Ngoại (Ngọc Vân) – Truyện ngắn 100 chữ.

Nó luôn khó chịu, cho Ngoại lẩm cẩm: mở nước to, Ngoại nhắc; ra ngoài, Ngoại tắt quạt ngay. Có lần nó gắt: “Ngoại già rồi, lo nhiều chi cho mệt!”. Ngoại nghe. Thở dài, sườn sượt.

Ngoại về quê. Nó mặc sức “tung hoành”. Cuối tháng, món lương công nhân ít ỏi vơi quá nửa vì phí điện nước, ba mẹ mắng nó tả tơi.

Tối về, biết chuyện, Ngoại lụm cụm lần giở gói tiền chắt chiu, bọc mấy lớp giấy báo, đưa mẹ . “Con cầm lấy. Má già rồi, cần gì đâu…”. Nó nghe. Òa khóc.

Ngọc Vân
(nguồn: nguyenngocvan1988.wordpress) Tiếp tục đọc

Advertisement

Ngày sinh nhật đầu tiên và cuối cùng – Diệu An.

Chưa đến ngày sinh nhật, còn đến khoảng hai, ba tháng, vợ đã lo nghĩ đến sinh nhật của chồng, con. Rồi chồng lo sinh nhật của vợ con, và con lo ngày mừng tuổi cho ba mẹ. Duy chỉ một người, không ai lo đến – ông nội già yếu. Và cho đến một ngày – ngày ông nội mất.

Chồng hỏi vợ: Sinh nhật ông ngày nào?
Vợ hỏi lại chồng: Ngày nào là ngày sinh của ông?
Con cái hỏi cha mẹ: Ông sinh ngày tháng nào?

Vậy là cả con, dâu, cháu, chắt phải đi tìm ngày sinh cha ông trong chứng minh nhân dân đề làm bia mộ cho ông.

Đó là ngày sinh nhật đầu tiên và cuối cùng của ông.

Tiếp tục đọc

Nghỉ lễ (Nguyễn Tuấn Kiệt) – Truyện ngắn 100 chữ

Cha nó xuôi ngược buôn bán trên chiếc ghe nhỏ để lo cho nó ăn học. Xong đại học, nó ở lại thành phố.

Tết vừa rồi, tiễn nó đi, ông dặn: “Con đi làm, ít về. Cha mẹ nhớ lắm. Nhưng ráng… đến dịp lễ rảnh con về thăm cha mẹ”.

Nó hứa.

Lễ đến, ông hớn hở chờ đón nó về. Nó điện thoại bảo không về được vì sinh nhật bạn gái.

Nghe xong, ông trầm ngâm, lát sau nói với mẹ nó: “Vậy là tết thằng nhỏ nó mới về. Còn đến bốn tháng nữa… “.

Nguyễn Tuấn Kiệt
(nguồn: Kiến thức ngày nay số 420)

Người dưng (T.T.A.H) – Truyện ngắn 100 chữ

Nhà chỉ một mẹ một con. Con gái lấy chồng, bà bắt rể. Khi cháu ngoại lên bốn, con gái lâm bạo bệnh mà chết, bà coi rể như con trai.

Nó đi bước nữa… Những đứa cháu lần lượt ra đời. Thêm người thêm việc, cũng một tay bà lo toan. Nó tính mướn người đỡ đần cho bà.

… Trong giấc trưa chập chờn bên nôi cháu, bà nghe tiếng “con dâu”: Bây giờ mướn người đâu có dễ, công xá đâu có rẻ. Bà là gì của anh mà anh xót?

