Kiếp sau (Thanh Lam) – Truyện ngắn 100 chữ

Cãi nhau kịch liệt, người vợ nức nở: – Ông không thương tôi, ông không lo lắng gì con cái.

Ứa nước mắt, người chồng nói: – Không thương bà, sao có được 4 mặt con. Đứa lớn gần 40, đứa út đã 30. Không lo cho con, mà chúng sống được. Không đứa nào hư cả.

Người vợ còn sụt sùi: – Kiếp sau tôi không lấy ông đâu!

Người chồng (giọng kiên quyết): – Được đầu thai lên, tôi cũng cứ tìm bà. Làm gì kiếm được một người như bà.

Tối, họ đưa nhau đi xem phim: “Anh vẫn yêu em”.

Thanh Lam
(nguồn: Kiến thức ngày nay số 430)

Advertisement

Khoe (Thạnh Hoan) – Truyện ngắn 100 chữ.

Ngày xưa, khi có ai hỏi con “Bố bạn làm nghề gì?”, bố thấy con không vui và không bao giờ chịu trả lời là bố làm nghề thợ hồ. Bố cố gắng làm nhiều hơn để nuôi con ăn học sau này có được một nghề mà mọi người nể trọng trong xã hội.

Con thành đạt và lấy chồng, mỗi lần khách đến chơi nhà câu đầu tiên bố thường nghe con khoe “Nhà em làm luật sư nên lúc nào cũng bận”. Bố buồn, chỉ ao ước được một lần nghe con khoe về nghề của bố.

Thạnh Hoan
(nguồn: Kiến Thức Ngày Nay số 423) Tiếp tục đọc

Khắc khẩu (Ngọc Chi) – Truyện ngắn 100 chữ

Chị em nó vốn khắc khẩu, nói vài ba câu là đã gây. Thêm nữa, nó cứ xưng “tớ”, gọi chị là “cậu”. là “đằng ấy”. Bị má mắng, nó cười hì hì: “”Em” sửa hổng được”.

Ngày chị nó lấy chồng, nó khóc huh u như bị đòn oan. Chị nó tròn mắt: “Sao vậy? Khóc mừng hả?!”. Nó khóc to hơn: “Đằng ấy đi lấy chồng rồi mai mốt ai cãi nhau với tớ!”.

Ngọc Chi
(nguồn: Kiến thức ngày nay số 425)

Khóc – Lê Văn Diệp

Khóc

Ngày xưa, chiến tranh loạn lạc, ngày bà nội mất ba không về quê phục tang được, cả ngày ba nằm im nhìn chằm chằm lên trần nhà, mắt ráo hoảnh!

Ngày ba mất, nhìn má ngất lịm, con mới hiểu vì sao ngày ấy ba không khóc.

Lê Văn Diệp
(nguồn: Kiến thức ngày nay số 518)

Không thể quên – Phạm Phương Nga

Không thể quên

Không phải bây giờ anh mới biết chị không chịu được mùi mắm tôm. Từ hồi còn học đại học, hễ vào bữa là chị lại nhăn mặt. Trông điệu bộ chị anh lại thấy vui vui. Anh cũng không thể bỏ món ăn khoái khẩu này. Hôm nay, ngồi nhìn mâm cơm mà nước mắt anh cứ ứa ra. Không còn hình ảnh chị với cái mũi nhỏ xinh nhăn nhăn nhìn anh như vừa trách vừa yêu. Trên bàn thờ là tấm ảnh chị với nụ cười rạng rỡ. Trong căn nhà trống vắng, mùi nhang trầm quyện lẫn với hương mắm tôm đậm đà mà anh không thể quên…

Phạm Phương Nga
(nguồn: Kiến thức ngày nay số 409)

Không Cha – Lê Ngọc Hân

Cha mất, mẹ lấy chồng bỏ Tý sống côi cút với nội.

Năm học lớp tám, ông bệnh nặng, phút cuối đời dặn Tý: “Con không cha như nhà không nóc, con hãy ráng học đặng sau nhờ cái thân”. Thương nhớ ông Tý khóc nhiều.

Xong tang lễ, bác về ở chung nhà lo hương khói.

Hôm có người dạm mua bộ ghế gõ ông ngồi uống trà ngày xưa giá cao, bác đồng ý. Tý cản. Bác lớn tiếng: “Tao có dỡ nhà bán cũng không ai làm gì”.

Đêm Tý khóc tủi phận mình không cha.

Lê Ngọc Hân
(nguồn: Kiến thức ngày nay số 328)