31/12. Làm người vì yêu thương – 5 Phút Lời Chúa mỗi ngày.

Thứ Hai Ngày 7 Tuần Bát Nhật Giáng Sinh – Ga 1,1-18

“Và Ngôi Lời đã hóa thành nhục thể, và Người cư ngụ giữa chúng tôi, và chúng tôi đã nhận thấy vinh quang của Người.” (Ga 1,14)

.
Suy niệm
: “Đấng Tối Cao đã xuất hiện trên địa cầu trong tư thế một trẻ thơ phải cậy dựa vào cha mẹ, cần được dưỡng dục, lớn lên và tập nói như bất cứ trẻ em nào. Càng suy nghĩ về điều ấy, bạn càng kinh ngạc. Không điều gì trong chuyện hư cấu lại kỳ diệu như chân lý về việc Nhập thể” (J. Packer). Ngài đường đường là Ngôi Lời Thiên Chúa hằng sống trong gia đình Thiên Chúa Ba Ngôi, bây giờ lại chấp nhận sinh ra làm người mang tên gọi Giê-su với một khuôn mặt nhân loại, trong thân phận một trẻ sơ sinh yếu ớt, trong một gia đình khó nghèo cùng cực của con người. Tình yêu đã đưa Thiên Chúa xuống trần gian làm người, thì tình yêu ấy cũng sẽ đưa con người từ trần gian lên với Thiên Chúa và là con cái của Thiên Chúa. Tiếp tục đọc

30/12. Gia đình, ngôi trường đầu tiên – 5 Phút Lời Chúa mỗi ngày.

Chúa Nhật Trong Tuần Bát Nhật Giáng Sinh Năm C – Lc 2,41-52
Lễ Thánh Gia Thất

“Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” (Lc 2,49)

.
Suy niệm
: Sau mười hai năm dưỡng dục, Đức Ma-ri-a và Thánh Cả Giu-se dẫn người con Giê-su nay đã lớn khôn lên Giê-ru-sa-lem “trình làng”. Bổn phận làm cha làm mẹ khiến hai đấng chạy đôn chạy đáo tìm kiếm khi thất lạc cậu con. Nỗi lo lắng ấy được bù đắp khi tìm thấy con mình ngồi giữa các thầy thông thái, vừa đáp vừa hỏi thật khôn ngoan. Dù đã chu toàn trách nhiệm, hai đấng vẫn không khỏi ngỡ ngàng trước câu trả lời khó hiểu của con mình: “Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” Thì ra bổn phận làm cha mẹ không chỉ là chăm sóc dạy dỗ con về phương diện tự nhiên, xã hội mà còn hướng dẫn cho con cái nhận biết, đáp lại ơn gọi và sứ mạng Chúa dành cho chúng nữa; cha mẹ không chỉ dưỡng dục con thành người mà còn phải giúp con mình lớn lên thành con cái Chúa. Tiếp tục đọc

29/12. Ân nghĩa với Chúa – 5 Phút Lời Chúa mỗi ngày.

Thứ Bảy Ngày 5 Tuần Bát Nhật Giáng Sinh – Lc 2,36-40
Thánh Tô-ma Béc-két, Giám mục, Tử đạo

Hài Nhi, ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa. (Lc 2,40)

.
Suy niệm
: Nếu phải lựa chọn giữa ‘tài’ và ‘đức,’ bạn chọn điều nào? Hẳn bạn nghĩ người ta sẽ chọn ‘đức’. Thế nhưng, trong thực tế thì không phải như vậy. Chẳng hạn, trong việc giáo dục thế hệ tương lai, lắm giáo viên và nhà trường chạy đua theo thành tích, nhiều phụ huynh lo lắng cho con cái học thêm cốt để có nhiều kiến thức trong khi đó việc ‘đức dục’ chỉ được một sự quan tâm rất nhỏ gần như bằng không. Những hiện trạng đạo đức băng hoại, bạo lực học đường… cho thấy hậu quả của việc đào tạo ra những thế hệ trẻ có ‘tài’ mà thiếu ‘đức.’ Hình ảnh trẻ Giê-su lớn lên “ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta” (Lc 2,52) là gương mẫu cho những người trẻ ngày nay biết rèn luyện mình trở nên người ‘tài đức song toàn’ và cũng là lời nhắc nhở cho các bậc làm cha mẹ và thầy cô tránh được sự mất quân bình trong việc giáo dục con em. Tiếp tục đọc

28/12. Hãy bảo vệ sự sống – 5 Phút Lời Chúa mỗi ngày.

