làm bộ rầu rĩ để cho người ta biết, nhưng hãy để một mình Cha trên trời biết anh em ăn chay, cầu nguyện. Còn về thái độ sống: khi đón nhận rượu mới là Chúa Giê-su, Chúa sẽ giúp chúng ta bước vào một khung trời đầy hy vọng, đầy niềm vui, đầy tình yêu. Tiếp tục đọc

14/01. Hãy đến mà xem – 5 Phút Lời Chúa mỗi ngày.

Chúa Nhật Tuần II Thường Niêm Năm B – Ga 1,35-42

Người đáp: “Hãy đến mà xem.” Họ đã đến và xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy, lúc đó độ chừng giờ thứ mười. (Ga 1,39)

Suy niệm: “Hãy đợi đấy” là bộ phim hoạt hình nổi tiếng của Nga vào đầu thập niên 80. Trong đó, thỏ con hiền lành, hào hiệp luôn luôn thắng thế, còn sói già dù xảo quyệt mưu mô, bày ra những chiêu trò mới lạ nhưng rốt cuộc vẫn phải nhận cái kết đắng và lại hẹn thỏ “Hãy đợi đấy” ở phần tiếp theo. Câu chuyện Tin Mừng hôm nay không phải là cuộc đối đầu không hồi kết như thế, mà là câu chuyện đầy cảm động của người theo đuổi Thầy Giê-su và mong biết “Thầy ở đâu” để rồi được Thầy Giê-su đón nhận và mời gọi: “Hãy đến mà xem.” Đến mà xem Thầy sống như thế nào. Đến mà xem Thầy cầu nguyện với Cha như thế nào. Đến mà xem Thầy yêu nhân loại như thế nào. Các ông không những đến xem mà còn ở lại bên Thầy suốt ngày hôm ấy. Ở lại để cùng ăn cùng uống với Thầy. Ở lại để cùng nghe cùng tâm sự với Thầy. Và ở lại một đêm để rồi ở lại bên Thầy mãi mãi. Tiếp tục đọc

13/01. Ngưỡng mộ một bậc Thầy.

Thứ Bảy Tuần I Thường Niên – Mc 2,13-17
Thánh Hi-la-ri-ô, Giám mục, Tiến sĩ HT

Đi ngang qua trạm thu thuế, Người thấy ông Lê-vi là con ông An-phê, đang ngồi ở đó. Người bảo ông: “Anh hãy theo tôi!” (Mc 2,14)

Suy niệm: Khi kêu gọi Lê-vi làm môn đệ, Đức Giê-su biết rõ ông là một nhân viên thu thuế. Đối với người Do Thái, người thu thuế bị coi là cộng tác với ngoại bang là chính quyền Rô-ma để bóc lột dân tộc mình. Đó là chưa kể đến những sự nhũng nhiễu lạm thu mà họ có thể gây ra. Người Do Thái gọi họ bằng cái tên miệt thị “quân thu thuế” đồng hàng với “phường tội lỗi.” Ngày ngày Lê-vi ngồi đó nơi trạm thu thuế như một kẻ tội lỗi công khai. Cũng chính tại nơi này Chúa Giê-su đã bắt gặp Lê-vi và gọi ông đi theo Ngài. Chúa Giê-su không coi Lê-vi như một chướng ngại cho sự hoà hợp trong nhóm môn đệ cũng như sứ vụ của mình. Đức Giê-su đã gọi Lê-vi làm môn đệ và đồng bàn với ông để cảm hóa và chữa lành ông như một bậc thầy đáng ngưỡng mộ. Tiếp tục đọc

12/01. Hơn cả điều tốt nhất.

Thứ Sáu Tuần I Thường Niên – Mc 2,1-12

Người bại liệt đứng dậy, và lập tức vác chõng đi ra … (Mc 2,12)

Suy niệm: Đứng lên, vác chõng mà đi! Có lẽ ta phải nằm liệt một chỗ nhiều năm như anh này mới cảm được hết cái tuyệt vời của việc “đứng lên vác chõng mà đi.” Nhưng đó chưa phải là tất cả điều tuyệt vời đang diễn ra ở đây. Anh vác chõng đi ra trong sự thanh thoát của tâm hồn, vì anh đã được thứ tha hoàn toàn khỏi tội lỗi. Đúng như lời của một mẩu quảng cáo rất ấn tượng: Better than the best! Tốt hơn điều tốt nhất! Tiếp tục đọc