Má và các con – Lan Vi.

Truyện ngắn 100 chữ – Kiến Thức Ngày Nay.

Hiền và Hòa là anh em sinh đôi, cùng học một lớp. Đang học lớp 9, Hiền xung phong đi bộ đội, chiến đấu ở biên giới Tây Nam. Sau khi xuất ngũ, Hiền trở về quê làm ruộng. Hòa được đi học nước ngoài, tốt nghiệp về công tác trong ngành hải quan. Khi mua dược nhà ở thành phố, Hải ngỏ ý đón má lên ở cùng. Má nói: ”Má ở với thằng Hiền, nó đau yếu luôn, có gì má còn phụ đỡ nó”.

Lan Vi
(Nguồn: Kiến Thức Ngày Nay)
Tiếp tục đọc

Advertisement

Mùa thi – Võ Thành An.

Mùa Thi

Năm tôi thi tốt nghiệp, bấy giờ gọi tú tài, ba đạp xe hơn chục cây số đón tôi ở trường thi cốt đề hỏi: “Con làm bài tốt không?” Sợ ba nhọc lòng tôi nói: “Ba ở ngoài này, có khi con lại lo, không làm bài được”.

Buổi thi cuối, ra cổng không thấy ba, hỏi chú Bảy còi: “Ba con có đến không?” Chú đưa tay chỉ cây bàng phía xa mươi mét bảo: “Ổng ở đằng kia, tao biểu đến ổng không chịu”.

Võ Thành An
(nguồn: Kiến Thức Ngày Nay)

Tiếp tục đọc

Mùa cá bông lau – Võ Thành An.

Quê tôi ở ngã ba sông Vàm Nao, nơi nổi tiếng có nhiều cá bông lau. Dầu vậy, giá cá ở đây cũng không phải rẻ. Đến mùa, thỉnh thoảng má mua một khứa cá nhỏ nấu nồi canh chua để cả nhà cùng ăn. Thường anh chị em tôi nhường phần cá cho má. Má nói cá tanh, thích rau hơn.

Cậu ở thành phố xuống đòi ăn canh chua cá bông lau má nấu. Cậu chạy mua con cá to. Đến bữa không thấy má gắp cá. Cậu bảo: “Hồi xưa chị thích nhất món cá này?”

Tôi thấy má tôi bối rối. Giờ tôi mới hiểu là vì sao má bảo không thích ăn cá.

(nguồn: Kiến Thức Ngày Nay)
Tiếp tục đọc

Mẹ! – Diệp Quốc Việt.

Nhà chỉ có một đứa con gái. Mẹ cưng như trứng mỏng. Lo từng miếng ăn giấc ngủ. Khuya không ngủ được, mẹ lui cui dưới bếp làm việc thật nhẹ, thật khẽ, sợ con thức giấc.

Vậy mà con gái cũng nhăn nhó vì những tiếng động, khẽ khàng đó.

Rồi con gái có chồng xa, giấc ngủ nào cũng mơ về những vườn cây, ngọn cỏ. Những miếng dưa mắm cong queo và những cái hột mít luộc nóng hổi, bùi bùi…

Rạng sáng, chồng lục đục chuẩn bị đi làm. Trong giấc ngủ mơ màng, con gái tưởng mình đang nằm ở nhà và nghe lại âm thanh quen thuộc. Giật mình gọi: Mẹ!

Ngoài trời, tuyết rơi dày đặc, vì mùa đông đang về…

Diệp Quốc Việt
(nguồn: Kiến Thức Ngày Nay)
Tiếp tục đọc

Mắm ruốc (Nguyên Vũ) – Truyện ngắn 100 chữ.

Hồi ở quê, mùa mưa bão nước ngập trắng đồng. Dù đường sá đi lại khó khăn nhưng mẹ vẫn ngày hai buổi chạy chợ để anh em tôi có được cái ăn. Chiều sẫm, bên nồi cơm bốc khói, mắm ruốc thơm lừng, cả nhà quây quần, không khí vô cùng ấm áp dù bên ngoài tiết trời đang đông.

Giờ. Có nhà thành phố. Vợ con đuề huề. Mắm ruốc được vợ đánh hột vịt kho chung thịt mà chẳng thấy ngon. Phải chăng thiếu mùa đông lạnh giá? Thiếu cái chặc lưỡi của cu Phong? Hay vắng bóng mẹ tất tả dưới mưa, băng lũ vượt đồng của mẹ?