Thứ Sáu, Ngày 4 Tuần Bát Nhật Giáng Sinh – Mt 2,13-18
Các Thánh Anh Hài, Tử đạo

Bấy giờ vua Hê-rô-đê thấy mình bị các đạo sĩ đánh lừa, thì đùng đùng nổi giận, nên sai người đi giết tất cả các con trẻ ở Bê-lem và toàn vùng phụ cận, từ hai tuổi trở xuống, tính theo ngày tháng ông đã hỏi cặn kẽ các nhà chiêm tinh. (Mt 2,16)

.
Suy niệm
: Bạo vương Hê-rô-đê “đùng đùng nổi giận” bởi vì đằng sau việc bị “quả lừa” của các đạo sĩ, ông còn tiềm ẩn một mối lo: lời tiên tri về một vị Vua cứu thế chào đời lại trùng khớp với điềm lạ ánh sao dẫn đường cho ba nhà đạo sĩ từ phương xa tìm đến. Một trẻ sơ sinh tưởng chừng vô hại nay lại là mối đe doạ cho ngai vàng của ông: Sẽ không còn thâu tóm trong tay mọi quyền lực. Sẽ không còn ung dung phè phỡn hưởng thụ lạc thú. Thế là… Hê-rô-đê đã “hỏi han cặn kẽ”, đã tính toán rất kỹ: Thà giết lầm hơn bỏ sót!!! Và ông đã xuống tay thực hiện tội ác!!! Tiếp tục đọc

27/12. Gặp Đấng Phục Sinh – 5 Phút Lời Chúa mỗi ngày.

Thứ Năm, Ngày 3 Tuần Bát Nhật Giáng Sinh – Ga 20,2-8
Thánh Gio-an, Tông đồ

“Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin.”(Ga 20,8)

.
Suy niệm
: Truyền thống vẫn tin rằng “người môn đệ kia,” “môn đệ được Chúa yêu” là chính thánh Gio-an tông đồ. Đối với ông, tấm băng vải liệm xác Chúa xếp gọn một nơi bên trong mộ đá là bằng chứng Đức Giê-su phục sinh như lời Ngài phán trước. Trong khi Ma-ri-a Mác-đa-la hốt hoảng, Phê-rô không biểu cảm gì, thì Gio-an cho biết cách vắn gọn và chắc nịch:“Ông đã thấy và đã tin.” Ông đáng yêu và được Chúa yêu một phần là vì lòng tin đơn sơ và nhanh nhạy ấy. Tiếp tục đọc

26/12. Tái hiện sự tha thứ – 5 Phút Lời Chúa mỗi ngày.

Thứ Tư, Ngày 2 Tuần Bát Nhật Giáng Sinh – Cv 6,8-10; 7,54-60
Thánh Tê-pha-nô, Phó tế, Tử đạo tiên khởi

Họ ném đá Tê-pha-nô đang lúc ông cầu xin rằng: “Lạy Chúa Giê-su, xin nhận lấy hồn con.” Rồi ông quỳ xuống kêu lớn tiếng: “Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này.” Nói thế rồi, ông an nghỉ. (Cv 7,59-60)

.
Suy niệm
: Thánh Tê-pha-nô là phó tế và là vị tử đạo đầu tiên của Giáo hội. Hơn nữa, ngài chính là người chứng thứ nhất tái hiện sự tha thứ mà Chúa Giê-su đã thực hiện trên thánh giá. “Lấy ân trả oán” là phương châm hành động của thánh Tê-pha-nô. Không có cách trả thù nào cao quý hơn bằng yêu thương, tha thứ cho chính kẻ thù. Lấy bạo động để tiêu diệt bạo động, con người chỉ đổ thêm dầu vào ngọn lửa hận thù và kích thích thêm bạo động mà thôi. Chỉ có tình thương, chỉ có lòng tha thứ mới có thể tiêu diệt được hận thù. Tê-pha-nô đã làm như Chúa Giê-su đã làm: “Trên thập giá, Chúa đã tiêu diệt sự thù ghét” (Ep 2,16). Tiếp tục đọc

25/12. Thiên Chúa nói qua Thánh Tử – 5 Phút Lời Chúa mỗi ngày.

