Bánh gai của mẹ (Ngọc Vân) – Truyện ngắn 100 chữ.

Mẹ, lặn lội từ quê lên phố thăm thằng Út trọ học. Giỏ bánh gai theo mẹ khệ nệ đường xa để con “ăn cho đỡ nhớ quê”. Con mừng qua quýt, chau mày thật khẽ. Mẹ đâu biết giờ con thích cà phê, thuốc lá hơn.

Mẹ về. Giỏ bánh vẫn buồn thiu nằm trong góc nhà. Sực nhớ, con quơ vội mang qua phòng thằng bạn đồng hương: “Ăn lấy thảo mày!”. Thằng bạn cảm động, rơm rớm: “Hồi mẹ tau còn sống cũng hay làm thức quà này cho tau…Mày sướng thật!”

Con, chợt bàng hoàng…Ngày xưa, ai đã từng ước suốt đời được ăn bánh gai của mẹ?

Ngọc Vân
(nguồn: nguyenngocvan1988.wordpress) Tiếp tục đọc

Advertisement

Bánh kem cháy – Quân Thiên Kim.

Sinh nhật bạn, không được mời, em buồn xo. Hôm sau tan học về, manh áo cũ sờn của em rách toạc, mặt rướm máu. Chị hỏi, em òa khóc nói bạn bè chọc em nghèo không có quà, không được ăn bánh kem. Xã nghèo, mấy ai được ăn bánh kem.

Chị nghỉ học lên thị trấn. Sinh nhật em, chị mang về một cái bánh nhỏ xíu có một bông hồng. “Của chị làm đấy, chị học làm bánh kem”. Em ăn ngon lành. Mắt chị ngấn lệ. Cái bánh cháy chủ bỏ, chị đã lén bắt bông hồng tặng em.

Quân Thiên Kim
(nguồn: Kiến thức ngày nay số 423)

Tiếp tục đọc

Bà (Minh Tân) – Truyện ngắn 100 chữ.

Ngày còn là nhân viên bình thường, dẫu xa nhưng bố vẫn thường xuyên về quê thăm bà. Ít nhất mỗi tháng một lần. Nay nghe bố được làm lãnh đạo một công ty, bà vui lắm nhưng suốt cả năm rồi, vẫn chưa thấy bố về với bà. Bà lại buồn, sức khỏe yếu dần đi.

Một hôm, nghe có người làng bảo nhìn thấy bố được phỏng vấn trên Truyền hình. Kể từ đó, lúc nào bà cũng mở ti-vi và thường xuyên ngồi bên để chăm chú xem. Bà mong được gặp bố.

Minh Tân
(nguồn: Kiến Thức Ngày Nay số 424) Tiếp tục đọc

Bản lĩnh (Chi Chi) – Truyện ngắn 100 chữ

Chị về thăm quê. Bà dì ruột khóc trên vai chị. Cô em họ suy sụp vì chuyện duyên nợ không thành.

– Sao nó có thể yếu đuối như thế? Cuộc đời còn bao nhiêu thứ để sống chứ đâu có mỗi chuyện ấy…
– Phải chi nó được học hành tử tế như con thì may ra nó còn nghĩ được như vậy, đằng này…

Chị chợt thấy xấu hổ. Hình như câu nói vừa rồi chị không dành cho cô em họ…

Chi Chi
(nguồn: Kiến thức ngày nay số 419)

Bão (Nga Miên) – Truyện ngắn 100 chữ

Sống ở miền đất biển, công việc của anh cũng gắn liền với tàu, sóng, khơi xa… Anh đi suốt, về nhà chẳng được bao ngày rồi lại ra khơi. Mỗi lần anh đi chị lại lo. Đài, tivi báo bão, đêm chị ngủ chẳng yên, chị sợ bão sẽ cuốn anh ra khỏi đời mình…

Cuộc sống có khá hơn, anh không đi biển nữa mà chỉ kinh doanh trên bờ. Anh đi sớm về trễ, có đêm vắng nhà, bảo vì công việc làm ăn, nghe đâu…

Không phải bão, nhưng anh vẫn bị cuốn xa dần. Sóng gió, bão trong lòng chị…

Nga Miên
(nguồn: Kiến thức ngày nay số 417)

Bếp quê – Nguyễn Tấn On

Thuở ở quê, đi học về thấy khói đùn trên từng nóc nhà xóm nhỏ.

