SUY NIỆM 7 – ĐÂU LÀ GIÁ TRỊ CỦA NHỮNG TÌNH CẢM TIÊU CỰC?
“Chủ nhà tức giận bảo gia nhân: “Hãy mau mau ra ngoài, đi khắp đường khắp phố của thành, mang về đây mọi người nghèo và người tàn tật, người mù và người què cụt” (Lc 14,21).
Hãy nhớ tới một người nào đó mà bạn không ưa – một người mà mình thường tránh vì mỗi khi thấy họ, bạn cảm thấy những tình cảm tiêu cực. Thử tưởng tượng bây giờ mình đang đứng trước mặt người ấy và hãy xem những tình cảm tiêu cực nào trào lên nơi bạn…
Bạn hãy ý thức mình đang đứng trước mặt một người nghèo hay một người tàn tật nào đó, một người mù hay một người què nào đó.
Rồi hãy giả sử bạn mời người ấy, người ăn xin ấy từ ngoài phố ngoài hẻm bước vào nhà mình, ra trước mặt mình, người ấy sẽ trao cho bạn một món quà mà chưa có người nào trong số bạn bè duyên dáng và dễ ưa của bạn trao cho bạn, dù họ rất giàu.
Người nghèo ấy sẽ tiết lộ cho bạn biết mình thế nào, tiết lộ cho bạn thấy bản tính của bạn – một sự tiết lộ không kém gì những sự mặc khải trong Thánh Kinh.
Vì có ích gì khi bạn biết toàn bộ Thánh Kinh mà lại không biết bản thân mình, và vì thế đã sống cách máy móc? Sự mặc khải mà người ăn xin ấy mang tới cho bạn sẽ mở rộng tâm hồn bạn tới mức có đủ chỗ cho hết mọi người. Còn có quà tặng nào quí giá hơn món quà ấy?
Bây giờ, hãy nhìn lại mình xem đang phản ứng tiêu cực như thế nào và hãy tự hỏi mình như sau:
1. “Tôi đang chịu trách nhiệm về tình huống này hay tình huống này đang chi phối tôi?”. Đây là mặc khải đầu tiên, và kèm theo đó bạn lại được mặc khải tiếp.
2. Chịu trách nhiệm về một tình huống là phải chịu trách nhiệm về chính mình. Nhưng bạn lại không làm thế. Làm sao có thể làm chủ việc này?
a. Bạn chỉ cần nhận thức được rằng có những người nếu ở trong tình cảnh của bạn sẽ không để mình bị chi phối cách tiêu cực như vừa nói.
b. Ngược lại, họ sẽ tự chịu trách nhiệm lấy tình huống của mình, họ không chịu khuất phục trước tình huống ấy như bạn.
3. Bởi đó, những tình cảm tiêu cực của bạn không do con người gây ra như bạn đã nghĩ một cách sai lầm, nhưng do chương trình bạn đã tự cài đặt. Và sau đây là mặc khải thứ ba, cũng là mặc khải quan trọng.
Thử quan sát xem khi bạn nhận thức điều này, đã có gì xảy ra. Sau khi đã tiếp nhận những mặc khải về bản thân mình, bạn hãy lắng nghe một mặc khải liên quan đến bản tính con người.
Chính thái độ hay cá tính của người kia đã làm bạn phản ứng cách tiêu cực. Bạn có nghĩ là người ấy không phải chịu trách nhiệm về thái độ hay cá tính ấy không?
Bạn chỉ giữ lấy những tình cảm tiêu cực khi bạn lầm tưởng rằng người ấy hoàn toàn thong dong, người ấy hoàn toàn biết rõ và phải chịu trách nhiệm về những điều ấy.
Nhưng có ai làm điều xấu mà ý thức hoàn toàn không? Có thể làm điều xấu hay có thể là hiện thân của điều xấu, đó không phải là biểu hiện của sự tự do đúng nghĩa, mà là một tình trạng bệnh tật vì khi làm điều xấu người ta không có ý thức và sự nhạy bén đủ. Ai có tự do thực sự sẽ không thể phạm tội, như Chúa cũng không thể phạm tội.
Con người khốn khổ đang đứng trước mặt bạn có thể tàn tật, mù loà và què quặt, nhưng không cố chấp và tai ác như bạn nghĩ.
Hãy nhớ sự thật đó; hãy nhìn thẳng và nhìn thật kĩ sự thật ấy, bạn sẽ thấy các cảm xúc tiêu cực của mình trước đây biến thành sự dịu dàng thông cảm.
Bỗng chốc bạn thấy lòng mình mở ra và nhường chỗ cho con người đã bị bạn và nhiều người ép phải lang thang đầu đường xó chợ.
Lúc ấy bạn sẽ nhận thức người ăn mày ấy bước tới cửa nhà bạn, mang theo của bố thí cho bạn – đó chính là giúp bạn mở rộng tâm hồn để thông cảm và buông thả tâm trí để tự do thanh thoát.
Trước đây bạn thường bị khống chế thế nào (bởi những con người có khả năng tạo ra các cảm xúc tiêu cực nơi bạn và bạn vì tránh chúng mà đã phải lạc đường) thì nay bạn có được sự tự do để không tránh mặt ai nữa, không lánh đi đâu nữa.
Bạn cảm thấy muốn được bầu bạn với những con người tuy tàn tật, đui mù và què quặt nhưng lại giúp bạn lớn lên. Tương tự như ai đã biết bơi thì càng muốn tìm chỗ nào có nước. Vì chưng mỗi khi được bầu bạn với những con người ấy, bạn sẽ thấy nếu trước kia mình thường cảm thấy bị những tình cảm tiêu cực khống chế và ức hiếp thì nay càng lúc mình càng cảm thấy dễ thông cảm hơn, càng lúc mình càng cảm thấy tự do hơn. Bạn hầu như không nhận ra mình đang đi khắp phố khắp phường tìm người nghèo, người tàn tật, người đui mù, người què quặt để đưa về, theo lệnh của Chủ Nhân của mình.
Tác giả: Anthony de Mello, dòng Tên
Dịch giả: Lm. Phêrô Đặng Xuân Thành