ĐẠI LỄ MỪNG CHÚA GIÁNG SINH – Ga 1,1-18

“Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta.” (Ga 1,14)

.
Suy niệm
: Để thông truyền cho người khác ý tưởng, tình cảm, ước muốn của mình, người ta thường dùng lời nói và những phương thế khác nhau để biểu đạt lời nói của mình. Để bày tỏ cho chúng ta biết ý định của Ngài, Thiên Chúa cũng dùng Lời của Ngài, là Ngôi Lời để “nói” với chúng ta. Qua Ngôi Lời ấy, Ngài mặc khải trọn vẹn những mầu nhiệm thâm sâu nhất của Thiên Chúa. Ngôi Lời vốn dĩ là Thiên Chúa, Đấng vô hình, nhưng đã trở nên hữu hình, hầu giúp nhân loại dễ tiếp cận, và nhờ đó có thể thấu hiểu những gì Thiên Chúa muốn tỏ ra. Ngài là hình ảnh hữu hình của Thiên Chúa vô hình (x. Cl 1,15); vì thế, sứ điệp Ngài truyền đi không chỉ qua lời nói, mà còn qua cả cách thế hiện diện. Ngài khẳng định: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14,9). Tiếp tục đọc

24/12. Ca ngợi Chúa là một hồng ân – 5 Phút Lời Chúa mỗi ngày.

Thứ Hai Tuần IV Mùa Vọng – Lc 1,67-79
Vọng lễ Chúa Giáng Sinh

“Bấy giờ, người cha của em, tức là ông Da-ca-ri-a, được đầy Thánh Thần, liền nói tiên tri.” (Lc 1,67)

.
Suy niệm: Được đầy ơn Chúa Thánh Thần, ông Da-ca-ri-a đã hát bài ca chúc tụng Thiên Chúa, loan báo rằng Con Thiên Chúa đến viếng thăm dân Người và mang ơn cứu độ cho họ. Với khả năng tự nhiên của con người, Da-ca-ri-a và cả chúng ta, không ai có thể cầu nguyện và chúc tụng Thiên Chúa được. Thư gửi tín hữu Rô-ma đã xác định với chúng ta điều đó:“Thần Khí giúp đỡ chúng ta là những kẻ yếu hèn, vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải; nhưng chính Thần Khí cầu thay nguyện giúp chúng ta, bằng những tiếng rên xiết khôn tả” (Rm 8,26). Bởi đó, được ca ngợi Thiên Chúa là một hồng ân. Tiếp tục đọc

23/12. Thăm viếng sẻ chia – 5 Phút Lời Chúa mỗi ngày.

Chúa Nhật Tuần IV Mùa Vọng Năm C – Lc 1,39-45

“Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người nói với em.” (Lc 1,45)

.
Suy niệm: Tại sao Mẹ lại vội vã đi thăm bà chị họ Ê-li-sa-bét? Bởi vì Mẹ tin lời sứ thần loan báo về việc thụ thai của người chị họ tuổi cao son sẻ, đến thăm để phục vụ bà. Quả thế, một khi đã tin vào Lời Chúa, Mẹ Ma-ri-a chấp nhận dám liều để cho Lời ấy thay đổi cuộc đời mình theo chương trình của Ngài. Dưới sự thúc đẩy của Lời ấy, Mẹ sẵn sàng lên đường mang Chúa đến cho người khác. Không lạ gì khi Mẹ đến với bà Ê-li-sa-bét, thì thai nhi Gio-an trong bụng bà nhảy mừng. Không nhảy mừng sao được vì thai nhi Gio-an được gặp thai nhi Giê-su cung lòng Mẹ, Đấng là ơn cứu độ của Thiên Chúa, là niềm vui cho toàn thể nhân loại? Tiếp tục đọc

22/12. Linh hồn tôi ngợi khen Chúa – 5 Phút Lời Chúa mỗi ngày.

