Cảnh ngộ – Truyện ngắn 100 chữ.
– Chú ơi! Mua vé số cho con đi chú. Làm ơn mua cho con một vé đi chú.
– Đưa coi! – Tiếng người đàn ông.
– Anh ơi! Mua tặng chị một hoa hồng đi anh.
Người đàn ông nhìn tấm vé số rồi nhìn cô bạn gái của mình.
Người đàn ông chọn hoa hồng.
Đêm thành phố nhộn nhạo những ánh đèn xanh đỏ. Thằng bé bán vé số lủi thủi bước đi, vai nó run lên, không biết vì nó lạnh hay vì một điều gì khác. Nó đang căm ghét con bé bán hoa. Nó đâu có biết rằng con bé bán hoa ấy cũng có một đứa em bán vé số và một người cha đang hấp hối.
Phạm Thị Kim Anh
(nguồn: Kiến Thức Ngày Nay)
Tiếp tục đọc
Tag Archives: tncm
Dì ghẻ – Nguyễn Thị Kim Anh.
Dì ghẻ – Truyện ngắn 100 chữ.
Chị lấy chồng. Chưa kịp có con thì chồng mất. Ba năm sau chị đi bước nữa. Người chồng mới góa vợ, có hai con nhỏ. Yêu chồng, yêu luôn cả con chồng. Chị quyết định không sinh con để lo cho gia đình. Lớn lên, người con trai có vợ. Sau tuần trăng mật anh ta về nhà. Chị vui mừng ra đón. Chưa đến phòng khách, chị nghe tiếng cô con gái:
– Còn xấp vải hoa?
– Cho mẹ.
– Hoài của! Em lấy nốt, nào phải mẹ mình.
Chị càng buốt tim hơn khi người con trai yên lặng.
Nguyễn Thị Kim Anh
(nguồn: Kiến Thức Ngày Nay)
Tiếp tục đọc
Mùa thi – Võ Thành An.
Mùa Thi
Năm tôi thi tốt nghiệp, bấy giờ gọi tú tài, ba đạp xe hơn chục cây số đón tôi ở trường thi cốt đề hỏi: “Con làm bài tốt không?” Sợ ba nhọc lòng tôi nói: “Ba ở ngoài này, có khi con lại lo, không làm bài được”.
Võ Thành An
(nguồn: Kiến Thức Ngày Nay)
Mùa cá bông lau – Võ Thành An.
Quê tôi ở ngã ba sông Vàm Nao, nơi nổi tiếng có nhiều cá bông lau. Dầu vậy, giá cá ở đây cũng không phải rẻ. Đến mùa, thỉnh thoảng má mua một khứa cá nhỏ nấu nồi canh chua để cả nhà cùng ăn. Thường anh chị em tôi nhường phần cá cho má. Má nói cá tanh, thích rau hơn.
Tôi thấy má tôi bối rối. Giờ tôi mới hiểu là vì sao má bảo không thích ăn cá.
(nguồn: Kiến Thức Ngày Nay)
Tiếp tục đọc
Ngày sinh nhật đầu tiên và cuối cùng – Diệu An.
Chưa đến ngày sinh nhật, còn đến khoảng hai, ba tháng, vợ đã lo nghĩ đến sinh nhật của chồng, con. Rồi chồng lo sinh nhật của vợ con, và con lo ngày mừng tuổi cho ba mẹ. Duy chỉ một người, không ai lo đến – ông nội già yếu. Và cho đến một ngày – ngày ông nội mất.
Vậy là cả con, dâu, cháu, chắt phải đi tìm ngày sinh cha ông trong chứng minh nhân dân đề làm bia mộ cho ông.
Út – Nguyễn Hoàng Long.
Chị ba thôi học, anh hai đi phụ hồ, có út là được đi học. Nhà nghèo, thương anh chị, nó dặn lòng học tốt, mai làm có tiền, nó nuôi lại ước mơ làm hoạ sĩ, giáo viên của anh và chị.
Thời gian trôi. Út vào đại học, rồi ra trường. Tháng lương đầu, nó chạy một mạch về, xẻ đôi số tiền vào lòng bàn tay anh chị. Bỗng nó bàng hoàng, vì đôi tay chai sần, biến dạng của anh và cặp kính dầy trên mắt chị, vì những mũi kim thêu nên cuộc đời của nó.
