Một phút tầm phào – Anthony De Mello.

1329ok.

Lời giới thiệu của nhà xuất bản Loyola Press

Là tác phẩm cuối cùng của Cha Tony de Mello được xuất bản sau khi ngài qua đời. Một Phút Tầm Phào được giới thiệu trước hết ở Ấn Độ dưới hình thức một quyển duy nhất. Ban Tu Thư Đại Học Loyola chúng tôi quyết định chia quyểnsách thành hai tập:

_Một Phút Tầm Phào, là quyển sách đang nằm trên tay bạn.
_Thêm Một Phút Tầm Phào, sẽ được xuất bản nay mai.Đấy một phần bởi vì chúng tôi muốn kéo dài ngần nào có thể lời từ biệt của mình với Cha Tony de Mello, một con người – bằng tinh thần và bằng các câu chuyện hàm súc của ngài – đã đóng góp rất nhiều vào suy tư linh đạo hôm nay. Tiếp tục đọc

Advertisement

021. Một phút tầm phào – Anthony De Mello.

Một người vô thần nói: “Thưa Thầy, có thật có một Thiên Chúa?”

Thầy đáp: “Nếu anh muốn tôi hoàn toàn thành thực với anh,thì tôi sẽ không trả lời.”

Về sau, các đệ tử thắc mắc tại sao Thầy đã không trả lời.

“Bởi vì câu hỏi của anh ta là một câu hỏi không thể trả lời được.” Thầy nói.

“Vậy Thầy là một người vô thần?”

“Ồ không. Những người vô thần phạm sai lầm ở chỗ họ phủ nhận điều bất khả bàn tán.”

Ngừng một chốc lát, Thầy nói thêm: “Còn những người hữu thần thì phạm sai lầm ở chỗ họ xác nhận điều đó.”

023. Một phút tầm phào – Anthony De Mello.

Thầy trò đi ngang qua chỗ một ông mù ăn xin bên vệ đường.Thầy nói: “Hãy bố thí cho ông ấy.”

Đệ tử thả một đồng bạc vào chiếc nón của người ăn xin.

Thầy lại nói: “Sao không cúi đầu chào ông ta để tỏ sự kính trọng?”

“Tại sao, thưa Thầy?”

“Bạn cần tỏ ra kính trọng người ta khi bạn bố thí cho họ.”

“Nhưng ông ấy bị mù mà!”

“Ồ, rất có thể ông ta giả đò đấy chứ!”

011. Một phút tầm phào – Anthony De Mello.

Tại bữa tiệc, Thầy ngồi bên cạnh một nữ diễn viên. Thầy nghe chị say sưa tán chuyện tử vi với các thực khách xung quanh.

Thầy nghiêng người sang và nói: “Cô không tin vào khoa chiêm tinh, phải không?”

Dạ, thưa bác, cái gì cháu cũng tin chút chút.

014. Một phút tầm phào – Anthony De Mello.

Thầy kể chuyện một người phụ nữ khiếu nại với cảnh sát rằng chị bị cưỡng hiếp.

“Chị hãy mô tả gã đàn ông ấy” – viên cảnh sát nói.

“À, trước hết phải nói hắn là một tên khờ.”

“Chị nói gì? Một tên khờ à?”

“Vâng. Hắn chẳng biết chi cả, và tôi đã phải giúp hắn!”

Rồi, Thầy nói thêm: “Mỗi khi bạn bực mình về ai, hãy ngẫm xem bạn đã giúp người đó thế nào trong việc làm bạn bực mình.”

Mọi người nhìn Thầy, ngơ ngác. Thầy lại thêm: “Ai có thể làm bạn bực mình được, nếu bạn từ chối không bực mình.”

015. Một phút tầm phào – Anthony De Mello.

Người ta hỏi Thầy rằng nên sử dụng Thánh Kinh như thế nào. Thầy kể hồi còn là giáo viên ở trường, Thầy đã đặt cho các học sinh câu hỏi: “Bằng cách nào xác định được chiều cao của một tòa nhà với phương tiện là một phong vũ kế?”

Một học sinh nhanh trí trả lời: “Em sẽ hạ cột phong vũ kế xuống trên một sợi dây, rồi đo chiều dài của sợi dây ấy.”

“Thật khôn khéo, và cũng thật ngốc nghếch!” Thầy nhận xét.

Rồi Thầy thêm: “Đó cũng chính là sự khôn khéo và sự ngốc nghếch của những người sử dụng đầu óc của mình để hiểu Kinh Thánh. Thực vậy, dùng đầu óc để hiểu một buổi hoàng hôn, hay để hiểu một đại dương hùng vĩ, hay để hiểu tiếng gió đêm rì rào qua rặng cây.”