Nguyên Vũ
(nguồn: Kiến Thức Ngày Nay số 423)

Tiếp tục đọc

Mẹ & Má (T.T.A.H) – Truyện ngắn 100 chữ.

Chị ở nhà chồng. Nghe mẹ bệnh nặng, tính về chăm mẹ mươi hôm. Mới hai ngày, mẹ bảo chị phải về với chồng con.

Chị xin được việc làm nơi khác, tạm sống xa chồng. Mỗi tuần, thứ bảy, chủ nhật, anh đều đặn ghé thăm.

Má chồng bị té, liệt nửa người. Bây giờ, vừa công tác, vừa chăm má, anh chỉ còn ngày chủ nhật dành cho chị. Vậy mà, một lần về thăm, chị nghe má chồng ca cẩm: “Nó chỉ biết có vợ con, ngày chủ nhật đâu chịu ở nhà với má”.

T.T.A.H.
(nguồn: Kiến Thức Ngày Nay số 400) Tiếp tục đọc

Mốt cũ – Đỗ Thị Hồng Ngọc

Mốt cũ

Thuở nhỏ, nhà nghèo. Tết đến má cũng dành dụm ít tiền mua quần áo mới cho chúng tôi. Mừng vì được mặc áo mới nhưng chị em tôi đứa nào cũng méo mặt, áo thì rộng, quần thì ngắn khỏi mắt cá. Chúng tôi phàn nàn, má bảo: mua rộng để khi lớn mập ra thì còn vừa chứ. Bảo ngắn, má nói: ngắn thì dễ chạy việc chứ sao. Lý do nào cũng hợp cả. Năm tháng đổi thay, bây giờ đầy đủ cả, không hiểu tại sao tôi vẫn thích mặc những mốt cũ của ngày xưa…

Đỗ Thị Hồng Ngọc
(nguồn: Kiến thức ngày nay số 491)

Một chiều thu – Dương Hồng Sơn

Một chiều thu

Một chiều thu năm 1970, sau khi đã nhận quân trang và lên xe chuẩn bị hành quân vào Nam tại nơi giao quân ở công viên Thống Nhất, đột nhiên tôi nhảy vội xuống xe đến trước mặt một cô gái có hai bím tóc dài đứng dưới gốc cây xà cừ. “Anh là sinh viên lên đường nhập ngũ đợt này, em ở lại học giỏi nhé”. Sau phút bối rối, cô nói: “Em chúc anh đi chân cứng đá mềm, lập nhiều chiến công và sẽ trở về Thủ đô tiếp tục học đại học. Em tặng anh chiếc bưu ảnh”…
Chiếc bưu ảnh với hình Hồ Gươm và lời chúc “chân cứng đá mềm” của cô, tôi mang theo suốt những năm trong quân đội. Chỉ tiếc rằng tôi đã quên không hỏi tên và địa chỉ của cô.

Dương Hùng Sơn
(nguồn: Kiến thức ngày nay số 441)

Mùi của má – Ngô Văn Vĩnh

Mùi của má

Chị Năm gánh hàng bán bên kia sông Hậu. Chiều, trời bão, chị ngủ lại nhà người quen. Chạng vạng, ở nhà ai cũng lo lắng.

Tối. Sau khi ăn bữa cơm chiều muộn, anh Năm ru bé Tuấn trên võng, ba chị em Hồng Diệu nằm nhớ má trên giường. Bỗng Hồng Tươi kéo chiếc áo cũ sờn của má đưa lên mũi hít một hơi dài. Hồng Thắm, Hồng Diệu cùng giựt chiếc áo: “Em hửi miếng…”, “Tao hửi với… “. Chúng nó hít thật sâu mùi thân quen của má. Anh Năm ru con không thành lời.

Ngô Văn Vĩnh
(nguồn: Kiến thức ngày nay số 403)

Mê khúc – Kim Thúy

Mê khúc
(tặng gia đình 107)

Lúc mới dọn nhà, ông hay đùa: – “Người quân tử phải chọn đại lộ mà đi”… khi ai đó bày ông đi ngõ tắt.

Đùng một cái bà nghe người ta kể “hay gặp ông…” – Hỏi, ông bảo: “Tiểu lộ ít người dễ đi…”.

Rồi “tiểu lộ” cũng dần… bại lộ, mà “đại lộ” thì vẫn cứ bất biến. Đàn ông mà… Chỉ thích “thêm” chứ ít ai muốn “bớt”/

Chiều nay, bà vẫn chăm sóc bàn tay ông, dù giận. Vàng rơi trên sợi bạc. Ông trộm nhìn. Chợt bàng hoàng “mới đó mà”…

Sao đại lộ đã hoàng hôn?