Mẹ ngồi thổi lửa, đưa tay vần hủ dưa chua vào góc bếp, khói bay làm cay đôi mắt. Hỏi mẹ, mẹ nói để dành mưa dông chớp bể.

Cha gánh rạ ngoài đồng về chất thành cây. Hỏi cha, cha bảo: Để dành nhóm lửa cho ấm trời mùa đông. Mẹ qua đời, cha không còn, tôi lấy vợ, lên phố.

Mỗi khi mùa mưa dông về, tôi vẫn còn nghe mũi minh cay cay mùi khói bếp rơm đồng.

Nguyễn Tấn On
(nguồn: Kiến thức ngày nay số 442)

Bức thư không có thư – Nguyễn Doãn Sơn

Năm 1971, chiến tranh ác liệt. Tôi thành một binh nhì, khi chưa tròn 17 tuổi.

Mồng 3 tết, trực ban báo có khách. Thật sững sờ, khi thấy bố. Lặn lội hơn 100km, ăn xong bữa cơm chiều với con, ông lại tất tả ra ga cho kịp chuyến tàu đêm.

Sau tết, tôi nhận được một bức thư không có thư. Gửi từ ga Yên Viên. Có 2 đồng rưỡi và vài dòng viết vội trong bì. Đó là tiền lì xì cho tôi sau khi mua vé tàu về cơ quan của bố.

Nguyễn Doãn Sơn
(nguồn: Kiến thức ngày nay số 412)

Bữa cơm trưa – Nguyễn Thị Nga

Bữa cơm trưa

Hôm nay, khi đang ăn trưa ở một quán bình dân, tôi thấy một bác bán đồng hồ treo tường dạo, khoảng gần sáu mươi tuổi cũng ghé vào. Nhưng bác ấy chỉ gọi một ly trà đá, rồi lấy ra một bịch bốn năm củ khoai lang nhỏ ngồi ăn. Nhìn vẻ mặt khắc khổ và mệt nhọc của bác tôi thấy nao lòng.

Bất giác, tôi nghĩ đến ba tôi nay cũng đã gần sáu mươi. Vẫn với túi đồ nghề thợ hồ, ba lặn lội khắp nơi, chắt mót từng đồng gửi về cho tôi ăn học. Đã bao giờ tôi chợt hỏi đến bữa cơm trưa của ba…

Nguyễn Thị Nga
(nguồn: Kiến thức ngày nay số 408)

Bông điên điển (Nguyễn San) – Truyện ngắn 100 chữ.

Xưa, em sống ở quê. Mùa lũ, em ngâm mình mò củ ấu, hái bông điên điển. Tuổi mười lăm ngai ngái mùi bùn.

Em tìm về thành phố. Học đi, học nhảy, học liếc mắt cười tình. Tuổi thiếu nữ đôi mươi vành vạnh, thơm phức và kiêu hãnh.

Một bữa, em chạy ra từ trong khách sạn. Chiếc giày cao gót lật quai lăn tõm xuống cống đen ngòm để lộ đôi chân phèn tứa máu. Em khóc tức tưởi. Nước mắt ân hận làm trôi những thứ bôi trét giả tạo. Khuôn mặt lộ dần những nét quê xưa.

Em chợt nhớ những cánh hoa điên điển sắp tàn còn kịp ửng vàng trước lúc hoàng hôn.

Nguyễn San
(nguồn: Kiến Thức Ngày Nay số 408) Tiếp tục đọc

Bồi (Nguyễn Duy) – Truyện ngắn 100 chữ.

Ra trường. Thất nghiệp. Quẩn. Nó xin làm bồi cho một quán nghệ sĩ.

Muốn tạo cho quán một phong cách khác hẳn, ông chủ quy định phải gọi người thân và bạn bè của ông bằng “cậu”, “mợ”.

