Dì ghẻ – Nguyễn Thị Kim Anh.

Dì ghẻ – Truyện ngắn 100 chữ.
Chị lấy chồng. Chưa kịp có con thì chồng mất. Ba năm sau chị đi bước nữa. Người chồng mới góa vợ, có hai con nhỏ. Yêu chồng, yêu luôn cả con chồng. Chị quyết định không sinh con để lo cho gia đình. Lớn lên, người con trai có vợ. Sau tuần trăng mật anh ta về nhà. Chị vui mừng ra đón. Chưa đến phòng khách, chị nghe tiếng cô con gái:
– Còn xấp vải hoa?
– Cho mẹ.
– Hoài của! Em lấy nốt, nào phải mẹ mình.
Chị càng buốt tim hơn khi người con trai yên lặng.
Nguyễn Thị Kim Anh
(nguồn: Kiến Thức Ngày Nay)
Tiếp tục đọc

Đổi thay (Cỏ May) – Truyện ngắn 100 chữ

Năm nhất.
Cả khu nhà trọ sinh viên chỉ có vài chiếc xe máy. Chị vui vẻ đi xe đạp, quần áo giản dị và chơi với đám bạn “đồng hội đồng thuyền”.
Năm hai.
Xe máy rẻ, khu nhà trọ có vài người đã không đi xe đạp nữa. Chị vẫn như cũ.
Năm ba.
Chỉ còn hai đứa đi xe đạp. Chị chỉ mỉm cười.
Năm tư.
Chị có xe máy. Nhưng đã không còn chơi với người bạn “đồng hội đồng thuyền” ngày xưa và ăn bận thật “mốt”. Chị không còn là chị nữa…

Cỏ May
(nguồn: Kiến thức ngày nay số 422)

Đi thi – Ngô Thị Thu Vân

Chị Hai thi đệ thất. Ba thức dậy từ lờ mờ chở chị đi trên chiếc xe đạp cũ. Chị Hai đậu thủ khoa. Má bảo: “Nhờ Ba mày mát tay”. Từ đó, lần lượt đến anh Ba rồi cô Út – cấp II, cấp III, tú tài, đại học – Đứa nào cũng một tay Ba dắt đi thi. Giờ cả ba đều thành đạt.

… Buổi sáng, trời se lạnh, Ba chuẩn bị đi thi “Hội thi sức khỏe người cao tuổi”. Má nhìn Ba ái ngại: “Để tôi gọi taxi. Tụi nhỏ đều bận cả”.

Buổi tối, Má hỏi: “Ông thi sao rồi?”. Ba cười xòa bảo: “Rớt”.

Ngô Thị Thu Vân
(nguồn: Kiến thức ngày nay số 412)

Đòn của bố – Nguyễn Thị Thanh Tâm

Đòn của bố

Nắng trưa hè rát bỏng kèm theo đợt gió nóng. Thằng con từ ngoài ngõ vào mồ hôi nhễ nhại, áo quần lấm đầy bùn, tay giơ cao xâu cá vài con đòng đong, cân cấn. Giận quá, phết cho thằng con mấy roi.

Đêm nằm, xoa mấy vệt lằn ở mông con, lòng xót xa, nghĩ lại ngày xưa: mẹ mất sớm, bố ở vậy nuôi con, sau mỗi lần bị đòn vì nghịch ngợm, đều thấy bố quay đầu đi, tay dụi mắt, ước gì trở lại ngày xưa bé để được ăn đòn của bố. Bố ơi!

Vũ Thị Thanh Tâm
(nguồn: Kiến thức ngày nay số 408)

Đổi đời – Nguyễn Hữu Thành

Đổi đời

Thời đất nước mới mở cửa, nó bán hết số đất ông bà cha mẹ để lại lên thành phố sống nhằm muốn đổi đời. Bao năm vất vả với đủ mọi nghề, vẫn không khá lên nổi. Nó chợt thấm thía “Quê hương là chùm khế ngọt”.
Quyết định quay về nơi chôn nhau cắt rốn, nhưng chỉ mua lại được một phần đất hương hỏa ngày xưa. Nó bùi ngùi rơi nước mắt

Nguyễn Hữu Thành
(nguồn: Kiến thức ngày nay số 493)

Dì Tư – Bích Nga

Dì Tư

Thời còn trẻ, dì tôi nổi tiếng sắc nước hương trời, nhưng duyên phận hẩm hiu.
Cả đời dì sống cho người khác: nuôi đẻ cho các chị, em gái, em dâu, nuôi bầy cháu mồ côi khi mợ tôi chết. Những năm cuối đời, dì là người chăm sóc bà ngoại. Bà tôi mất ở tuổi chín ba. Hai năm sau, dì theo bà, lúc ấy dì sáu mươi chín tuổi.
Mãi mãi trong tim chúng tôi, dì là hiện thân của bà tiên cứu khổ. Công ơn và tấm lòng của dì chúng tôi không thể nào quên.

Bích Nga
(nguồn: Kiến thức ngày nay số 476)

Đợi chờ – Huỳnh Vinh Phương

Đợi chờ

Anh và chị là đôi bạn cùng làng. Chị là “cái bóng” theo anh trong suốt những trò chơi tuổi thơ. Lớn lên, chị thương anh hồi nào không hay. Là phận gái, chị đâu dám mở lời trước, sợ bị nói “cọc đi tìm trâu”. Chị đợi một lời tỏ tình, bởi chị biết anh cũng thương mình. Đợi mãi – thời con gái trôi qua, mà anh vẫn lặng im.