Bà lắng nghe, nó nói gì… Không! Chỉ có tiếng mưa…

T.T.A.H
(nguồn: Kiến thức ngày nay số 417)

Người bạn – Thanh Vân

Người bạn

Bà Năm mất. Thằng con một mực đòi ông ở với vợ chồng nó. Thương con, ông bán căn nhà, mảnh vườn rồi lên thành phố. Ra đi ông chỉ xách theo con gà trống để làm bạn. Sống trong chung cư từ túng, may nhờ có con gà ông thấy khuây khỏa. Đột nhiên phát dịch cúm gà, quản lý chung cư cấm nuôi gia cầm. “Bạn ông” bị thu gom, tiêu hủy. Bây giờ, mỗi ngày ra vào ông thấy dư thừa chân tay, nhớ quê, nhớ vườn ruộng, nhớ tiếng gà gáy đến nao lòng…

Thanh Vân
(nguồn: Kiến thức ngày nay số 489)

Nghề của mẹ – Võ Thành An

Nghề của mẹ

Mẹ tôi làm nghề bán cá. Mùa nước nổi mẹ bán cá linh. Cá linh đưa lên bờ mau chết dễ sình, nên xuống bến mua cá xong mẹ phải chạy rao bán khắp xóm.

Có lần mẹ đội thau cá đứng trước cổng trường tiểu học nơi tôi học, ở ngoài rào mẹ ngoắt tôi đến cốt đưa cho gói xôi, cái bánh…

Mấy năm học xa, tôi không cho ai biết mẹ làm nghề bán cá.

Nay về, giữa mênh mông đồng nước quê mình, tự thấy như chưa bao giờ tròn chữ hiếu cùng mẹ.

Võ Thành An
(nguồn: Kiến thức ngày số 404)

Ngày giỗ – Cao Thị Thanh Vân

Ngày giỗ

Còn một tuần là giỗ ba, anh Hai họp anh em lại: “Coi khách mời gồm những ai, làm gì cúng, đãi khách cho tươm tất”.

Cả tám anh em ai cũng đi làm, cũng có bạn bè, cấp trên, cần phải ngoại giao, trả ơn. Sau cùng thống nhất mười bàn.

Ngày giỗ, sau khi khách về hết, bữa cơm gia đình dọn ra, nhìn thức ăn toàn ngon và nhiều, cu hưng mếu máo: “Tội ông ngoại hả mẹ, giỗ ngoại mà ngoại chẳng ăn gì, chỉ nhìn cười, còn ai cũng được ăn ngon, lại vui nữa… “

Cao Thị Thanh Vân
(nguồn: Kiến thức ngày nay số 328)
Tiếp tục đọc

Ngoại – Đinh Văn Hồng

Ngoại

Lúc nhỏ, ở quê đi học. Ngoại thường cắt dây chuối thắt quai chèo cho anh chèo ghe đến trường.

Đến khi lên thành phố học đại học, ba mua cho anh chiếc xe đạp để đến trường. Ra trường rồi anh làm giám đốc một công ty, đi làm có xe đưa đón. Bận rộn công việc anh chưa một lần về thăm ngoại.

Ngoại bệnh, nhận được điện tín anh về. Giọng yếu ớt ngoại nói: “Ngoại đã thắt quai chèo cho cháu, sao lâu quá… Không thấy… cháu về”.

Anh cúi mặt lặng thinh, dòng lệ tuôn trào.

Đinh Văn Hồng
(nguồn: Kiến thức ngày nay số 328)

Ngày thứ bảy – Đ.T

Ngày tứ bảy

Thuở bé tôi luôn luôn chờ đợi ngày thứ bảy. Vì đó là ngày ba tôi thường đưa cả nhà đi ăn tối, đi xem phim.

Đến tuổi dậy thì, ngày thứ bảy càng đáng yêu hơn vì đó là ngày tôi đến nơi hẹn với người yêu. Khi lập gia đình, tôi cũng mong ngày thứ bảy để được nghỉ việc, được giặt ủi quần áo, dọn dẹp nhà cửa… Và bây giờ tôi sợ ngày thứ bảy! Đó là ngày chồng tôi họp bạn nhậu, con tôi hẹn với người yêu, tôi hoàn toàn cô đơn.

