Chị Hà (Lê Kim Thúy) – Truyện ngắn 100 chữ.

Chị rất thích những bông hoa ngày 11 tháng 4. Mỗi lần vừa nhận được hoa, chị hôn mẹ và đặt vào tay bà: “Người ta bận tâm nhiều cho ngày sinh nhật mà quên đi, dù chỉ một bông hoa dành tặng mẹ mình. Tụi nhỏ vừa tặng hoa cho má nó, còn con thì tặng lại cho má của con…”.

… Chị vẫn nhận được mỗi năm, những bông hoa xinh đẹp của con mình. Có điều, những bông hoa không còn vui vẻ mà bình hoa đã lặng lẽ trước bình hương. Sinh nhật đã đổi ngày!

Lê Kim Thúy
(nguồn: Kiến Thức Ngày Nay số 430)
Tiếp tục đọc

Advertisement

Cho và nhận (Ngọc Chi) – Truyện ngắn 100 chữ.

Chị yêu anh nồng nàn và đằm thắm. Như bao người con gái khác, chị cũng muốn được đón đưa, quan tâm chăm sóc. Nhưng vì anh quá bận rộn, việc gì chị cũng giành làm, tự nhủ sau này mọi thứ sẽ tốt hơn…

Lâu dần thành quen. Giờ, anh rảnh rỗi hơn còn chị thì bắt đầu se lòng khi thấy người ta đưa đón nhau…

Ngọc Chi
(nguồn: Kiến Thức Ngày Nay số 430)
Tiếp tục đọc

Chị lấy chồng (Nguyễn Vĩnh Nguyên) – Truyện ngắn 100 chữ

Chị bảo chị sắp lấy chồng. Em sửng sốt: “Em không tin!”. “Nhóc nghĩ chị “ế” vậy sao?”. “Nhưng… “.

Tháng tám, chị lấy chồng thật. Cầm thiệp cưới trong tay, tôi hơi choáng. Phone sang, chị bảo:
– Nhóc bảo chị làm sao, con gái có thời…
– Nhưng chị không yêu…
…Chị lặng im. Cúp máy.

Ngày cưới, chị khóc nhiều. Còn tôi say khướt vì nỗi buồn phải xa chị. Chỉ có chú rể Việt kiều là người vui vẻ. Bởi, mới về quê vài tuần đã lấy được cô vợ trẻ, đẹp – và nhỏ hơn mình đến hơn hai giáp.

Nguyễn Vĩnh Nguyên
(nguồn: Kiến thức ngày nay số 420)

Chiếc giường (10 Tạ) – Truyện ngắn 100 chữ

Nhà không lấy gì làm khá giả. Hai chị em phải ngủ chung một gường. Năm tháng trôi dần, chiếc giường như càng nhỏ lại. Đêm hè, nóng nực em trăn trở, khó ngủ. Em ao ước được như nhà nhỏ H, nhỏ D. Gia đình tụi nó giàu, đứa nào cũng có phòng riêng. Giường rộng, nằm giang hai tay cũng không hết.

Rồi chị lên xe hoa về nhà chồng. Đêm đầu tiên em ngủ một mình. Chiếc giường bây giờ rộng, thoải mái. Nhưng em vẫn trằn trọc khó ngủ…

10 TẠ
(nguồn: Kiến thức ngày nay số 419)

Chia tay – Nguyên Khang

Một năm trước hai đứa nói chia tay. Miệng thì nói thế mà nhất cử nhất động gì của nhau cũng biết. Có khi điện thoại reo lên: “Alô, em ơi! Anh xỉn quá!” Hay như chuyện bất ngờ: “Ạnh ơi! Xe em mất tiêu rồi!”

Rồi một ngày điện thoại cũng reo lên: “Em ơi! Anh có người khác rồi. Cô ấy tội nhgieepj lắm!”. Em như người bước hụt chân. Như mất đi một phần cơ thể. Sáu năm trời bên nhau, vui buồn lẫn lộn. Sáu năm có anh. Những tháng ngày tới em biết gọi ai?