Kim Thúy

(nguồn: Kiến thức ngày nay số 484)

Mưa đầu mùa – Nguyễn Thanh Xuân

Mưa đầu mùa

Những cơn mưa đầu mùa thường ập đến bất ngờ, nước tuôn xối xả. Hàng hiên nhà tôi đầy người đến trú mưa, ồn ào như chợ vỡ, nhất là cánh bán hàng rong. Tôi thật bực mình vì công việc của tôi cần sự yên tĩnh. Mẹ thì khác, những lúc ấy bà vui như “cá gặp nước”, những kỷ niệm vui buồn ngày xưa với gánh hàng của bà như không bao giờ dứt. Có lúc bà còn hào phóng mua hết những thức ăn ế ẩm của họ, dù sau đó không sao dùng hết phải bỏ đi. Tôi tỏ ý khó chịu, mẹ chỉ cười buồn bảo: “Những thứ ấy đã một thời nuôi con khôn lớn đó…” – Tôi nhớ lại những cơn mưa đầu mùa ngày trước, mẹ gánh hàng về ôm tôi khóc, chợt thấy chạnh lòng…

Nguyễn Thanh Xuân
(nguồn: Kiến thức ngày nay số 415)

Một nửa – T.T

Một nửa

Thuở còn đi học, bạn nói với cô vẻ ganh tỵ: “Bồ chỉ cần học một nửa là thi đậu”. Cô mỉm cười cố giấu vẻ tự hào. Ngày nhận việc, nhìn thành tích của cô trong mớ bằng cấp dày cộm, sếp phán: “Em chỉ cần nửa tháng là thành thạo nghiệp vụ”. Thật vậy, dường như trên đời không có việc gì là quá khó đối với cô.

Thời gian trôi qua, bạn bè đứa nào cũng có đôi. Gặp cô, chúng hỏi: “Một nửa của bồ đâu?”. Cô cười bối rối. Việc ấy nào dễ dàng gì.

TT
(nguồn: Kiến thức ngày nay số 392)

Mưa – Ngô Thị Ngãi

Mưa

Mưa! Hà Nội, phố trắng xóa mịt mờ. Mình con nơi gác trọ ước thật nhiều mưa rơi. Chiều nay, lại mưa! Trời đất muốn giao hòa. Thơ con dường như có cánh.

Mưa! Quê nhà, ruộng muối của mẹ thành hư không, mái nhà thêm nhàu nát. Cầm lá thư của con gái trên tay, mẹ nén tiếng thở dài. Sáng mai tất tả ngược xuôi, mẹ chạy vạy sao cho kịp tiền gửi con trước ngày thi.

Mưa! Con hóa nhà thơ. Mẹ còng lưng thêm một chút.

Ngô Thị Ngãi
(nguồn: Kiến thức ngày nay số 397)

Một chiều hè – Thủy Bình

Một chiều hè

Thế là tòa xử ly hôn sau mười năm ngày hòa giải không thành. Chị và anh đứng dậy bắt tay nhau. Chị đợi anh đi trước. Anh lại nhường chị. Chủ tọa nhìn anh và chị, lắc đầu.

Đó là một chiều hè của nhiều năm về trước. Nghe đâu anh vẫn một mình và miệt mài với công việc nghiên cứu.

Chị thắp nến giữa một chiều hè.

Tiếng con gái: :Trời nóng thế mẹ thắp nến lằm gì?”.

Giọng chị như mơ: “Cho sáng nhà con gái ạ”.

Thủy Bình
(nguồn: Kiến thức ngày nay số 387)

Mẹ tôi – Lăng Dũng

Mẹ tôi

Chiến tranh ác liệt. Bố ra chiến trường. Mẹ dắt con sơ tán khắp nơi.

Hòa bình. Bố không trở về. Mẹ khóc hằng đêm. Năm năm sau mẹ mới quyết định lập bàn thờ với bức di ảnh của bố. Một mình mẹ vất vả nuôi con. Vậy mà căn bệnh ung thư quái ác lại cướp mất mẹ.

Hôm bức ảnh mẹ được đưa lên bàn thờ bên cạnh bố, bất ngờ bố trở về! Tất cả chợt vỡ òa…

Bức ảnh bố được hạ xuống. Trên bàn thờ… mẹ lại một mình.

Lăng Dũng
(nguồn: Kiến thức ngày nay số 405)

Mẹ tôi – Nguyễn Bích Phụng

Mẹ tôi!