Nguyễn Hoàng Long
(nguồn: Kiến Thức Ngày Nay)
Mẹ! – Diệp Quốc Việt.
Nhà chỉ có một đứa con gái. Mẹ cưng như trứng mỏng. Lo từng miếng ăn giấc ngủ. Khuya không ngủ được, mẹ lui cui dưới bếp làm việc thật nhẹ, thật khẽ, sợ con thức giấc.
Vậy mà con gái cũng nhăn nhó vì những tiếng động, khẽ khàng đó.
Rồi con gái có chồng xa, giấc ngủ nào cũng mơ về những vườn cây, ngọn cỏ. Những miếng dưa mắm cong queo và những cái hột mít luộc nóng hổi, bùi bùi…
Rạng sáng, chồng lục đục chuẩn bị đi làm. Trong giấc ngủ mơ màng, con gái tưởng mình đang nằm ở nhà và nghe lại âm thanh quen thuộc. Giật mình gọi: Mẹ!
Ngoài trời, tuyết rơi dày đặc, vì mùa đông đang về…
Diệp Quốc Việt
(nguồn: Kiến Thức Ngày Nay)
Tiếp tục đọc
Bánh kem cháy – Quân Thiên Kim.
Sinh nhật bạn, không được mời, em buồn xo. Hôm sau tan học về, manh áo cũ sờn của em rách toạc, mặt rướm máu. Chị hỏi, em òa khóc nói bạn bè chọc em nghèo không có quà, không được ăn bánh kem. Xã nghèo, mấy ai được ăn bánh kem.
Chị nghỉ học lên thị trấn. Sinh nhật em, chị mang về một cái bánh nhỏ xíu có một bông hồng. “Của chị làm đấy, chị học làm bánh kem”. Em ăn ngon lành. Mắt chị ngấn lệ. Cái bánh cháy chủ bỏ, chị đã lén bắt bông hồng tặng em.
Quân Thiên Kim
(nguồn: Kiến thức ngày nay số 423)
Chị Hà (Lê Kim Thúy) – Truyện ngắn 100 chữ.
Chị rất thích những bông hoa ngày 11 tháng 4. Mỗi lần vừa nhận được hoa, chị hôn mẹ và đặt vào tay bà: “Người ta bận tâm nhiều cho ngày sinh nhật mà quên đi, dù chỉ một bông hoa dành tặng mẹ mình. Tụi nhỏ vừa tặng hoa cho má nó, còn con thì tặng lại cho má của con…”.
… Chị vẫn nhận được mỗi năm, những bông hoa xinh đẹp của con mình. Có điều, những bông hoa không còn vui vẻ mà bình hoa đã lặng lẽ trước bình hương. Sinh nhật đã đổi ngày!
Lê Kim Thúy
(nguồn: Kiến Thức Ngày Nay số 430)
Tiếp tục đọc
Có bạn – Nguyễn San
Nhà ở nông thôn nhưng con cái đứa nào cũng công danh thành đạt. Đứa là bác sĩ, đứa là kỹ sư, thấp nhất cũng là cán bộ một ngành trên tỉnh. Chỉ có chàng Út an phận ruộng vườn, lo phụng dưỡng cha mẹ.
Ngày giỗ ông bà, xe cộ đậu kín sân. Chúng rôm rả ăn nhậu ở nhà trên. ba hãnh diện tới lui giới thiệu với bà con họ mạc. Tiệc giữa chừng chẳng thấy má đâu. Chúng nháo nhác đi tìm gặp má ở sau chái bếp. Nghe chúng cự nự, má cười móm mém: “Má ăn dưới này cho có bạn để vợ thằng Út nó buồn”.
Nguyễn San
(nguồn: Kiến thức ngày nay số 426)
Tiếp tục đọc
Lòng Mẹ (Hải Âu) – Truyện ngắn 100 chữ.
Nhà nghèo, chạy vạy mãi mới được suất hợp tác lao động. Thanh coi đó như cách duy nhất để giúp đỡ gia đình. Nhưng ảo mộng chóng tan. Xứ người chẳng phải là thiên đường. Thanh chỉ còn biết làm quần quật và dành dụm từng đồng. Để nhà khỏi buồn, trong thư Thanh tô vẽ về một cuộc sống chỉ có ở trong mơ.