Nguyên Khang
(nguồn: Kiến thức ngày nay số 442)

Chìm và nổi… – Lan Hài

Tiếng chim líu lo lay tôi dậy một cách dịu dàng. Vườn nhà bác hưu trí bên cạnh có hai cô chích chòe, một chú họa mi và một chàng khứu… nhưng cũng đủ để tạo nên một dàn hợp xướng tuyệt vời… Tiếng chim như những nốt nhạc, nổi lên trên nền ban mai tĩnh lặng mượt mà…

Chả bù những hôm phường phát loa truyền thanh. Tiếng loa chát chúa, đánh thức mọi người dậy một cách sỗ sàng… Những hôm ấy, chim vẫn hót, nhưng tiếng hót của chim chìm nghỉm giữa rừng âm thanh the thé vô hồn…

Lan Hài
(nguồn: Kiến thức ngày nay số 412)

Chữ Phúc – Huỳnh Thanh Vân

Chữ Phúc

Ngọc là cháu nuôi, nghịch phá từ nhỏ, ưa gây hấn, đánh lộn với bạn bè và trẻ con hàng xóm. Ngọc làm phiền cả nhà, cả lớp. Bà và cô kiên nhẫn dạy Ngọc điều tốt.
học xong lớp 12, Ngọc bỏ nhà đi “bụi”. Ngày Ngọc đi, cô thấy trên bàn viết của mình có chữ PHÚC mạ nhủ vàng; Ngọc nắn nót cắt từ tờ bìa của bloc lịch dán trên lớp, như quà tặng, rất đẹp.
Từ ấy, mỗi ngày, ngồi vào bàn trước khi soạn bài cô đều tĩnh tâm cầu chúc cho Ngọc được PHÚC trong cuộc đời.

Huỳnh Thanh Vân
(nguồn: Kiến thức ngày nay số 493)

Cha tôi – Nguyễn Hỷ

Cha tôi

Thằng Cu Út, con tôi bướng bỉnh và nghịch ngợm. Nó được ông nội rất cừng và nuông chiều. Tôi thường nhắc với vợ: “Không nên đánh nó trước mặt ông”.
Một hôm ông tâm sự với vợ chồng tôi:
“Mấy con phải đánh cho nó sợ, kẻo sau này nó hư đấy”.
Chiều hôm sau, nó lại nghịch, vợ tôi quất cho nó một trận. Ông chẳng nói một lời bỏ đi ngủ sớm. Hình như ông giận.

Nguyễn Hỷ
(nguồn: Kiến thức ngày nay số 441)

Chờ – Lê Nguyễn Thục Quyên

Chờ

Ngày nhận học bổng du học nước ngoài, anh nắm tay cô “Em chờ anh về nhé… “ thay cho lời tỏ tình. Cô ngoan ngoãn gật đầu.

Năm năm trôi qua, bạn bè cùng khóa lập gia đình gần hết, những lá thư của anh ngày càng thưa dần…

Anh về nước, dắt theo một cô gái xuân sắc, trẻ trung. Gặp cô, anh vồn vã “Em vẫn chưa lấy chồng à? Sao kén thế… “.

Lê Nguyễn Thục Quyên
(nguồn: Kiến thức ngày nay số 438)

Chiều xưa – Trần Ninh Bình

Chiều xưa

Hôm đó, ngồi cùng nhau bên bờ suối, cầm lấy bàn tay nàng trong tay, anh vẫn không sao thốt ra được lời anh muốn nói. Hai bàn tay đều run nhẹ. Xúc cảm dâng đầy trái tim… Nàng khẽ thở dài khi bóng tối dần lấn chiếm ánh hoàng hôn.

Chiều nay, trở về chốn xưa, đến phiên anh thở dài. Chỉ có mỗi mình anh trong bóng chiều bảng lảng. Hôm trước hỏi thăm một người quen, nghe nói nàng đã đi lấy chồng, một người ở rất xa…

Trần Ninh Bình
(nguồn: Kiến thức ngày nay số 407)

Chị em sinh đôi – Phong Nga

Chị em sinh đôi

Em ngông nghênh như một đứa con trai, cứng đầu bướng bỉnh khó có ai chịu nổi. Thế mà em lại yếu mềm mỗi khi nghĩ đến anh. Lần đầu gặp, ánh mắt, nụ cười, cả cái dáng cao gầy ấy đã theo em vào giấc mơ.