Thứ Bảy Tuần III Mùa Vọng – Lc 1,39-45

“Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc.” (Lc 1,42)

.
Suy niệm
: “Ta bớt lo lắng khi biết ngợi khen nhiều hơn. Tạ ơn là kẻ thù của sự bất mãn và lòng bất bình” (H. Ironside). Bà Ê-li-sa-bét ca ngợi cô em họ Ma-ri-a có phúc hơn mọi người phụ nữ vì được Thiên Chúa chọn làm Mẹ Đấng Cứu Thế của nhân loại. Một vinh dự lớn, rất lớn mà bao người ước mong. Bà còn ca ngợi Đức Ma-ri-a vì dám liều, dấn thân vào cuộc phiêu lưu khi đặt niềm tin vào một lời Chúa hứa như vậy. Đang khi bà Ê-li-sa-bét ngợi khen Đức Ma-ri-a, thì Mẹ thì qui hướng về Thiên Chúa mà ngợi khen Ngài. Ngài là Đấng Cứu độ của Mẹ, mọi sự Mẹ có được là nhờ lòng yêu thương từ ái của Ngài. Mẹ chỉ là người nữ tỳ hèn mọn; vậy mà Chúa đã đổ tràn đầy ân sủng, làm cho Mẹ đẹp lòng Ngài, cho Mẹ được thụ thai Con Đấng Tối Cao. Tiếp tục đọc

21/12. Đức Maria được chúc phúc – 5 Phút Lời Chúa mỗi ngày.

Thứ Sáu Tuần III Mùa Vọng – Lc 1,39-45
Thánh Phê-rô Ca-ni-xi-ô, Linh mục, Tiến sĩ HT

“Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc.” (Lc 1,42)

.
Suy niệm
: Bà Ê-li-sa-bét ca ngợi Đức Ma-ri-a là người “được chúc phúc” hơn mọi phụ nữ là“vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em” (c. 45). Thế là quá rõ, Mẹ được chúc phúc chỉ vì Mẹ đã TIN. Tin là chiếc chìa khóa vạn năng mở ra kho tàng ơn cứu độ. Điều này được minh chứng không chỉ trong Tin Mừng hôm nay, mà trong rất nhiều lần khác nữa. Các sách Tin Mừng cho biết yêu cầu duy nhất để Chúa Giê-su thực hiện các phép lạ là vì người đến cầu xin cùng Ngài có lòng tin. Kinh nghiệm đức tin của Ê-li-sa-bét khi được ơn mang thai trong lúc tuổi già khiến bà cảm nghiệm được một ơn còn lạ lùng hơn nữa: Nhận ra mình được chúc phúc nơi người em họ của mình, Đức Ma-ri-a, nay chính là Mẹ Thiên Chúa:“Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này?” bởi vì Ma-ri-a đã tin vào Chúa qua lời thiên sứ để Con Thiên Chúa nhập thể nơi mình nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần. Lời chúc phúc thành hiện thực nhờ quyền năng của Chúa và lòng tin của con người. Tiếp tục đọc

20/12. Sống đẹp lòng Thiên Chúa – 5 Phút Lời Chúa mỗi ngày.

Thứ Năm Tuần III Mùa Vọng – Lc 1,26-38

“Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. Bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su.” (Lc 1,30)

.
Suy niệm
: Làm Mẹ Đấng Cứu Thế là ước mong của rất nhiều thiếu nữ Do-thái thời Chúa Giê-su. Tuy nhiên, mong ước ấy hầu hết lại phát xuất từ một động lực rất “tự nhiên” nếu không nói là “trần tục” khi xã hội đương thời vẫn quan niệm Đấng Cứu Thế của họ phải là một vị vua tái hiện thời hoàng kim của vua Đa-vít, đập tan ách thống trị của Rô-ma, làm bá chủ mọi dân nước. Chắc hẳn Đức Ma-ri-a không có tham vọng như thế khi Mẹ biết mình chỉ là một thôn nữ bình dị, nguyện sống khiết tịnh “không biết đến người nam”. Thế nhưng Thiên Chúa lại chọn những con người bé nhỏ để làm nên điều vĩ đại. Đức Ma-ri-a được tuyển chọn vào sứ mạng cao cả vì Mẹ “đạt chuẩn” của Thiên Chúa, và như lời sứ thần nói: vì Mẹ “đẹp lòng Thiên Chúa”. Tiếp tục đọc