Đ.T
(nguồn: Kiến thức ngày nay số 397)

Nghề cao quý – Thanh Sử

Nghề cao quý

Về hưu, chị mở lớp dạy kèm tại nhà. Cô bé học giỏi nhất, và cũng ngoan hiền nhất. Chị tận tình chỉ dạy còn cô bé chăm chỉ học, thầy trò vô cùng tâm đắc… Chị hình dung đến một ngày cô bé đừng trên bục giảng…

Hôm nay, khi chị ưởm thử: “Con có thích trở thành cô giáo không?”, cô bé không ngần ngừ một giây, mạnh mẽ… lắc đầu!

Chị cảm thấy hụt hẫng. Sao cô bé lại dứt khoát đến thế… Nghề giáo vốn là nghề cao quý… Hay là… Nhìn lại cảnh nhà thanh bạch, chị thở dài…

Thanh Sử
(nguồn : Kiến thức ngày nay số 387)

Nguồn cội – Ngọc Chi

Nguồn cội

Chị sắp có con đầu lòng, bao nhiêu niềm háo hức, mong đợi, hạnh phúc được chị thể hiện bằng cách sắm sửa cho con không thiếu thứ gì. Vậy mà hôm lên đón cháu về, má chị lại rầy: “Sao lại bận cho thằng nhỏ cái áo cũ mèm như vậy?”. Chị cười: “Má không nhớ cái áo này sao?”. Rồi nước mắt chợt rơi. Đó là cái áo má chị may bằng tay khi sinh chị mà chị còn giữ được tới bây giờ. Cái áo đó bốn đứa em của chị lúc nhỏ đứa nào cũng đã từng mặc qua…

Ngọc Chi
(nguồn: Kiến thức ngày nay số 480)

Ngày sinh nhật đầu tiên – Xuân Vy

Ngày sinh nhật đầu tiên

Tối nay, bé buồn xo. Mẹ gặng mãi, bé nũng nịu: “Hôm qua, sinh nhật cái Na, nó được tặng nhiều đồ chơi đẹp! Sao con không có sinh nhật, mẹ nhỉ?”. Mẹ lặng thinh, mắt đỏ hoe! Sợ mẹ khóc, bé vỗ về: “Đừng khóc mẹ nhỉ! Bé không đòi sinh nhật nữa đâu!”. Bỗng nhiên, mẹ ôm chầm lấy bé nức nở. Bé ngơ ngác rồi òa theo.

… Ngày ấy, cái ngày mà tòa án buộc người đàn ông phải đợi cho bé đủ 12 tháng tuổi mới ký quyết định ly hôn. Và sinh nhật đầu tiên của bé đúng vào ngày mẹ bồng bé chết lặng giữa chốn pháp đình.

Xuân Vy
(nguồn: Kiến thức ngày nay số 405)

Ngoại Bình – Tâm Bình

Ngoại Bình

Nghỉ hè, Bình về thăm Ngoại và ở lại với Ngoại ít ngày. Vườn Ngoại rộng nhiều cây trái. Ngoại Hiu quạnh, thui thủi một mình. Ngoại cũng có cậu Sáu – Liệt sĩ, đã 27 lần giỗ!

Bình lục lạo tủ sách, một tập nhật ký rơi ra. Ngoại thở dài: “Của cậu Sáu để mai mốt cậu về… “ Hai giọt nước mắt đọng trên má Ngoại.

Tâm Bình
(nguồn: Kiến thức ngày nay số 325)

Nghịch lý – Nguyên Vũ

Nghịch lý

Thời sinh viên, mỗi lần đi đá bóng anh phải ngồi chờ.

Sân nhỏ, người đông. Thắng ở, thua ra. Được vào sân, ôi thôi đá “bốc” vô cùng.