Học sinh trường làng học yếu, tôi bảo về nhà kèm thêm. Những lúc ấy mẹ chống gậy ra hiên lắng nghe, nhìn tôi và học trò ánh mắt trìu mến.

Hôm tôi sốt dặn mẹ cho các em về. Trong giấc ngủ chập chờn, tôi nghe tiếng mẹ đọc bài rồi gõ từng nhịp thước xuống bàn. Tiếng diễn vần “bài quả cam” vang lên, lần bước ra tôi thấy mẹ cầm nhành cam giảng say sưa… “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”… Tôi sực nhớ mẹ từng là giáo viên trong chiến khu và những năm sau hò bình.

Nguyễn Bích Phụng
(nguồn: Kiến thức ngày nay số 334)

Màu đỏ hoa hồng – Nguyễn Thị Minh Tú

Màu đỏ hoa hồng
(Thương tặng Má nhân dịp lễ Vu Lan)

Ngày má tôi còn nhỏ, mùa Vu Lan năm nào ngoại cũng dắt lên chùa Thiên Mụ để hành lễ và má được cài một bông hồng màu đỏ trên áo. Má ngây ngô hỏi ngoại sự tích lễ Vu Lan và bông hồng tượng trưng cho điều gì, ngoại nhẹ nhàng giải thích, má nghe nhưng chẳng hiểu gì nhiều.

Hôm nay, sau bao năm ngoại không còn nữa, má tôi trở lại thăm chùa vào đúng dịp lễ Vu Lan, người ta hỏi má còn mạ hay không? Mắt má bỗng ngấn lệ, người ta cài cho má một bông hồng màu trắng. Nhìn màu đỏ trên áo người qua lại, lòng má xót xa thầm gọi “mạ ơi!”.

Nguyễn Thị Minh Tú
(nguồn: Kiến thức ngày nay số 470)

Mồ côi – Nguyễn Văn Hùng

Mồ côi

Đêm đông, nằm cạnh bố, cu Hải co ro thì thầm: – Giá như mẹ đừng “đi xa”, thì giờ này con được nằm giữa ấm biết mấy. Chứ có hai bố con mình, ai cũng lạnh.

Bố cu Hải vỗ về con rồi nói: -Con đừng lo, mẹ xa rồi, có dì thay mẹ chăm con. Cu Hải không hiểu những cũng thấy mừng, vì nhà lại có thêm người đỡ vắng lạnh.

Mùa đông sau, Hải co ro nằm một mình lại nghĩ: – Giá như đừng có dì nhỉ thì bây giờ mình đỡ lạnh một bên.

Nguyễn Văn Hùng
(nguồn: Kiến thức ngày nay số 342)

Mùi thơm hương bài – Trần Huy

Ngoài sáu mươi tuổi ông nghỉ hưu, tất cả để lại Hà Nội, một mình ông về quê chăm sóc mẹ già sau mấy mươi năm đằng đẵng xa mẹ. Đó là những ngày hạnh phúc của đời ông, ông được sống lại những năm tháng ông là thằng Thiều bé bỏng đêm đêm cùng mẹ xe những cây hương bài thơm ngọt để nuôi ông ăn học…

Hai mái đầu bạc của hia mẹ con lại xe hương bài cho đến một ngày trong túp lều nhỏ nghi ngút lan tỏa mùi thơm và khói trắng của hương bài…

Ông trở lại Hà Nội với vợ con mang theo hương thơm của hương bài quê hương…

Trần Huy
(nguồn: Kiến thức ngày nay số 353)

Mẹ và chị – Nguyễn Thị Tuyết Trinh

Mẹ & Chị
(Thương tặng Liên Cơ)

Mẹ mất lúc 46 tuổi với căn bệnh ung thư, mang theo nỗi lo vì các con chưa đến tuổi trưởng thành. Ba buồn, chỉ tìm niềm vui trong men rượu. Cơm, áo, gạo tiền… đè nặng trên đôi vai của chị. Lo tiền cưới vợ cho thằng Út, lo cho đứa em kế vốn làm ăn, lo bữa cơm hàng ngày cho cả gia đình. Nỗi lo của mẹ giờ đây đã được chị gánh vác.
42 tuổi, chị nhắm mắt ra đi cũng với căn bênh quái ác như mẹ, lại mang theo những nỗi lo: sức khỏe của ba, hạnh phúc của chồng, tương lai của cháu…

Nguyễn Thị Tuyết Trinh
(nguồn: Kiến thức ngày nay số 384)