Ngày về, mọi người mừng rỡ nhận quà. Thanh tiếp tục nói về cuộc sống trong mơ.
Đêm. Chỉ còn Mẹ. Hết nắn tay, nắn chân Thanh rồi mẹ lại sụt sùi. Thanh nghẹn ngào khi nghe mẹ nói: “Dối mẹ làm gì! Giơ xương thế kia thì làm sao mà sung sướng được hở con!”.
Hải Âu
(Nguồn: Kiến Thức Ngày Nay số 430) Tiếp tục đọc
Mắm ruốc (Nguyên Vũ) – Truyện ngắn 100 chữ.
Hồi ở quê, mùa mưa bão nước ngập trắng đồng. Dù đường sá đi lại khó khăn nhưng mẹ vẫn ngày hai buổi chạy chợ để anh em tôi có được cái ăn. Chiều sẫm, bên nồi cơm bốc khói, mắm ruốc thơm lừng, cả nhà quây quần, không khí vô cùng ấm áp dù bên ngoài tiết trời đang đông.
Giờ. Có nhà thành phố. Vợ con đuề huề. Mắm ruốc được vợ đánh hột vịt kho chung thịt mà chẳng thấy ngon. Phải chăng thiếu mùa đông lạnh giá? Thiếu cái chặc lưỡi của cu Phong? Hay vắng bóng mẹ tất tả dưới mưa, băng lũ vượt đồng của mẹ?
Nguyên Vũ
(nguồn: Kiến Thức Ngày Nay số 423)
Lòng mẹ – Trần Thị Xuân Vũ
Lòng mẹ
Nhà có ba chị em, toàn con gái. Mọi người bảo: con gái là con người ta. Mẹ lại cười: “Mai mốt mẹ gả khắp Bắc Trung Nam luôn”.
Hôm đi học xa về thăm nhà, chị Hai nói với mẹ: chị có bạn trai rồi, anh ấy ở tận Phú Yên. Mẹ phản ứng: “Mẹ không tán thành đâu, về cái nơi hay bão lụt ấy làm sao về thăm mẹ được”.
Đêm đến, mẹ thủ thỉ bên tôi: “Mẹ muốn các con luôn ở trong vòng tay mẹ dù sau này có chồng con, mẹ vẫn mong luôn bên cạnh tụi con”.
Tôi thấy có cái gì nghèn nghẹn ở cổ.
Trần Thị Xuân Vũ
(nguồn: Kiến thức ngày nay số 428)
Cha tôi – Nguyễn Hỷ
Cha tôi
Thằng Cu Út, con tôi bướng bỉnh và nghịch ngợm. Nó được ông nội rất cừng và nuông chiều. Tôi thường nhắc với vợ: “Không nên đánh nó trước mặt ông”.
Một hôm ông tâm sự với vợ chồng tôi:
“Mấy con phải đánh cho nó sợ, kẻo sau này nó hư đấy”.
Chiều hôm sau, nó lại nghịch, vợ tôi quất cho nó một trận. Ông chẳng nói một lời bỏ đi ngủ sớm. Hình như ông giận.
Nguyễn Hỷ
(nguồn: Kiến thức ngày nay số 441)
Quà cho mẹ – Phạm Thị Kim Anh
Quà cho mẹ
Lúc còn nhỏ mỗi lần thấy mẹ đi chợ về là cô lại lao ra lục giỏ để tìm cái bánh hay gói phỏng ngô. Và mẹ chẳng bao giờ làm cho cô thất vọng cả.
Lớn lên, cô lập gia đình và có hai đứa con. Mẹ cô bây giờ đã già đi, suốt ngày bà quanh quẩn bên lũ trẻ. Mỗi lúc đi chợ về cô cũng hay mua quà cho con, nhưng chẳng bao giờ quan tâm đến mẹ. Cô không hiểu rằng những lúc ấy mẹ cô cũng thấy buồn và tủi thân.
Ngày mẹ ốm nặng phải đưa vào bệnh viện, cô mua nào là cam, nào là bánh nhưng mẹ chẳng thể nào ăn được nữa cho đến ngày mẹ ra đi mãi mãi.
