Cảnh ngộ – Truyện ngắn 100 chữ.
– Chú ơi! Mua vé số cho con đi chú. Làm ơn mua cho con một vé đi chú.
– Đưa coi! – Tiếng người đàn ông.
– Anh ơi! Mua tặng chị một hoa hồng đi anh.
Người đàn ông nhìn tấm vé số rồi nhìn cô bạn gái của mình.
Người đàn ông chọn hoa hồng.
Đêm thành phố nhộn nhạo những ánh đèn xanh đỏ. Thằng bé bán vé số lủi thủi bước đi, vai nó run lên, không biết vì nó lạnh hay vì một điều gì khác. Nó đang căm ghét con bé bán hoa. Nó đâu có biết rằng con bé bán hoa ấy cũng có một đứa em bán vé số và một người cha đang hấp hối.
Phạm Thị Kim Anh
(nguồn: Kiến Thức Ngày Nay)
Tiếp tục đọc
Tag Archives: tnc
Còn một chút hương – Lê Kim Thúy.
Thương nhau ở độ tuổi đôi mươi, xa nhau bởi gia đình và tự ái. Họ gặp nhau khi đã bạc mái đầu, nhưng cũng chỉ qua…giao lưu trực tuyến!
Bao lần ông xin gặp, bà cương quyết chối từ. Thương mẹ, lũ con động viên.
…Họ nhìn nhau lần đầu ở tuổi 80. Cảm xúc vẫn “phiêu linh” như thời tuổi trẻ.
Bà chợt cười hóm hỉnh: “Còn nói gì nữa? Bây giờ tui chỉ muốn nghe thôi…”
Hôm sau, bà có thêm…một chiếc radio.
Lê Kim Thúy
(nguồn: Kiến Thức Ngày Nay)
Cây hoàng lan – Nguyễn Chiến.
Anh chị yêu nhau từ hồi còn đi học. Họ cùng trồng cây hoàng lan bên góc vườn nhà anh với lời hứa khi nào cây trỗ hoa họ sẽ cưới nhau.
Cây hoàng lan trỗ hoa lần đầu thơm nức là lúc chị cùng gia đình sang nước ngoài. Thời gian rồi anh cũng lấy vợ…
Mấy đêm liền người ta thấy anh không ngủ, bần thần mãi dưới cây hoàng lan đang ôm một góc vườn toả hương dìu dịu.
Hôm sau, khoảng vườn của anh treo bảng “đất bán”. Khoảng vườn có cây hoàng lan!
Nguyễn Chiến
(nguồn: Kiến Thức Ngày Nay)
Cái mâm vuông – Huỳnh Vinh Phương.
Hồi xưa, nhà nghèo, một hôm ba mang về cái mâm vuông. Ba nói nhôm của công ty dư, thấy tiếc ba đem gò lại thành cái mâm hình vuông ngộ nghĩnh.
Bữa cơm gia đình không có nhiều thịt cá, nhưng cả nhà ngôi quây quần quanh cái mâm “đặc biệt”, nói cười vui vẻ.
Bây giờ, nhà đã khá hơn. Nhưng ba vắng nhà liên tục, bé Út đi học cả ngày. Bữa cơm, chỉ mình mẹ ngồi lặng lẽ nhìn cái mâm vuông bị vứt sau nhà.
Huỳnh Vinh Phương
(nguồn: Kiến Thức Ngày Nay)
Có bạn – Nguyễn San
Nhà ở nông thôn nhưng con cái đứa nào cũng công danh thành đạt. Đứa là bác sĩ, đứa là kỹ sư, thấp nhất cũng là cán bộ một ngành trên tỉnh. Chỉ có chàng Út an phận ruộng vườn, lo phụng dưỡng cha mẹ.
Ngày giỗ ông bà, xe cộ đậu kín sân. Chúng rôm rả ăn nhậu ở nhà trên. ba hãnh diện tới lui giới thiệu với bà con họ mạc. Tiệc giữa chừng chẳng thấy má đâu. Chúng nháo nhác đi tìm gặp má ở sau chái bếp. Nghe chúng cự nự, má cười móm mém: “Má ăn dưới này cho có bạn để vợ thằng Út nó buồn”.