19/12. Giá trị của thinh lặng – 5 Phút Lời Chúa mỗi ngày.

Thứ Tư Tuần III Mùa Vọng – Lc 1,5-25

Bà Ê-li-sa-bét vợ ông có thai, bà ẩn mình năm tháng. Bà tự nhủ: “Chúa đã làm cho tôi như thế đó, khi người thương cất nỗi hổ nhục tôi phải chịu trước mặt người đời.” (Lc 1,24-25)

.
Suy niệm
: Ông Da-ca-ri-a không thể đón nhận tin mừng có con cho vợ chồng ông trong lúc họ đã già mà lại son sẻ. Vì thế, Thiên Chúa đã cho Da-ca-ri-a phải sống trong thinh lặng để chiêm nghiệm tình yêu của Chúa qua quà tặng lớn lao là ban cho họ người con tên là Gio-an, tình yêu mà chỉ trong sự thinh lặng mới có thể hiểu và đón nhận. Thực vậy, trong sự ồn ào xao động, ông không thể biết được Thiên Chúa yêu thương gia đình ông dường nào, bởi Thiên Chúa chỉ nói rất rõ trong sự thinh lặng. Nếu trong thinh lặng người ta mới nghe được tiếng Chúa, thì sự “ẩn mình theo năm tháng” của vợ chồng Da-ca-ri-a đưa dẫn họ nhận biết Thiên Chúa đã thương cất nỗi hổ nhục của họ và họ được chạm đến lòng yêu thương rất kỳ diệu Ngài. Tiếp tục đọc

18/12. Truyền tin cho Giuse – 5 Phút Lời Chúa mỗi ngày.

Thứ Ba Tuần III Mùa Vọng – Mt 1,18-24

Giu-se đang toan tính như vậy thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: “Này ông Giu-se, là con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần.” (Mt 1,20)

.
Suy niệm
: Sự cố xảy đến cho Đức Ma-ri-a quả thật là vượt quá sức hiểu biết và lý giải của con người. Nhưng thái độ của thánh Giu-se thực sự là một mẫu gương cho chúng ta khi đứng trước mầu nhiệm. Giu-se “định tâm bỏ Ma-ri-a cách kín đáo” không phải vì nghi ngờ về đời sống thánh thiện của Đức Ma-ri-a mà ngài vì không hiểu được hoạt động của Thiên Chúa nơi bạn mình. Thái độ của Giu-se là tôn trọng bạn và tôn trọng thánh ý Chúa: rút lui để cho ý Chúa được tỏ hiện. Ngay cả khi được thiên thần báo mộng, thánh Giu-se cũng không nhận được một lời lý giải rõ ràng hơn, bởi vì ngài chỉ biết Đức Ma-ri-a thụ thai là do đâu (bởi quyền năng Chúa Thánh Thần) chứ không phải là thế nào. Mầu nhiệm vẫn nguyên vẹn là mầu nhiệm. Thái độ của thánh nhân lúc này là tin tưởng, phó thác và vâng phục: “Khi tỉnh giấc, ông Giu-se làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà”. Tiếp tục đọc

17/12. Con Thiên Chúa trong gia phả của con người – 5 Phút Lời Chúa mỗi ngày.