Ngày kia, ông dẫn về mấy người bạn, gọi nó lấy nước mời khách. Tay rót nước, miệng cười xã giao, nó nhanh nhẹn:
– Mời cậu, mời mợ… ! Chợt có tiếng gọi “T”.

Nó cố nhìn dưới ánh đèn mờ. Thì ra cô bạn cùng khóa.
Nó khựng người, chua chát. Cũng là cử nhân cả, mà sao… !

Nguyễn Duy
(nguồn: Kiến Thức Ngày Nay số 402) Tiếp tục đọc

Ba dòng (Nguyễn Đắc Chiến) – Truyện ngắn 100 chữ.

Làm việc trong một cơ sở từ thiện, thỉnh thoảng anh phải nhận xét những đứa trẻ sắp chuyển ra Lưu xá. Phần nhận xét luôn chừa một chỗ dành ghi “lý lịch” đứa trẻ. Đúng ba dòng. Bao giờ những dòng này cũng là những dòng buồn đau của kiếp người.

Ba dòng là quá dài để nhắc lại một nỗi đau.

Nguyễn Đắc Chiến
(nguồn: Kiến thức ngày nay số 400) Tiếp tục đọc

Bóng nắng, bóng râm – Nguyễn Thiên Ý

Bóng nắng, bóng râm

Con đê dài hun hút như cuộc đời. Ngày về thăm ngoại, trời chợt nắng, chợt râm. Mẹ bảo:
– Nhà ngoại ở cuối con đê.

Trên đê chỉ có mẹ, có con.

Lúc nắng, mẹ kéo tay con:
– Đi nhanh lên, kẻo nắng vỡ đầu ra.

Con cố.

Lúc râm, con đi chậm, mẹ mắng:
– Đang lúc mát trời, nhanh lên, kẻo nắng bây giờ.

Con ngỡ ngàng: sao nắng, râm đều phải vôi?

Trời vẫn nắng, vẫn râm…

… Mộ mẹ cỏ xanh, con mới hiểu: đời, lúc nào cũng phải nhanh lên.

Nguyễn Thiên Ý
(nguồn: Kiến thức ngày nay số 407)

Bà và cháu – Huyền Xuân

Bà và cháu

Cháu ở thành phố về quê thăm bà. Bà sai mần thịt ngay con vịt xiêm đang đẻ. Ăn cơm, bà gắp thịt cho cháu, cháu lại đặt vào chén bà. “Cháu chỉ thèm rau thôi”. Ai cũng cười.

Mấy năm sau cháu về, bà không còn nữa. Dì khóc: “Khi bà còn sống vẫn nhắc, thương cháu còn nhỏ mà hiếu thảo, nói thèm rau nhường thịt lại cho bà”. Cháu cúi mặt, bà đâu hiểu cháu không ăn vì quá ngán chứ nào biết nghĩ thương bà mà để dành đâu, bà ơi!

Huyền Xuân
(nguồn: Kiến thức ngày nay số 452)

Ba mẩu truyện – Ngô Quang Trung

Ba mẩu truyện

Nhà nghèo, em nó phải lên phố giúp việc cho người bà con xa. Biết anh mê truyện ngắn, em tìm đâu ít sách báo cũ gởi về. Nó ở nhà, ngoài việc đồng áng ra tối đến nó cũng tập tành viết lách.
Bài đầu, khi viết về mẹ nó, cha nó đọc được, nó thấy ông cảm đông lắm!
Bài thứ hai mẹ nó bảo hay – sao giống cha mày đến thế!
Truyện ngắn thứ ba được báo đăng – nó viết cho em. Tiền nhuận bút nó mua tặng ba, mẹ mỗi người một món quà. Riêng em, nó không dám gởi gì và chỉ sợ em đọc được bài báo đó?!…

Ngô Quang Trung
(nguồn: Kiến thức ngày nay số 475)

Bù – Lương Trọng Tuất

Anh dị tật đôi chân do sốt bại liệt từ nhỏ. Hồi ấy, có người trêu anh xấu trai sẽ ế vợ. Mẹ anh bênh con: “Xấu thì bù, nếu ai không gả đào mả hắn lên”…

Lớn lên, anh ngỏ lời yêu một cô gái, cô ta từ chối. Anh buồn. Một phần vì bị từ chối, nhưng buồn hơn vì mẹ không còn để bênh vực anh như hồi còn nhỏ.