016. Một phút tầm phào – Anthony De Mello.

Thầy nói: “Người ta không muốn dứt bỏ lòng ghen tị, nỗi lo lắng, sự đắng cay và tâm trạng dằn vặt của mình, vì những xúc cảm tiêu cực ấy đem lại ‘thích thú’ cho họ, giúp họ cảm thấy rằng mình đang sống.”

Và Thầy minh họa bằng câu chuyện sau đây:

Người đưa thư nọ cưỡi xe đẹp đi đường tắt xuyên qua một sân cỏ. Nửa đường, một con bò đực phát hiện ra anh ta và nó hùng hục rượt đuổi. Suýt chút nữa anh ta bị tấn công vào hàng rào. Thật là một phen bán sống bán chết!

“Nó suýt húc được anh, phải không?” Thầy hỏi, sau khi đã quan sát từ đầu đến cuối sự việc.

“Vâng”, người đưa thư trả lời, “lần nào nó cũng suýt húc được tôi như thế.”

017. Một phút tầm phào – Anthony De Mello.

Thầy coi thường các ý nịêm, Thầy cho rằng các ý niệm đi ngược lại ‘sự-hiểu biết- phi-ý- niệm’. Một nhà khoa học đến gặp Thầy để phản đối điều ấy. Ông cho quan điểm của Thầy không phù hợp với khoa học.

Thầy gắng giải thích rằng Thầy vẫn ái mộ khoa học. Nhưng Thầy nói: “Sự hiểu biết của anh về vợ anh cần phải vượt quá sự hiểu biết có tính ý niệm của khoa học!”

Sau đó, nói chuyện với các đệ tử, Thầy càng dứt khoát hơn: “Các ý niệm nhắm định nghĩa mọi sự. Và định nghĩa là hủy diệt. Các ý niệm chia cắt Thực Tại. Và bạn cắt xén cái gì, bạn sẽ giết chết cái đó.”

“Như vậy các ý niệm hoàn toàn vô ích hở, thưa Thầy?”

“Không. Cắt xén một bông hồng, bạn sẽ có những thông tin có giá trị – chứ không phải sự hiểu biết – về bông hồng ấy. Một học giả sẽ có nhiều thông tin – chứ không phải sự hiểu biết – về Thực tại.”

018. Một phút tầm phào – Anthony De Mello.

Thầy cho rằng thế giới mà phần đông người ta nhìn thấy không phải là thế giới Thực Tại, song đó chỉ là thế giới do đầu óc của họ tạo ra.

Một học giả đến gặp Thầy để tranh cãi về điều này. Thầy đặt hai chiếc que xuống đất theo hình chữ T và hỏi: “Ông thấy gì ở đây?”

“Chữ T!” Học giả trả lời.

“Chữ T à?” – Thầy nói – “Trên đời này không có cái gì gọi là chữ T cả. Đó chỉ là một biểu tượng trong đầu ông thôi. Còn ở đây là hai cành cây gãy có dạng hai cái que. Thế thôi.”

019. Một phút tầm phào – Anthony De Mello.

“Khi bạn nói về Thực Tại.” Thầy tuyên bố, “đó là bạn đang cố gắng dùng ngôn từ để diễn tả Điều Không Thể Diễn Tả Được. Vì thế ngôn từ của bạn chắc chắn sẽ hiểu sai. Bởi đó những người đọc Thánh Kinh – sự diễn tả của Thực Tại – trở thành ngu đần và độc ác bởi vì họ không theo lương tri của họ mà là theo những gì họ nghĩ rằng Thánh Kinh nói.”

Thầy minh họa điều nói trên bằng ngụ ngôn sau đây:

Chàng trai nọ đến xin học nghề với bác thợ rèn của làng. Anh ta sẵn sàng làm việc tối đa với tiền công tối thiểu. Bác thợ rèn mau mắn bắt đầu chỉ dẫn chàng trai: “Nè, khi tôi gắp miếng sắt ra khỏi lò lửa, tôi sẽ đặt trên chiếc đe này; và khi anh thấy đầu tôi gật một cái, anh hãy đập búa vào đó.”

Chàng trai học nghề làm đúng như điều mà anh nghĩ rằng anh đã được bảo phải làm. Ngày hôm sau, anh ta trở thành người thợ rèn của làng.

001. Một phút tầm phào – Anthony De Mello.

Một đệ tử nói với một người mới đến tu viện:

“Tôi xin cảnh báo trước với anh rằng anh sẽ không hiểu một lời nào của Thầy nếu như anh không có một thái độ thích đáng.”

“Thế nào là thái độ thích đáng?”

“Đó là thái độ của một học sinh say mê học một ngoại ngữ. Những lời Thầy nói nghe có vẻ quen quen, nhưng hãy coi chừng; vì ý nghĩa của chúng hoàn toàn khác hẳn.”