Nguyễn San
(nguồn: Kiến thức ngày nay số 426)
Tiếp tục đọc
Cua rang muối – Đ.T
Khi xưa nhà còn nghèo, mẹ hay mua cua đồng giả làm cua rang muối. Cua đồng cứng nhưng mẹ khéo tay chiên dòn, đủ gia vị nên thật ngon. Thấy các con tranh nhau ăn, mẹ nhường. Các con hỏi, mẹ bảo: răng yếu. Giờ, các con đã lớn, nhà khá hơn, chúng mua cua biển gạch son về rang muối mời mẹ. Các con nói vui:
– Cua rang muối thật đó mẹ!
Rồi chúng ăn rất ngon. Riêng mẹ không hề gắp. Các con hỏi, mẹ cười móm mém:
– Còn răng đâu mà ăn?!
Đ.T
(nguồn: Kiến thức ngày nay số 422)
Tiếp tục đọc
Cái bóng – Hải Âu
Ông luôn phàn nàn về cuộc hôn nhân sắp đặt sẵn mà gia đình dành cho mình. Ông chê bà ít học, chẳng tương xứng với sự lịch lãm của ông. Mọi việc ông thường tự quyết, chẳng coi bà vào đâu. Bà tồn tại bên ông như cái bóng lặng lẽ trong cuộc sống chung có nhiều thăng trầm.
Một ngày, bà nhẹ bỏ ông sau một cơn bạo bệnh. Ông ra ngẩn vào ngơ như thể đang kiếm tìm. Nhà thiếu bà, ông mới thấy rõ những khoảng trống. Ông nhận ra sự lịch lãm cũng chẳng tạo nên được một gia đình nếu thiếu đi sự hy sinh, chịu đựng âm thầm của bà.
Hải Âu
(nguồn: Kiến thức ngày nay số 417)
Canh chua điên điển (Võ Thành An) – Truyện ngắn 100 chữ.
Mùa nước nổi cũng vào mùa bông điên điển. Chiều mẹ bảo ăn canh chua điên điển là chị cùng tôi bơi xuồng ra đồng hái bông. Vui lắm. Chị lấy chồng xa, phần tôi thi thoảng về thăm mẹ, mùa nước nổi cũng được mẹ nấu cho ăn canh chua điên điển, nhưng bông mua ở chợ. Nồi canh bây giờ không phải mẹ nấu không ngon nhưng ăn thấy thiếu thiếu…
Thiếu sự đầm ấm của những lần cùng chị bơi xuồng đi hái bông về để mẹ nấu canh chua cả nhà ăn cùng.
Võ Thành An
(nguồn: Kiến Thức Ngày Nay số 407) Tiếp tục đọc
Cây quạt – Lê Nguyễn Thục Quyên
Cây quạt
Ngày còn ở quê, cháu thích ngủ chung với Bà. Giường chật, nóng, nhưng có bàn tay và những câu chuyện cổ tích của Bà đem luồng gió mát vào giấc ngủ…
Bố mẹ đón Bà vào thành phố. Phòng rộng thênh thang, máy lạnh chạy rì rì, chẳng phải dùng đến quạt. Buồn, Gà gọi cháu cùng ngủ. Cháu nhăn mặt “Cháu không quen ngủ chung”.
Cây quạt của bà hóa ra thừa thải.
Lê Nguyễn Thục Quyên
(nguồn: Kiến thức ngày nay số 428)
Cảnh ngộ – Nguyên Vũ
Cảnh ngộ
Mới vào lớp đã có đứa thưa: – Bạn An mặc áo hở ngực. Lên bảng, thằng bé cứ cúi mặt lầm lì. Dưới lớp, tiếng một đứa khác: – Nhà nó nghèo lắm thấy ơi, má nó chết bỏ ba con nó “1 mình”. Cảm thấy nhói lòng, xưa cô cũng bỏ thấy đi – cô xây tổ ấm cùng 1 người giàu sang. Mỗi khi cắt tóc, khâu áo cho bé Huệ thầy phải loay hoay, chật vật cả ngày…
Nghẹn ngào nhìn An, thầy tiếng được tiếng mất:
– Thôi! Về chỗ đi con.