Nhưng người anh chọn lại là  chị, tóc dài như suối và ngoan hiền như một con nai tơ.

Ngày mai cưới chị, sem sẽ là phụ dâu. Hai chị em giống nhau như hai giọt nước, món đồ gì cũng đều chia đôi cho cả em và chị, thế sao vị trí hạnh phúc nhất trong ngày trọng đại ấy lại chỉ riêng cho mình chị, sao không phải là em?

Phong Nga
(nguồn: Kiến thức ngày nay số 407)

Chèng ơi! – Võ Thành An

Chèng ơi!

Cháu học ở thành phố, lần về thăm quê đem theo cả cô người yêu cùng về. Ngoại mừng ra mặt, lo lắng từ chỗ ngủ, bữa ăn sao cho đứa cháu thật sự vui lòng.

Ở quê câu chữ khó diễn đạt, một tiếng ngoại cũng chèng ơi, hai tiếng cũng chèng ơi… Đứa cháu tỏ vẻ không bằng lòng, kéo ngoại ra hè bảo ngoại đừng nói câu ấy nữa, nghe… quê lắm. Ngoại cười hiu hắt và từ đó ngoại ít nói hơn. Nhớ thuở nhỏ mỗi khi cháu ngã té đau, biếng ăn một chút là ngoại kêu lên hai tiếng: Chèng ơi!

Kêu riết thành quen.

Võ Thành An
(nguồn: Kiến thức ngày nay số 452)

Chị – Hán Hùng Đạt

Chị

Mẹ than: “Mày không thương tao. Đi đi, về về bày năm rồi. Ít gì?”

Chị cúi đầu, tay vẫn bóp nhẹ nhẹ đôi chân gầy guộc của Mẹ…

Bảy năm đi làm cô giáo ở cái xứ nghèo xơ xác, chị không nỡ bỏ. Tiền thù lao chị đem mua sách vở, bút mực cho lũ trẻ. Mấy đứa trẻ đen đủi đất bùn. Có lần chị mượn tiền Mẹ lo đám tang cho một đứa học trò xấu số bị lún bùn khi đang mò cua ngoài đồng. Chị khóc cả tuần…

Anh lo cho chị chỗ làm ở Sài Gòn. Chị lắc đầu: “Em không nỡ… “. Bảy năm. Anh chờ chị một cái gật đầu. “Không nỡ… “ hoài sao?

Hán Hùng Đạt
(nguồn: Kiến thức ngày nay số 392)

Tiếp tục đọc

Chị và em – Kim Ngân

Chị & Em

Em đậu đại học. Một cuộc sống mới bắt đầu ở thành thị. Chị tiếp tục quãng đời “Buôn quang bán gánh”

Mỗi lần về quê thăm, chị luôn trầm trồ khen em ngày một “trắng da dài tóc”. Còn em xót xa nhìn chị gầy và đen hơn, Nhưng sao nụ cười của chị vẫn hồn nhiên, rạng rỡ… Khi đi, chị dúi vào tay em mỗi lần một nhiều hơn. Em bâng khuâng, nước mắt lưng tròng…

Cuộc sống mới lại cuốn em vào vòng xoáy. Em có những niềm vui mới, những cuộc chơi mới. Nỗi bâng khuâng thoáng chốc vụt tan ra…

Kim Ngân
(nguồn: Kiến thức ngày nay số 353)

Chuyện cũ – B.P.M

Chuyện cũ
(Tặng những ai còn trên bục giảng)

Ngày 20-11, tôi gặp lại một học trò cũ, em kể:

–         Hồi học với cô, mẹ em bị bệnh nan y, em phải lo cho 6 em nhỏ, đêm đi học, ngày đi làm, chiều nào cũng “chạy” đến trường, có nhiều hôm phải mực áo lót còn ướt, lạnh mà vẫn mong gió nhiều, muộn mà vẫn muốn đường dài, để đến lớp áo kịp khô…

Nhớ những lúc bị tôi nêu tên trước lớp vì “quá lười”, em chỉ cúi đầu, nước mắt rơi lã chã xuống bàn… Lòng tôi tràn đầy hối hận. Tôi muốn hỏi: – “Sao ngày xưa em không nói?”. Nhưng tôi chợt nhớ: ngày xưa tôi chưa bao giờ hỏi…