002. Một phút tầm phào – Anthony De Mello.

Khi cần phải phê phán, Thầy không ngại phê phán.

Nhưng thật lạ là những lời phê phán của Thầy không bao giờ  bị người ta chống chế. Có người thắc mắc, và Thầy giải thích:

“Tất cả tùy ở cách mà bạn phê phán. Con người ta cũng giống như những bông hoa: chúng mở ra đón nhận những giọt sương rơi nhè nhẹ, nhưng đóng lại khi trời mưa xối xả.”

 

003. Một phút tầm phào – Anthony De Mello.

“Một cách để khám phá các khuyết điểm của mình” – Thầy nói – “đó là quan sát những gì nơi người khác làm bạn khó chịu.”

Thầy kể có lần vợ Thầy cất một hộp kẹo trên kệ nhà bếp. Chỉ một giờ sau, bà khám phá ra rằng hộp kẹo đã vơi đi rất nhiều. Toàn bộ lớp kẹo dưới đáy đã biến mất, và chúng nằm ngay ngắn trong một gói giấy được nhét trong túi xách của chị đầu bếp mới. Không muốn làm to chuyện, bà chỉ kín đáo thu hồi số kẹo ấy và trả về chỗ cũ của chúng trong hộp; nhưng lần này bà đặt chiếc hộp vào trong tủ chén để tránh gây cám dỗ.

Sau bữa cơm tối, chị đầu bếp bất thần tuyên bố sẽ nghỉ việc ngay tối hôm ấy.

“Nhưng tại sao? Tại sao cô quyết định như thế?” Thầy hỏi.

“Thưa ngài, tôi không làm việc cho những người ăn cắp trở lại cái mà mình đã bị ăn cắp.” Chị đầu bếp kiên quyết trả lời.

 

004. Một phút tầm phào – Anthony De Mello.

Hôm sau Thầy tiếp tục kể câu chuyện về một anh trộm đột nhập vào nhà nọ. Anh đang định dùng bộc phá cho nổ tung két sắt đựng tiền thì chợt nhìn thấy một mảnh giấy đính trên cửa két sắt với giòng chữ: XIN ĐỪNG DÙNG THUỐC NỔ. KÉT NÀY KHÔNG KHÓA. CHỈ CẦN XOAY NÚT CỬA!

Anh đưa tay vặn nút cửa, và ngay lập tức một bao cát rơi bịch trên đầu anh ta, đồng thời tất cả các đèn trong nhà bỗng bật sáng lên cùng với tiếng còi báo động ré inh ỏi, đánh thức mọi người trong lối xóm.

Khi Thầy ghé thăm anh ta trong nhà giam, anh cay đắng nói: “Từ này về sau, làm sao tôi có thể tin tưởng ai được nữa?”

 

005. Một phút tầm phào – Anthony De Mello.

Vị khách tình nguyện rửa chén bát sau bữa ăn tối. Thầy nói: “Anh có chắc là anh biết rửa chén bát không?”

Khách nhanh nhẩu nói rằng đây là công việc mình vẫn thường xuyên làm. Thầy nói: “Ồ, tôi không nghi ngờ cái khả năng làm sạch chén bát của anh. Tôi chỉ nghi ngờ cái khả năng rửa chén bát của anh thôi.”

Sau đó, Thầy giải thích với các đệ tử: “Có hai cách rửa chén. Một là rửa chén để làm cho chúng sạch. Hai là rửa chén để rửa chén.”

Đám đệ tử ngơ ngác, dường như không hiểu. Thầy nói thêm: “Hành động thứ nhất là chết, bởi vì trong khi thân thể bạn rửa chén thì tâm thần bạn bị dính chặt vào mục tiêu làm cho chúng sạch; còn hành động thứ hai là sống, bởi vì tâm thần bạn và thân thể bạn cùng ở một nơi.”

 

006. Một phút tầm phào – Anthony De Mello.

“Giác ngộ”- Thầy nói – “có nghĩa là bất cứ lúc nào bạn cũng biết chính xác mình đang ở đâu. Một điều không hề dễ dàng!”

Rồi Thầy kể về một ông bạn của Thầy tuy đã gần 90 tuổi nhưng rất được người ta mến mộ và mời mọc tham dự các đám tiệc của họ. Có lần, tại một buổi tiệc, có người hỏi ông ta tham dự bao nhiêu bữa tiệc nội trong buổi tối hôm ấy.

“Sáu đám” – ông ta vừa trả lời vừa dán chặt đôi mắt vàocuốn sổ tay.

“Cụ xem gì thế? Cụ kiểm tra thử sau đám này sẽ tới đám nào phải không?”

“Không” – ông trả lời – “Tôi kiểm tra để biết bây giờ tôi đang ở đâu.”