Nguyên Vũ
(nguồn: Kiến thức ngày nay số 438)
Con muốn – Thúy Bắc
Con muốn
Cu Tí, ngoài giờ học bán trú ở trường, buổi tối và Chủ nhật còn phải học thêm môn đàn, học vẽ, học tiếng Anh… Thằng Tèo nhà bên cạnh bố mất sớm, mẹ nó phải nuôi ba đứa nên Tèo phải nghỉ học. Hàng ngày mỗi khi nghe tiếng đàn của Tí, Tèo rón rén nép mình bên hàng rào dòm vô…
Nhìn thấy Tèo đứng đó, Tí mếu máo:
– Ba ơi, con muốn được như thằng Tèo!
Thúy Bắc
(nguồn: Kiến thức ngày nay số 353)
Con gấu – Trương Quang Vũ
Con gấu
Con gấu trèo lên cây, gặp khúc gỗ to treo dọc giữa thân cây cản đường. Gấu gạt ra, khúc gỗ lúc lắc đụng nhẹ vào gấu. Gấu nổi cáu vì mỗi khi gấu đẩy khúc gỗ nó lại đập vào mình gấu. Gấu liền giáng cho khúc gỗ một đòn mạnh mẽ. Khúc gỗ văng xa trở về nện cho gấu rơi từ trên cây xuống đất. Ở dưới đó có những cái chông của người thợ săn đang chờ gấu. Con gấu chết vì sức lực và sự nóng giận của chính nó.
Trương Quang Vũ
(nguồn: Kiến thức ngày nay số 489)
Cười – Huỳnh Ngọc Sao Ly
Cười…
Chị đẹp. Nét đẹp duyên dáng và nhí nhảnh. Nói. Cười. Bao người thầm thương…
Nhưng rồi… Tôi sững sờ khi nghe tin chị lấy chồng. Lấy chồng? Ở độ tuổi tròn trăng? Thật chị sao… Lúc nào? Sổ gọi tên ở lớp đánh dấu chị nghỉ phép 6 ngày. Lý do: Ốm. Chẳng lẽ…
Hai năm sau, tôi gặp chị, vẫn thế… Đẹp và nhí nhảnh. Nhìn chị, tôi biết chị hạnh phúc. Gương mặt rạng rỡ và đứa trẻ sắp chào đời. Chị sắp làm mẹ.
Tôi lại sững sờ. Không biết mình nên buồn… hay nên vui…
Huỳnh Ngọc Sao Ly
(nguồn: Kiến thức ngày nay số 476)
Cần thiết – T.T
Cần thiết
Ngày cô theo gia đình định cư ở nước ngoài, thầy buồn nhiều vì cảm thấy trống vắng, cô đơn. Nhiều năm trôi qua, thầy vẫn ngày hai buổi ăn cơm tiệm, một mình một bóng đi về. Đã bao lần cô gợi ý đón thầy sang, nhưng thầy nhất quyết từ chối. Cuộc đời thầy gắn bó với trường lớp đã bao năm, làm sao nỡ dứt bỏ.
Một lần điện thoại về thăm, cô dè dặt hỏi: “Anh có cần gì cứ nói, em sẽ gởi về liền”. Cười buồn, thầy ôn tồn đáp: “Anh chỉ cần em”.
T.T
(nguồn: Kiến thức ngày nay sô 402)
Cưng – Võ Thành An
Cưng
Từ nhỏ cho đến lớn, chị cứ hay gọi em trai là cưng.
Bận bịu suốt, chị em ở xa ít có dịp gần nhau. Bẵng một thời gian, lần gặp, chị tóc muối tiêu, em trai thì không còn trẻ nữa. Níu tay chị hỏi: “Dạo này cưng khỏe không? Có nhà chưa…?”.
Mừng mừng, tủi tủi. Cứ nghĩ chị quên rồi tiếng cưng xưa.