Thứ Hai Tuần III Mùa Vọng – Mt 1,1-17

Gia phả Đức Giê-su Ki-tô, con cháu vua Đa-vít, con cháu Áp-ra-ham. (Mt 1,1)

.
Suy niệm
: Trong cuộc vận động tranh cử tổng thống Hoa Kỳ hồi năm 2008, các ứng viên được dư luận săm soi kỹ lưỡng về tông chi họ hàng. Đặc biệt ông Obama, vị tổng thống da màu đầu tiên của Mỹ, gốc gác tổ tiên của ông ở Kenya thế nào đều được công khai trên các phương tiện truyền thông. Chúa Giê-su cũng được đưa ra “trình làng” như một người con trong đại gia đình nhân loại bằng một bản gia phả. Gia phả ấy không chỉ gồm ba, bốn thế hệ mà ngược lên đến tận tổ phụ Áp-ra-ham, cho thấy Chúa Giê-su là người kế tục và hoàn tất giao ước Thiên Chúa ký kết với con người qua Áp-ra-ham. Gia phả ấy kể lại Ngài thuộc dòng dõi hoàng gia, nhưng cũng không che dấu những vết nhơ. Điều đó có nghĩa là Ngài tự nhận mình là bà con thân thuộc với cả những tội nhân, để đền bù muôn tội lỗi và phục hồi quyền thừa kế chức vị tư tế hoàng vương cho toàn thể nhân loại là anh em của Ngài. Tiếp tục đọc

16/12. “Đổi đời” – 5 Phút Lời Chúa mỗi ngày.

Chúa Nhật Tuần III Mùa Vọng Năm C – Lc 3,10-18

Dân chúng lũ lượt đến xin ông Gio-an làm phép rửa, họ hỏi ông rằng: “Chúng tôi phải làm gì đây?” Ông trả lời: “Ai có hai áo, thì chia cho người không có; ai có gì ăn thì cũng làm như vậy.” (Lc 3,10-11)

.
Suy niệm
: Gio-an Tẩy Giả khi loan báo cho dân Ít-ra-en Đấng Cứu Thế sẽ đến thì đồng thời cũng kêu gọi họ sám hối. Gio-an không rao giảng một thứ sám hối chung chung nhưng hô hào mọi người biết nhìn nhận, hối hận tội đã phạm, và quyết tâm canh tân cuộc sống bằng hành động cụ thể. Đó là một cuộc “đổi đời” tận căn: thay vì tham lam, vơ vét của cải, dùng quyền lực để cưỡng đoạt, áp bức người khác, thì đối lại thực thi bác ái và công bình, liên đới và chia sẻ. Tiếp tục đọc

15/12. Ngài đến thật bé nhỏ – 5 Phút Lời Chúa mỗi ngày.

Thứ Bảy Tuần II Mùa Vọng – Mt 17,10-13

“Nhưng Thầy nói cho anh em biết: ông Ê-li-a đã đến rồi mà họ không nhận ra, lại còn xử với ông theo ý họ muốn. Con Người cũng sẽ phải đau khổ vì họ như thế.” (Mt 17,12)

.
Suy niệm
: Ngài đã đến rồi, sao người ta không nhận ra Ngài? Người Do Thái vẫn trông chờ Đấng Cứu Thế, và theo lời ngôn sứ (x. Ml 3,23) thì tiên tri Ê-li-a sẽ xuất hiện để dọn đường cho Ngài. Nhưng Chúa Giê-su cho biết họ đã hụt lỡ mất cơ hội ngàn năm ấy, bởi vì Ê-li-a đã đến, nhưng không phải trên “cỗ xe bằng lửa” (x. 2V 2,11) như họ vẫn tưởng. Nếu họ không nhận ra Ê-li-a đã đến nơi sứ mạng của Gio-an, người “mặc áo lông lạc đà, ăn châu chấu và mật ong rừng” thì họ cũng không thể nhận ra Đấng mà Gio-an giới thiệu: “Đây là Chiên Thiên Chúa, Đấng xoá bỏ tội trần gian” (Ga 1,29). Họ lại càng không nhận ra Đấng Cứu Thế khi Ngài đến như một con người thật bé nhỏ nghèo hèn. Cái chết vì sứ mạng của Gio-an cũng là lời tiên báo rằng Đấng Cứu Thế cũng sẽ chịu chung số phận như vậy: “Họ đã đối xử với ông theo ý họ muốn. Và Con Người cũng sẽ phải đau khổ vì họ như vậy.” Tiếp tục đọc

14/12. Nhiệt tình hưởng ứng – 5 Phút Lời Chúa mỗi ngày.