B.P.M
(nguồn: Kiến thức ngày nay số 342)

Cha và con – Nguyễn Mạnh Bích Ngọc

Cha & Con

Hắn hục hặc với cha từ thuở nhỏ. Ông từ bỏ hắn từ khi hắn bắt đầu nghiện ngập, thề không bao giờ thèm đoái hoài đến hắn nữa. Trong những lần tù tội, chỏ có mẹ hắn lụi đụi đi thăm. Lần trốn trại vừa rồi, hắn càng thêm căm thù cha khi mẹ đang nuôi giấu hắn thì ông ta đi tố cáo công an để hắn bị bắt lại.

Có đợt thăm nuôi, người ta gọi tên hắn. Bàng hoàng, hắn nhận ra người đến thăm là cha hắn, một người đàn ông có gương mặt khắc khổ và tóc lốm đốm nhiều sợi bạc. Cha hắn nói: “Mẹ mày đau, tao đi thế đây. Gắng cải tạo tốt để về sớm nhé… “

Nguyễn Mạnh Bích Ngọc
(nguồn: Kiến thức ngày nay số 334)

Chuyện đời – Tăng Khắc Hiển

Ở nhà, mẹ bảo tôi kèm thằng em. Mẹ cho thêm tiền.

Nó lười. Tôi quát:

– Mày học hành như thế hả, nghỉ quách đi!

Nó khóc.

Tôi đi dạy kèm, bé Mi. Tôi bảo:

– Con làm sai nữa
Mi thích làm thế. Nó trả lời giật giọng.

Tôi nín lặng. Thấy tội cho thằng em. Tôi nghĩ tiền mẹ dễ lấy hơn tiền người.

Tăng Khắc Hiển
(nguồn: Kiến thức ngày nay số 330)

Chuyện gia đình – Thạnh Hoan

Tôi có để cho mẹ anh thiếu thứ gì mà bà phải đi xin ăn làm xấu mặt tôi.

– Anh xin em, để anh khuyên mẹ.

Thằng bé chui sâu vào cầu thang, nó gọi:

– Bà ơi, cháu để cho bà phần ăn sáng của cháu, bà ăn xong ra uống nước nhé. Cháu đi học đây!

– Con nhớ khóa cửa đừng để bà ra ngoài, mẹ biết lại mắng nhe!

Chị sập cửa xe, nói với tài xế:

– Kệ nhà họ, tôi mời anh đi ăn tiệm.

– Bà lẩm nhẩm “Cháu tôi lại quên lời mời trước bữa ăn:.

Thức ăn còn nguyên.

Thạnh Hoan
(nguồn: Kiến thức ngày nay số 520)

Chuyện về một quả thận – Lê Nguyễn

Chị đau thạn nặng, không còn tiền chạy chữa, anh tự nguyện san sẻ cho chị một quả thận của mình. Hai năm sau, cuộc tình của họ không thành, chị lấy chồng xa xứ, vẫn thường viết thư về thăm tôi, kể lại rằng mỗi lần nghe vùng thận nhói đau, chị biết là anh đang nhớ đến chị. Anh đi biền biệt lâu rồi, tôi không gặp nữa, nhưng tôi tin điều chị nói là có thật.

Lê Nguyễn
(nguồn: Kiến thức ngày nay số 457)

Chuyện bèo mây – Sấu Lang

Một người từ phía Tây trùng điệp núi non về tỉnh lỵ để học.

Thầy được mời, giảng dạy theo phong cách chính quy nên lắm trò ngơ ngác, trừ “cô học trò xứ Đoài” rất đỗi thông minh làm ngạc nhiên thầy.

Thỉnh thoảng họ cùng ngồi bên chén trà.

Tàn khóa học, ngẫu nhiên thầy trò cùng về trên con đường ven thôn vắng, vàng nắng chiều tháng chạp.

– Chào thầy, em về.

– Em về ăn Tết vui nghe!

Bóng cô học trò nhòa dần trong màu xanh cách biệt, nẻo về hun hút xa xôi.

Gió mang đi một tiếng thở dài!

Sấu Lang
(nguồn: Kiến thức ngày nay số 518)