Võ Thành An
(nguồn: Kiến thức ngày nay số 475)
Cây khế – Hoàng Lan
Cây khế
Em tôi theo chồng định cư ở nước ngoài. Cuộc mưu sinh vất vả khiến đã lâu em không về lại quê xưa. Hôm rồi, em thư về: “… Con gửi ít tiền để ba má nâng nền nhà chống lụt! Nhưng xin đừng chặt cây khế ngoài sân. Con đã kể chuyện cổ tích “Ăn khế trả vàng” cho bọn trẻ nghe, và chúng rất muốn biết cây khế trông như thế nào…”. Xem thư, cả nhà vừa cảm đeoọng, vừa bối rối… Qua mấy mùa nước ngập, cây khế không chịu nổi đã chết năm rồi.
Chiều qua, ba tôi khệ nệ mang về một cây khế con. Hy vọng đến lúc các cháu về thì cây đã lớn.
Hoàng Lan
(nguồn: Kiến thức ngày nay số 391)
Cảm thông – Nguyễn Thị Kim Dung
Cảm thông
Chị buôn bán tảo tần để nuôi chồng ốm liệt giường và đàn con nhỏ dại. Nghe lời xúi bậy của kẻ xấu, chị vay vốn buôn bán lớn để rồi trắng tay. Chị trở lại buôn bán nhỏ. Cả gia đình người anh họ xa rất thích mua hàng của chị, kể cả dâu, rể.
Sau này, thỉnh thoảng chị nhờ con chở đi thăm họ. Một hôm, bất chợt chị thấy trong kho toàn bộ những vật dụng mà chị bán ngày xưa được chất đống ở một xó. Chị chợt nghĩ, thì ra ngày xưa, họ không cần những thứ ấy! Nước mắt chị ứa ra vì cảm động.
Nguyễn Thị Kim Dung
(nguồn: Kiến thức ngày nay số 519)
Cây của mẹ – Thông
Cây của mẹ
Khi còn sống, mẹ trồng một cây đu đủ trước hiên nhà. Nhà ở thành phố chỉ có một chút đất phía trước để trồng cây cảnh, anh thầm trách mẹ lẩn thẩn.
Ngày mẹ mất, cây đu đủ ra trái bói, anh hái một trái đặt lên bàn thờ. Trái đu đủ chín, mấy đứa nhỏ bổ ra ăn khen ngọt. Trên bàn thờ, đôi mắt mẹ như đang hấp háy cười hiền dịu trong làn hương khói. Cầm miếng đu đủ con đưa, anh quay đầu lén chùi nước mắt, trong lòng vẫn gọi thầm: Mẹ ơi!
Thông
(nguồn: Kiến thức ngày nay số 520)
Cây trầu – N.V.H
Cây trầu
Nội thích ăn trầu lắm, nhà xa chợ, mẹ mua nhiều để nội ăn dành. Có nhiều hôm để lâu trầu héo, nội vẫn ăn. Ba thương lắm!
Ba đi xa, xin được nhánh trầu về trồng sau nhà. Ba chăm sóc hằng ngày. Những chồi non mọc lên, ba vui, nội cũng vui lắm.
Ngày nay trầu đã xanh um. Nội chưa được ăn. Nhưng nội đâu còn nữa.
Nhìn những lá trầu non xanh trên bàn thờ, ba nghèn nghẹn.
N.V.H
(nguồn: Kiến thức ngày nay số 387)
Cây cau già – Tiên Minh
Cây cau trong vườn bằng tuổi mẹ tôi, khẳng khiu đến tội. những dây trầu quấn quanh thân giữ lại; nếu không, chắc nó ngã lâu rồi.
Nội kể, hồi đó cau rẻ rề, bỏ thì uổng, nên nội ăn trầu sớm lắm, rồi nghiện vị ngọt chát của quả cau nhà… Khách xem vườn để mua. Nội chỉ tiếc cây cau. Mẹ bảo: “Ngoài chợ thiếu gì”.
Nhớ hồi tôi còn nhỏ, có lần thiếu vở học, nội bán mấy buồng cau và nhịn gần hai tháng. Còn lần này, chắc nội bỏ ăn trầu luôn.
Tiên Minh
(nguồn: Kiến thức ngày nay số 405)