Phạm Thị Kim Anh
(nguồn: Kiến thức ngày nay số 441)
Tình nghĩa – Bùi Quang Cảnh
Tình nghĩa
Ba tôi có cuôc sống cầu toàn, nghiêm khắc và rất phong kiến. Mẹ tôi, nhẫn nhục, cố chịu đựng sống bên cạnh ba tôi gần 40 năm. Đã có lần không còn chịu nổi phải bồng con về ngoại. Được mấy ngày, lại nhớ, lại thương bồng con trở về.
Ngày ba mất, mẹ rất đau buồn, bữa ăn nào cũng sắp một chén không, một đôi đũa. Thỉnh thoảng, gắp bỏ thức ăn vào chén không: “Mời ông nó xơi!”. Nói xong bà lại khóc. Mấy tháng sau, bà mất.
Bùi Quang Cảnh
(nguồn: Kiến thức ngày nay số 438)
Gia đình – Đoàn Thị Diễm Tuyết
Gia đình
Mấy năm trước, cháu được một tuổi rưỡi, nói bập bẹ, mới biết đi. Bà vỗ tay mừng cháu. Mẹ cười hạnh phúc.
Hai năm sau, cháu đã vào lớp một. Bà bị tai biến mạch máu não, nằm liệt giường, không nói được. Nụ cười hiếm thấy trên khuôn mặt mẹ.
Sau nhiều tháng điều trị, bà bỗng nói được, rồi bà chống gậy tập đi. Bà đi được, cháu vỗ tay mừng bà. Mắt đẫm lệ, mẹ cười.
Đoàn Thị Diễm Tuyết
(nguồn: Kiến thức ngày nay số 353)
Trước sau – Mây Xanh
Trước sau…
Trước, ở nhà tập thể, căn phòng hẹp tí chỉ đủ kê chiếc giường, cái bàn. Ba chạy xe đạp ôm. Mẹ ở nhà chăm sóc con. Con còn nhỏ hay khóc đòi quà. Ba mẹ vỗ về, con nín. Cả nhà cùng cười.
Sau, ba nghỉ chạy, vào làm trong một xí nghiệp. Mẹ phụ việc cho nhà người bà con. Rồi ba mẹ xây nhà mới khang trang hơn. Cả ba và mẹ đều bị cuốn mình vào công việc. Con lớn không còn khóc vòi vĩnh và thường được ba mẹ mua quà cho. Nhưng cả nhà ít khi cười cùng nhau.
Mây Xanh
(nguồn: Kiến thức ngày nay số 404)
Nước mắt – Nguyễn Vĩnh Nguyên
Nước mắt
Ông mất. Nhà rộng. Bà sống hằng ngày lặng lẽ như chiếc bong. Mỗi sáng, trước khi dâu con đi làm, bao giờ bà cũng dặn chúng đón ảnh của ông và lư hương xuống đặt ở thành giường vì bàn thờ cao quá. Con trai lầu bầu. CÒn con dâu bĩu môi.
Bà lặng im…
Hôm bà mất, đứa con trai dời ảnh của ông bà lên bệ thờ cao, nó phát hiện ra cát trong lư hương đã vón cục. Tuyệt nhiên, không có chân nhang nào.
Nguyễn Vĩnh Nguyên
(Kiến thức ngày nay số 404)
Nghề của mẹ – Võ Thành An
Nghề của mẹ
Mẹ tôi làm nghề bán cá. Mùa nước nổi mẹ bán cá linh. Cá linh đưa lên bờ mau chết dễ sình, nên xuống bến mua cá xong mẹ phải chạy rao bán khắp xóm.
Có lần mẹ đội thau cá đứng trước cổng trường tiểu học nơi tôi học, ở ngoài rào mẹ ngoắt tôi đến cốt đưa cho gói xôi, cái bánh…
Mấy năm học xa, tôi không cho ai biết mẹ làm nghề bán cá.
Nay về, giữa mênh mông đồng nước quê mình, tự thấy như chưa bao giờ tròn chữ hiếu cùng mẹ.
Võ Thành An
(nguồn: Kiến thức ngày số 404)