Giờ là trưởng phòng. Mỗi lần giao hữu với công ty bạn là đá sân thảm cỏ. Rộng dài tiêu chuẩn. Ra sân, bên trái, phải, trước, sau toàn là sếp cả. Họ “cày” không nổi, tất thảy giục anh chạy như điên.

Mỗi lần có giải, anh mong được đá sân nhỏ. Ước có được hôi 3. Thèm thất bại để được ra nghỉ… như thuở sinh viên ấy mà!…

Nguyên Vũ
(nguồn: Kiến thức ngày nay số 409)

Người tốt, người xâu – Dương Thị Hồng

Người tốt, người xấu

Trong lần đi công tác lên Đà Lạt, chiếc xe hơi cũ kỹ bò lên dốc đồi, trời sẩm tối, đường vắng, anh thấy sợ. Chợt có một bóng người đàn ông tất tả xách một chiếc túi nhào ra đường vẫy tay đón đường xin quá giang.

Nhìn tới nhìn lui, anh bỗng ngại. Nhưng đôi mắt kia van xin, tuyệt vọng.

Anh dừng xe chép miệng:

– Thôi đành vậy! Tôi chỉ sợ gặp phải người xấu.

– Xin ông hãy trói tay chân tôi lại và cho tôi đi nhờ lên Thị xã. Con tôi đang nằm viện.

Dương Thị Hồng
(nguồn: Kiến thức ngày nay số 406)

Người Cha – Võ Thành An

Người Cha

Nhà có cậu con trai duy nhất ba cưng. Lớn lên con trai với ba như người bạn tâm tình, đi đâu cũng đi cùng, cả khi ăn sáng, uống cà-phê…

Học xong đại học, con trai thành đạt, lấy vợ. Bận nọ cùng vợ vào quán nước thấy ba ngồi một mình, con trai cùng vợ đến chào ba, ba vui ra mặt bảo ngồi cùng ba đãi.

Bây giờ con trai mới hiểu, từ khi lấy vợ ba vẫn hay đi đâu đó một mình. Mẹ trách phải: “Con trai dễ quên cha mẹ khi… lấy vợ”.

Võ Thành An
(nguồn: Kiến thức ngày nay số 406)

Ngậm ngùi – B.X.Đ

Ba mất nửa năm, má dẫn hai con nhỏ về quê. Xin được mảnh đất hoang, cùng mần cỏ, dọn nền, lối xóm lạ hoắc tới tiếp dựng mái lá ở tạm. Tối, má gối bánh – nấu. Sáng, hai nhỏ út bưng bán.

Má mượn xuồng đi chợ, áo thâm kim, nón lá rách. Anh Hai ở Sài Gòn, thành đạt, giàu. Hôm về quê, anh đi dọc bờ sông, má thấy, bơi xuồng riết theo, gọi tên con hụt hưởi. Anh ngoái nhìn rồi quay mặt đi tiếp. Má tủi, gát dầm, cúi mặt khóc.

Nước mắt má làm xuồng quay ngang!

B.X.Đ
(nguồn: Kiến thức ngày nay số 316)

Ngụ ngôn nhà gấu – T.T.Y

Ngày xưa… Nhà gấu ở trong rừng. Rừng thì nghèo bởi luôn bị con người tàn phá; lũ ong lại ham chơi chẳng chịu làm ra mật. Cuộc mưu sinh của nhà gấu thật nghiệt ngã.

Những năm tháng thanh xuân cơ cực vì phải lo toan cho đàn con, gấu bố già cỗi chẳng còn sức để tự hái lá rừng cho chính cả mình. Trở nên gánh nặng của gia đình, ngày kia gấu bố lặng lẽ tách khỏi bầy. Lũ gấu con vẫn lớn lên trong nỗi hững hờ. Duy chỉ có gấu mẹ lang thang đi tìm chồng. Nhưng rừng thì mênh mông, biết tìm gấu bố ở đâu?

T.T.Y
(nguồn: Kiến thức ngày nay số 418 – trang 64)