Thứ Sáu Tuần II Mùa Vọng – Mt 11,16-29
Thánh Gio-an Thánh Giá, Linh mục, Tiến sĩ HT

“Tụi tôi thổi sáo mà các anh không múa nhảy…” (Mt 11,17)

.
Suy niệm
: Qua hình ảnh mấy đứa trẻ ương ngạnh bắt người khác hưởng ứng trò chơi theo ý thích của mình, Chúa Giê-su ám chỉ dân Do thái “cứng đầu cứng cổ”, luôn khước từ ý Chúa nhưng lại bắt Chúa phải theo ý mình. Họ phê phán sự khắc khổ của Gio-an Tẩy Giả, họ lại chỉ trích lòng nhân hậu của Chúa Giê-su. Cách nào họ cũng không hài lòng, thật đúng như câu ca dao: “Ở sao cho vừa lòng người, ở rộng người cười, ở hẹp người chê”! Chúa dạy chúng ta không nản lòng trước những lời phê phán bất nhất, nhưng hãy làm chứng đức tin bằng hành động thiết thực. Tiếp tục đọc

13/12. Cao trọng trong Nước Trời – 5 Phút Lời Chúa mỗi ngày.

Thứ Năm Tuần II Mùa Vọng – Mt 11,11-15
Thánh Lu-xi-a, Trinh nữ, Tử đạo

Trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn Gio-an Tẩy Giả. Tuy nhiên, kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông.” (Mt 11,11)

.
Suy niệm
: Gio-an có nhiều lý do để được Chúa Giê-su ca ngợi là “chưa có ai cao trọng hơn ông”: – Gio-an đã nhận được ơn cứu độ ngay từ trong lòng mẹ (x. Lc 1,43-44); – ông là vị ngôn sứ duy nhất của Cựu Ước trực tiếp giới thiệu Đấng Cứu Thế cho dân Ít-ra-en; – hơn nữa, ông tự tay mình làm phép rửa cho Ngài tại sông Gio-đan. Thế nhưng chính Gio-an cho biết lịch sử đã sang trang khi Đức Ki-tô là “Đấng trổi vượt hơn tôi” và “tôi không đáng cởi quai dép cho Người” (x. Ga 1,15.27) xuất hiện. Điều làm cho “kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời” còn cao trọng hơn Gio-an là ông không được chứng kiến mầu nhiệm tình yêu cứu độ được mạc khải cách trọn vẹn khi Đức Ki-tô chịu chết trên thập giá. Tiếp tục đọc

12/12. Hiền lành và khiêm nhường – 5 Phút Lời Chúa mỗi ngày.

Thứ Tư Tuần II Mùa Vọng – Mt 11,28-30
Đức Mẹ Gua-đa-lu-pê

“Anh em hãy học với tôi, vì tôi hiền lành và khiêm nhường trong lòng.” (Mt 11,29)

.
Suy niệm: Lời Chúa nghe quen quen. Na ná những mẩu quảng cáo gia sư trên các tờ bướm người ta phát vội tại các cổng trường hay các ngã tư đèn đỏ. Cũng một thông điệp là: tôi là thầy đây, tôi muốn dạy học đây, bạn đến học với tôi đi! Ồ, nhưng thật ra khác lắm. Các gia sư giới thiệu mình ‘đáng tín nhiệm’ bằng cách kê ra những chứng chỉ, những bằng cấp, cả những chức danh dài ngoằng mà mình đã hay đang giữ. Còn Thầy Giê-su thì chỉ có cái này để ‘khoe’: “hiền lành và khiêm nhường”! Và một điều khác biệt nữa, thật căn bản: Thầy Giê-su không dạy các môn luyện thi như Toán, Lý, Hóa, Sinh, Ngoại Ngữ… cho học sinh. Thầy dạy môn SỐNG, môn LÀM NGƯỜI cho hết mọi người, nhất là cho những ai “đang vất vả mang gánh nặng nề”. Tiếp tục đọc