*Thương Huyền tuyển dịch
Nhà chúng tôi nằm đối diện cổng chính bệnh viện John Hopkins (bang Baltimore). Cả gia đình tôi sống ở tầng dưới, tầng trên dành cho bệnh nhân hoặc thân nhân của họ từ phương xa tới trọ trong lúc chờ nhập viện hoặc ra viện. Một tối mùa hạ, tôi đang nêm dở món súp thì nghe tiếng gõ cửa thật mạnh. Tôi đành bỏ đó ra mở cửa và trông thấy một người đàn ông tuổi đã cao, có thể đã làm ông nội ông ngoại, với bộ dạng thật quái dị. Ông ta cao chưa bằng đứa con trai lên 8 tuổi của tôi, lưng gù co quắp như con tôm luộc. Mặt và hai thái dương ông ta phủ đầy một thứ lông đỏ xoăn tít. Thế nhưng giọng nói mà tôi nghe thấy lại rất êm ái và nhã nhặn.
– Chào bà. Tôi tới làm phiền bà một chút. Liệu bà còn phòng trọ dành cho tôi đêm nay không? Chỉ đêm nay thôi. Tôi sống ở bên kia bờ vịnh. Sáng này tôi tới đây chữa bệnh nhưng bây giờ đã muộn, xe buýt không còn chạy nữa.
Nhìn vẻ mặt ngần ngừ của tôi, người đàn ông nhỏ thó vội phân trần rằng ông ta đã gõ cửa nhiều rồi nhưng ở đâu cũng trả lời hết phòng.
– Tôi đoán tại bộ dạng khủng khiếp của tôi. Nhưng bác sĩ bảo cứ kiên trì có thể thay đổi được phần nào. – Người đàn ông nói.
Đáng lẽ ra tôi đã từ chối nhưng câu nói sau chót của ông khiến tôi bất ngờ thay đổi quyết định.
– Tôi có thể xếp hai ba chiếc ghế lại hay ngủ ở trên bậc thềm cũng được. Tôi đi sớm lắm, chưa ai thức dậy để nhìn thấy tôi đâu.
– Thật tình tôi không còn phòng nhưng tôi sẽ kê cho ông một cái giường xốp ở ngoài hành lang.
Tôi nói với ông ta như vậy và vội quay trở về với món súp. Dọn bàn ăn ra, tôi mời người đàn ông nọ nhưng ông ta lễ phép từ chối, bảo rằng đã ăn ở đâu đó rồi. Tôi cũng không cố nài.
Dọn rửa xong buổi tối, tôi ra ngoài hành lang tính nói vài câu với người đàn ông nọ. Bỏ mặc ông ta coi kỳ quá. Thế nhưng qua câu chuyện tôi hiểu rằng trong cái thân hình xấu xí này ẩn chứa một trái tim vàng. Làm nghề buông câu, không vợ, không con (hẳn là phải như vậy rồi! – tôi thầm nhủ) nhưng ông ta tự lãnh lấy một gánh nặng. Gia đình hàng xóm của ông ta gồm hai vợ chồng trẻ và một đứa con gái lên 5 tuổi bị tai nạn giao thông. May mắn thoát chết nhưng hai người lớn bị liệt nặng phải đưa vào trại nuôi người tàn tật. Người đàn ông xấu xí này nhận nuôi đứa con gái. Ông đã sống gần hết đời người với bộ dạng như vậy đã quen đi rồi. Nhưng còn đứa con gái, ông không muốn nó buồn tủi với chúng bạn, thế nên ông hỏi thăm và dành tiền lên bệnh viện John Hopkins.
Câu chuyện khiến lòng tôi nao nao. Đến giờ đi ngủ, tôi mời ông lão vào phòng của bọn trẻ con. Ở đấy còn một chiếc võng xếp thường dùng đi cắm trại. Mờ sáng hôm sau khi tôi tỉnh giấc, ông lão đã ngồi ngoài hành lang, võng xếp gọn gàng. Ông từ chối bữa sáng tôi mời và đề nghị được trả tiền phòng. Tôi cũng đáp lại bằng lời từ chối. Trước khi ra bến xe buýt, ông cảm ơn tôi và nói thêm:
– Tôi xin bà được ghé lại đây nếu tôi phải lên bệnh viện nữa. Tôi không dám làm phiền bà nhiều quá đâu. Tôi ngủ trên thềm cũng được.
Ngưng một lát, ông ta nói tiếp:
– Lũ trẻ nhà bà làm tôi cảm thấy như đang ở nhà. Bà biết đấy, người lớn sợ tôi chứ con trẻ thì không nghĩ thế.
Tôi bảo ông ta có thể trọ miễn phí ở chỗ chúng tôi bất kỳ lúc nào.
Mấy ngày sau, ông lão xấu xí lại xuất hiện trước cửa nhà tôi với một giỏ sò thật bự, thật tươi. Vậy là ông lão đã phải ra biển từ nửa đêm, tôi đoán. Trong năm ấy, mỗi lần ông lão lên bệnh viện lại ghé chỗ chúng tôi. Lũ trẻ nhà tôi đâm ra thích ông lão lắm tài. Những người hàng xóm dần dà cũng biết chuyện.
Một bà bảo tôi:
– Chả hiểu sao chị lại chứa chấp của nửa người nửa thú ấy. Không sợ mất khách thuê phòng sao? Tôi đuổi lão ngay từ đầu cho tiện.
– Có thể tôi sẽ mất một vài người khách nhưng điều đó đâu có đáng ngại gì. Gia đình tôi tự hào được làm bạn với một tấm lòng nhân hậu, tốt bụng.
*
Nguồn: Con lớn nhanh bên cha mỗi ngày – Thương Huyền tuyển dịch