Chị đi lấy chồng.

Ngày chị lên xe hoa, anh đứng ở cuối con đường làng nhìn theo bóng chị. Đôi mắt anh có nước: “Mình nghèo, không muốn làm khổ người ta”.

Huỳnh Vinh Phương
(nguồn: Kiến thức ngày nay số 516)

Đóa hồng cho Bố – Võ Văn Tồn

Đóa hồng cho Bố

Mẹ mất. Bố sống một mình. Anh em chúng tôi công thành danh toại, mỗi đứa một nơi, thường gởi tiền về cho Bố.

Mười năm lặng lẽ trôi…

Tết nay về đủ. Thấy Bố quạnh hiu quá, bàn nhau “kiếm một bà để Bố nương nhờ lúc chiều tà bóng xế”.

Bố cười.

Người đàn bà bước vào sân đúng lúc ông thầy cúng dõng dạc xướng: “Tang gia tựu vị…”

Bà sững sờ buông chiếc va li xuống, nghiêng mình kính cẩn đặt đóa hồng trước di ảnh Bố, rồi nhẹ nhàng quỳ xuống cùng chúng tôi.

Võ Văn Tồn
(nguồn: Kiến thức ngày nay số 515)

Đành thôi – Ngô Thị Thu Vân

Đành thôi

Ngày đó, yêu em mà không dám nói. Cứ chiều chiều tan lớp, ngồi đợi em về trong một góc quán cà phê đầu ngõ. Em thôi không học nữa. Tôi quyết định viết thư tỏ tình. Thư viết chưa xong, em theo chồng xa xứ. Lá thư tình viết dở dang tôi còn giữ đến tận bây giờ.

Sáng qua, ngồi trên ghế xử ly hôn, ngỡ ngàng thấy em ôm con ngồi bên dưới, mắt đỏ hoe. Tối về, lục lại trang thư cũ đinh viết tiếp. Tìm mãi, không có cây bút nào trùng với màu mực cũ…

Ngô Thị Thu Vân
(nguồn: Kiến thức ngày nay số 418)

Đời má – Nguyễn Thái Sơn

Đời má

Hằng năm, tới ngày giỗ ba…

Quãng thời gian một: Má lơ trước cả tháng…

Quãng thời gian hai: hơi lẫn, má rang đậu phụng trước hai ngày, đến ngày cũng, đậu không còn dòn rụm khi rải lên từng đĩa xôi!

Bây giờ: Má không còn nhớ gì nữa. Anh trưởng nhắc. Má cười, miệng đầy trầu: “Cúng ba bây hả?”. Nụ cười giũ sạch mọi lo toan, nhưng hỡi ơi, má không còn sống bao lâu nữa!

Nguyễn Thái Sơn
(nguồn: Kiến thức ngày nay số 379)

Dượng tôi – Bích Ngọc

Dượng tôi

Cô tôi mất. Dượng tôi, ngày xưa vốn là một tá điền của ông bà tôi, không biết chữ, vẫn cắm cúi làm công việc hằng ngày: lui cui dọn dẹp trong bếp, quét sân, mắt ráo hoảnh. Bác Hai và ba tôi chủ trì đám tang. Nghi lễ đầy đủ. Chẳng ai buồn ngó đến ông dượng xưa nay chỉ biết vâng lời cô tôi răm rắp và làm tất cả mọi việc tay chân trong nhà. Tôi có việc xuống bếp, trông thấy dượng đang ngồi ở một xó nhà, bờ vai rung rung. Dượng tôi đang khóc, lặng lẽ, âm thầm…

Bích Ngọc
(nguồn: Kiến thức ngày nay số 316)

Điều ước – Nguyệt An

Điều ước

Xưa, tóc chị dài và mượt. Một lần chị cắt hơi ngắn, anh buồn, trách yêu: “Không muốn cho anh vuốt thì nói chứ”. Chị cười, hạnh phúc.

Tình ngang trái, anh đi cưới vợ. Chị vướng vào căn bệnh ung thư… tóc thưa dần, hết hẳn.

Anh tìm đến thăm, chị đắng lòng, se sắt. Ước được một lần được trở lại ngày xưa. Cái thời tóc dài và mượt…

Nguyệt An
(nguồn: Kiến thức ngày nay số 470)

Để sớm gặp Ba – Võ Thị Vĩnh

Để sớm gặp Ba

Bi vừa đi học về đã chạy đến ôm mẹ hỏi: “Mẹ ơi! Bạn con đứa nào cũng có ba, còn ba con đâu? Mẹ bất ngờ trước câu hỏi của Bi.

– Ba con đi làm xa, lâu lắm mới về

– Lâu là khi nào hả mẹ?

– À! Khi nào hết cuốn lịch kia

… Bi vốn dĩ đã thích bóc lịch vào mỗi sáng, nay lại càng thích hơn. Nhưng Bi không bóc từng tờ như mọi ngày mà tới 2 tờ, có khi đến 3 tờ… Thấy lạ mẹ hỏi, Bi bảo “Lịch mau hết thì con sớm được gặp ba”.

Mẹ nghe và khíc. Không biết bên gia đình mới, ông ta có nhớ Bi không?!!!

Võ Thị Vĩnh
(nguồn: Kiến thức ngày nay số 484)