Lương Trọng Tuất
(nguồn: Kiến thức ngày nay số 457)

Bà và cháu – Ngọc Diễm

Bà và cháu

Bà từ quê lên mang theo biết bao bánh trái dân dã cho đứa cháu nội, con bé thích thú vì lần đầu tiên được thưởng thức. Con dâu về mặt mày cau có bảo bà sao lại cho con bé ăn đồ không hợp vệ sinh. Con dâu đi làm, đứa cháu cứ lẽo đẽo theo bà hỏi mãi: “Bà ơi! Sao mẹ cháu lại không cho cháu ăn hở bà”.

Ngọc Diễm
(nguồn: Kiến thức ngày nay số 516)

Bánh tét – Nguyễn Minh Hiếu

Bánh tét

Tết. Thấy nhà bên gói bánh tét, mấy chị em đòi, mẹ bảo: “Năm sau nhà mình khá hơn… mẹ sẽ gói”.

Hơn mười lần Tết đến. Mẹ lại phải lặp lại điệp khúc “… năm sau”.

Nhiều năm sau. Anh thành đạt. Tết, mẹ bảo anh mua nếp về cho mẹ gói bánh. Anh nói: “Thôi, để con mua về cúng… “ Anh sợ mẹ cực, già rồi… Mà còn ai thèm bánh nữa đâu. Ba mất, hai chị đều có chồng xa…

Nguyễn Minh Hiếu
(nguồn: Kiến thức ngày số 519)

Bà và cháu – Hoàng Thị Khuyên

Bà và cháu

Rảnh việc, bà tranh thủ đến thăm cháu ngoại. Cả ngày bé quấn quít bên bà. Mới 4 tuổi nhưng bé đã có mọi thứ. Bà mừng cho cháu ngoại được đầy đủ, nhưng lại thương cháu nội thiếu thốn đủ bề…

Đang nhớ quê, bà bỗng giật mình:

– Bà ơi! Cháu muốn uống sữa.

Cầm vỏ hộp sữa thấy vẫn còn, bỏ thì phí nên bà cố uống cho hết.

Con bé tròn mắt nhìn ba ngây thơ:

– Cháu uống hết rồi, còn đâu mà bà uống?

Bà ngượng ngùng: “Vẫn còn một chút, cháu ạ!”.

Hoàng Thị Khuyên
(nguồn: Kiến thức ngày nay số 515)

Biển và những giấc mơ – Nguyễn Hữu Tình

Biển và những giấc mơ

Bố và con dạo biển. Bố chỉ tay về phía chân trời:
“Con còn trẻ, hãy như  sóng miệt mài… Bố già rồi, sẽ làm bờ cát cho con…”
Mắt bố dõi nhìn mặt biển xa xăm và gieo vào lòng con một giấc mơ.

Thời gian theo chân sóng. Con học giỏi. Lòng bố vui và một ước mơ…

Ngày giỗ mẹ, bố đau nặng. Con nhận tin thi trượt. Sợ người thêm đau, con nói dối.

Một tháng sau, bố khỏe lại với nụ cười rạng rỡ.

Con lại xa nhà…
Giấc mơ vẫn còn dang dở!

Nguyễn Hữu Tình
(nguồn: Kiến thức ngày nay số 650)

Bức tranh – Tăng Khắc Hiển

Bức tranh

Đêm. Dưới trời sương. Hai mẹ con nhìn trăng tròn treo trên những ngọn dừa và mái ngói ngủ yên. Người mẹ mơ có mái ấm. Đứa con ước với được vầng trăng.

Mười năm.

Đứa con đã chạm tới đỉnh cao và nghĩ về tổ ấm

Người mẹ một mình nhìn trăng qua lỗ hổng mái nhà. Vầng trăng khuyết đi một nửa…

Tăng Khắc Hiển
(nguồn: Kiến thức ngày nay số 379)